Sinh con khỏe mạnh: Cần chăm chút cả quá trình!

Thứ hai, 17/07/2017

Trang bị kiến thức đầy đủ, chăm sóc dinh dưỡng, vận động, nghỉ ngơi hợp lý, khoa học, tâm lý thoải mái, vui vẻ… là những chuẩn bị tốt nhất được các bác sĩ Bệnh viện Hữu Nghị Lạc Việt khuyến cáo để mỗi bà mẹ có một thai kỳ an toàn, mẹ tròn con vuông.

Về thời điểm trước khi mang thai: Phụ nữ nên tiêm phòng Sởi – Quai bị – Rubella trước khi mang thai 3 tháng, hạn chế các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, uống Axit-folic 5mg theo liều lượng 1/2 – 1 viên/ngày từ trước khi mang thai 1 tháng và khám kiểm tra sức khỏe tổng thể của 2 vợ chồng.

Với trường hợp tụt huyết áp khi mang thai có đáng lo ngại, các bác sĩ khẳng định: “Tụt huyết áp có thể tăng lên khi mang thai nhưng không nguy hiểm. Thực tế, trong thai kỳ, cao huyết áp sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm chứ không phải là huyết áp thấp”.

Với những trường hợp chửa ngoài tử cung: Nguyên nhân chửa ngoài tử cung thì rất nhiều, phức tạp. Nếu vòi trứng bị tắc hẳn thì không thể mang thai, kể cả chửa trong hay chửa ngoài. Thường là do vòi trứng bị bán tắc, rối loạn nhu động vòi trứng hoặc rối loạn chức năng của niêm mạc vòi trứng. Cần đi khám, siêu âm sớm từ ngay sau chậm kinh và thử thai 2 vạch để phát hiện sớm chửa trong hay chửa ngoài để được điều trị nội khoa, hạn chế được việc mổ. Ngoài ra cần đi khám phụ khoa, làm các xét nghiệm về nội tiết sinh dục để tìm nguyên nhân gây ra rối loạn kinh nguyệt như buồng trứng đa nang, tăng prolactin máu; có thể kiểm tra chụp tử cung, vòi trứng để xem vòi trứng có thông hay không.

Với những trường hợp sảy thai: Nguy cơ sảy thai trước 12 tuần có thể xảy ra với hầu hết các phụ nữ vì vậy bạn đừng quá lo lắng cho lần mang thai tiếp theo. Việc theo dõi thai sẽ diễn ra như bình thường và không cần dùng bất kỳ một loại thuốc nào để can thiệp.

Trường hợp thai lưu nhiều lần: Thường có thể do tiền sử di truyền bất thường về nhiễm sắc thể hoặc một số bệnh lý tự miễn như là bệnh lupus ban đỏ. Khi đã tìm được nguyên nhân chính xác thì sẽ có phác đồ điều trị phù hợp cho những lần mang thai tới, bảo đảm an toàn trong quá trình mang thai.

Về quá trình theo dõi thai sản: thai phụ nên đi khám định kỳ hàng tháng. Có 3 lần siêu âm chính: 12 tuần để kiểm tra độ mờ da gáy của bé; 22 tuần để kiểm tra hình thể thai và 32 tuần để đánh giá cân nặng, ngôi thai và chỉ số ối.

Về cân nặng của mẹ không tương ứng với tăng cân của thai: không nhất thiết gắn tăng cân của mẹ liền với sự tăng cân của con, có nghĩa là nhiều khi mẹ tăng cân rất nhiều nhưng con vẫn còi. Khi con bị nhẹ cân, các bà mẹ thường nghĩ là do mình ăn không đủ nhưng thực tế không hẳn như vậy. Trong trường hợp này, thường là do hệ thống tuần hoàn rau thai hoạt động không tốt, không vận chuyển được nhiều chất dinh dưỡng từ mẹ sang con. Trên thực tế không có biện pháp nào có thể làm tăng 1 cách đột phá sự trao đổi này. Bạn cần nằm nghỉ nhiều, uống nhiều nước, chế độ ăn uống hợp lý, cụ thể là không ăn nhiều đồ ngọt, đồ mỡ, hạn chế tinh bột như cơm, bánh…

Với trường hợp bị hở eo tử cung, thai phụ cần được làm thủ thuật khâu vòng cổ tử cung ở tuần thứ 12 – 14. Ngoài ra, khi mang thai, cần nghỉ làm, nằm nghỉ nhiều và tiêm thuốc trưởng thành phổi ở tuần thứ 27-28.

