Hình ảnh chụp X-Quang của bà N.T.H (sinh năm 1948, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) cho thấy có rất nhiều kén sán hình dạng kích cỡ như hạt gạo nằm rải rác trong các mô, cơ trên phim trường vùng ngực, khi kiểm tra thêm vùng bụng, hai chi dưới phát hiện thấy rất nhiều kén sán mật độ dày toàn bộ cơ thể.
Mới đây bà N.T.H đến Bệnh viện Hữu Nghị Lạc Việt để kiểm tra sức khỏe, hàng ngày bà N.T.H vẫn ăn uống sinh hoạt bình thường chỉ thỉnh thoảng có cảm giác khó chịu bứt rứt trong người. Khi đến khám bà được chỉ định thực hiện chụp X-quang thường quy. Kết quả phát hiện thấy hình ảnh nhiều kén sán hình dạng kích cỡ như hạt gạo nằm rải rác trong các mô, cơ trên phim trường vùng ngực, khi kiểm tra thêm vùng bụng, hai chi dưới phát hiện thấy rất nhiều kén sán mật độ dày toàn bộ cơ thể.
Sau khi khai thác tiền sử dịch tễ, người bệnh cho biết cách đây vài năm thường có thói quen ăn rau sống, tiết canh lợn, chỉ từ ngày có dịch bệnh lợn, bệnh nhân mới không ăn tiết canh nữa. Sau khi xem hình ảnh trên phim, bác sĩ chẩn đoán sơ bộ: Người bệnh bị nhiễm kén sán dây lợn. Những nang kén này có thể đã tồn tại trong cơ thể người bệnh từ 5 đến 7 năm.
Theo Thạc sĩ – Bác sĩ Nguyễn Viết Nguyệt – Phó Giám đốc Bệnh viện cho biết: Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng nhiễm sán này là do thói quen ăn uống không đảm bảo vệ sinh gây ra như: ăn thịt lợn, nội tạng, chưa nấu chín có nhiễm ấu trùng sán (lợn gạo), các món nem chua, nem thính, hoặc ăn phải thực phẩm có nhiễm trứng sán như rau sống, đặc biệt là món tiết canh, đều là những nguyên nhân chính gây ra bệnh sán dây lợn ở người.
Các nang kén nếu nở ra phát triển thành sán dây trưởng thành thường không có triệu chứng rõ ràng, tùy sự phản ứng của cơ thể, một số người bệnh cảm thấy hấp thu dinh dưỡng kém, đầy hơi, khó tiêu, buồn nôn, đau vùng thượng vị, đi lỏng từng đợt, chán ăn, ăn không ngon, hoặc ngược lại có khi đói cồn cào, ăn nhiều, sút cân. Khi sán bắt đầu rụng các đốt già theo phân ra ngoài thì các biểu hiện lâm sàng càng giảm đi.
Về dịch tễ, khi các đốt sán tự rụng theo phân ra ngoài, đốt sán có đặc điểm là những đoạn nhỏ, dẹt, trắng ngà như xơ mít, đầu sán phẳng, có thể thấy trứng sán trong phân và đây là nguồn lây nhiễm cho cộng đồng.
Đối với trường hợp người bệnh N.T.H hiện tại chưa thấy dấu hiệu của bệnh biểu hiện ở mắt, não…. Bệnh nhân cần phải được dùng các phương pháp kỹ thuật cao như chụp cắt lớp vi tính sọ não, ổ bụng…., để có được hình ảnh đánh giá về tình trạng của bệnh được chính xác hơn, sau đó người bệnh cần phải được chuyển đến cơ sở y tế chuyên điều trị các bệnh nhiễm ký sinh trùng.
Qua trường hợp này, Bác sĩ Nguyệt cũng đưa ra khuyến cáo quan trọng trong chăm sóc sức khỏe hàng ngày:
– Thực hiện ăn chín, uống sôi. Không ăn rau sống, thịt lợn, gan lợn, trâu, bò chưa nấu chín và các thực phẩm khác như: Thịt lợn tái, gan tái, thịt trâu bò tái….(đặc biệt là tiết canh)
– Vệ sinh sạch sẽ nơi ở, đảm bảo thoáng mát
– Vệ sinh, khử khuẩn chuồng trại định kỳ sạch sẽ (đối với những hộ chăn nuôi gia súc)
– Tẩy giun định kỳ 6 tháng một lần
– Khám sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị kịp thời các bệnh lý nguy hiểm.
Một số hình ảnh chụp Xquang của người bệnh: