Đột quỵ và đột tử là hai tình trạng cấp cứu nguy hiểm, dễ bị nhầm lẫn do đều xảy ra đột ngột và có thể gây tử vong nhanh chóng. Tuy nhiên, đột tử thường liên quan đến tim và diễn tiến trong vài phút, còn đột quỵ là do tắc hoặc vỡ mạch máu não, có “giờ vàng” để cấp cứu. Phân biệt đúng và xử trí kịp thời là yếu tố quyết định đến khả năng sống còn của người bệnh.

Tại sao mọi người dễ nhầm lẫn giữa đột quỵ và đột tử?
Tại Việt Nam, không ít người nhầm lẫn giữa hai khái niệm “đột quỵ” và “đột tử”, thậm chí nhiều người còn cho rằng đây là cùng một bệnh lý. Sự nhầm lẫn này xuất phát từ các yếu tố sau:
- Tên gọi dễ gây hiểu lầm: “Đột quỵ” nghe rất giống “đột tử” đều mang nghĩa đột ngột, nguy hiểm, có thể gây tử vong, khiến người nghe lầm tưởng là một bệnh.
- Cả 2 đều xảy ra đột ngột, không báo trước: Người bệnh có thể đang khỏe mạnh, tỉnh táo, bỗng dưng gục ngã, mất ý thức khiến người xung quanh hoảng loạn. Diễn tiến nhanh, dễ gây tâm lý hoang mang: “Sao đang bình thường mà tự nhiên đột quỵ/đột tử?
- Triệu chứng ban đầu có thể tương đồng: Các dấu hiệu như đau ngực, khó thở, chóng mặt, mệt mỏi bất thường đều có thể xuất hiện ở cả hai tình trạng. Điều này khiến cho người không có chuyên môn dễ đánh giá sai dấu hiệu, tưởng là một bệnh.
- Một số trường hợp đột tử có nguyên nhân từ đột quỵ: Một số trường hợp xuất huyết não nặng (đột quỵ xuất huyết) gây tổn thương trung tâm điều khiển hô hấp – tuần hoàn, dẫn đến ngưng tim – đột tử. Vì vậy có những bệnh nhân đột quỵ được ghi nhận là tử vong đột ngột, càng làm tăng sự nhầm lẫn.
Sự nhầm lẫn giữa 2 bệnh lý này là điều dễ hiểu nhưng cực kỳ nguy hiểm. Nếu cấp cứu không đúng cách, cơ hội sống của người bệnh sẽ bị suy giảm nghiêm trọng, tử vong nhanh chóng.
Cách phân biệt giữa đột quỵ và đột tử
1. Khác biệt về diễn tiến và mức độ tử vong
Đột tử có tỷ lệ tử vong cao hơn so với đột quỵ.
- Đột tử là tình trạng tim đột ngột ngừng hoạt động, thường do thiếu máu nuôi dưỡng cơ tim, dẫn đến hoại tử mô cơ tim. Người bệnh đang khỏe mạnh có thể bất ngờ gục ngã, mất ý thức, không còn mạch đập hay hơi thở. Theo y khoa, đột tử diễn ra rất nhanh, thường trong vài phút, nếu không được can thiệp y tế kịp thời, tỷ lệ tử vong của người bệnh gần như 100%.
- Trong khi đó, đột quỵ (tai biến mạch máu não) xảy ra khi dòng máu lên não bị gián đoạn, dẫn đến tổn thương tế bào não. Đột quỵ không gây tử vong ngay lập tức, mà thường diễn tiến qua vài giờ, hoặc vài ngày tùy mức độ tổn thương não. Nếu được đưa đến bệnh viện trong “giờ vàng” (3-4,5 giờ đầu kể từ khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên), cơ hội cứu sống và giảm di chứng là rất cao.
2. Khác biệt về nguyên nhân
- Nguyên nhân đột tử: Chủ yếu liên quan đến bệnh lý tim mạch như nhồi máu cơ tim cấp (động mạch vành tắc nghẽn do cục máu đông), rối loạn nhịp tim (rung thất, nhịp nhanh thất) hoặc bệnh cơ tim. Tình trạng này có thể xuất phát từ thuyên tắc phổi (máu đông chặn động mạch phổi), vỡ động mạch chủ, đột quỵ. Dấu hiệu cảnh báo thường rất nhanh chóng, bao gồm: đau ngực dữ dội, khó thở, mệt mỏi, hồi hộp, loạn nhịp tim, mất ý thức.
- Nguyên nhân đột quỵ: Gồm hai thể chính là thiếu máu cục bộ (do tắc nghẽn mạch máu não) và xuất huyết não (do vỡ mạch máu). Đột quỵ thường có dấu hiệu nhận biết sớm theo quy tắc BEFAST:
B – Balance: Mất thăng bằng
E – Eyes: Mờ mắt, nhìn đôi
F – Face: Méo miệng
A – Arms: Yếu, tê một bên tay chân
S – Speech: Nói khó, nói ngọng
T – Time: Cần hành động ngay, gọi cấp cứu
3. Khác biệt trong cách cấp cứu
Đột tử: Gọi cấp cứu + ép tim mạnh, liên tục
- Gọi cấp cứu ngay lập tức (115)
- Ép tim mạnh và liên tục với tốc độ khoảng 100 lần/phút, đẩy ngực người bệnh xuống vài cm.
- Không cần thổi ngạt nếu không có kỹ thuật, nhưng nên ưu tiên ép tim liên tục để duy trì tuần hoàn máu.
Đột quỵ: Không tự chữa, đưa đến bệnh viện có chuyên môn ngay lập tức
- Tuyệt đối không tự ý điều trị, không bấm huyệt, không châm cứu hay cho uống thuốc.
- Đưa ngay người bệnh đến bệnh viện có khả năng cấp cứu đột quỵ, nơi có thể chụp CT/MRI não, dùng thuốc tiêu sợi huyết hoặc can thiệp nội mạch/phẫu thuật nếu cần.
- Càng sớm trong “giờ vàng”, tỷ lệ cứu sống càng cao và giảm được các biến chứng như liệt, mất ngôn ngữ.

Cách phòng ngừa bệnh đột quỵ và đột tử
Để phòng ngừa nguy cơ đột quỵ và đột tử, các bác sĩ khuyến cáo, mỗi người nên:
- Khám sức khỏe định kỳ 1-2 lần/năm, đặc biệt nhóm có nguy cơ cao như người có bệnh nền tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn mỡ máu, béo phì…
- Người cao tuổi nên chủ động tầm soát các yếu tố nguy cơ, phát hiện sớm các bất thường ở tim mạch, não và can thiệp điều trị kịp thời.
- Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh: hạn chế chất béo xấu, ưu tiên rau củ quả, kiểm soát muối và đường.
- Tránh hút thuốc lá, rượu bia, chất kích thích.
- Ngủ đủ giấc, hạn chế tắm đêm lạnh và tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày để tăng cường sức khỏe.
Bệnh viện Hữu nghị Lạc Việt với trang bị hệ thống máy móc hiện đại, tiên tiến như Máy chụp Cộng hưởng từ 3.0 Tesla, Máy chụp Cắt lớp vi tính 128 lát,… cùng đội ngũ y bác sĩ chuyên khoa giàu kinh nghiệm, luôn sẵn sàng cấp cứu 24/7, đảm bảo tiếp nhận và điều trị bệnh nhân nhanh chóng, hiệu quả, hạn chế tối đa nguy cơ biến chứng và di chứng.
——————————————–