Nếu đã từng bị nhiễm độc thai nghén lần thứ nhất thì nguy cơ bị lần hai sẽ rất cao và mức độ sẽ nặng hơn. Bạn cần theo dõi và kiểm soát tốt huyết áp và nước tiểu từ tuần thứ 22 trở đi.

Đối với các sản phụ nhiễm vi rút viêm gan B thể hoạt động: Cần phải làm định lượng đếm virus viêm gan B trong máu ở tuần thai thứ 28. Nếu kết quả cho thấy virus hoạt động là 6 x 100000 thì phải điều trị thuốc chống virus viêm gan B trước khi sinh và sau sinh (thuốc này có thể dùng trong quá trình cho con bú). Đối với em bé có mẹ bị nhiễm viêm gan B thì bé sẽ được tiêm huyết thanh và vaccin viêm gan B trong vòng 12 tiếng sau sinh sẽ giảm tối đa nguy cơ lây truyền từ mẹ sang con.

Về thời điểm sinh nở, ngay cả khi có các yếu tố có thể gây khó khăn cho việc sinh thường như cao 1m50, tăng cân quá nhiều thì không có nghĩa là buộc phải sinh mổ. Bạn vẫn có thể đợi chuyển dạ tự nhiên và quyết định đẻ thường hay mổ đẻ sẽ được đặt ra trong khi chuyển dạ, có nghĩa là khi có trục trặc, không cho phép đẻ đường dưới thì lúc đó mới chắc chắn phải mổ đẻ.

Những trường hợp nhiều khả năng phải mổ đẻ gồm:

– Những người bị cận nặng và đã phẫu thuật bằng lasik thì thường phải đẻ mổ.

– Bị phình động mạch cảnh não và đã phẫu thuật nút mạch

– Lần sinh đầu đã mổ đẻ do nguy cơ nứt sẹo, vỡ tử cung khi chuyển dạ

Về quá trình mang thai, thai phụ cần lưu ý:

– Có chế độ sinh hoạt, làm việc hợp lý; chế độ ăn càng đa dạng càng tốt.

– Kiểm soát cân nặng và làm các xét nghiệm đường 3 lần để phát hiện đường huyết thai kỳ

– Đo độ mờ da gáy, làm Double test hoặc Tripble test.

– Có thể nằm ngủ bất kỳ tư thế nào mà cảm thấy thoải mái

– Sắt chỉ bổ sung nếu xét nghiệm máu có thiếu sắt, canxi chỉ nên bổ sung một liều duy nhất vào cuối thai kỳ; vitamin tổng hợp có thể uống vào bất kỳ thời điểm nào.

– Lựa chọn những cơ sở y tế đáng tin cậy để theo dõi thai và sinh con.

– Nếu siêu âm bằng đầu dò âm đạo thì sẽ thấy phôi và tim thai lúc 5,5-6 tuần. Nếu siêu âm đường bụng, sẽ thấy tim thai lúc 7 tuần tuổi.

– Các thuốc điều trị thường không ảnh hưởng gì đến thai.

Trên đây là một số chia sẻ của bác sĩ Bệnh viện Hữu Nghị Lạc Việt về bí quyết sinh con khỏe mạnh. Bạn đọc có bất cứ băn khoăn cần được giải đáp vui lòng liên hệ Bệnh viện theo đường dây nóng: 19001269 hoặc đến trực tiếp Bệnh viện để được hỗ trợ.