Hướng dẫn điều trị ngộ độc thuốc tê

Thứ tư, 18/01/2017

Ngộ độc thuốc tê là một tai biến trong gây tê vùng. Nếu không được xử trí kịp thời, tỷ lệ tử vong sẽ tăng cao vì vậy tất cả các loại gây tê vùng và tại chỗ cần phải có biện pháp dự phòng. Bài viết này Ths.BS Nguyễn Anh Tuấn – Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Hữu Nghị Lạc Việt sẽ hướng dẫn điều trị ngộ độc thuốc tê trong các trường hợp khẩn cấp.

Hướng dẫn điều trị ngộ độc thuốc tê

1. Phương pháp điều trị ngộ độc thuốc tê

Điều trị ban đầu

+ Ngừng ngay việc tiêm thuốc tê.

+ Gọi người đến trợ giúp.

+ Kiểm soát đường thở và nếu cần để chắc chắn thì đặt nội khí quản cho thở oxy 100% và bảo đảm thông khí đủ (tăng thông khí có thể giúp làm tăng pH huyết tương trong trường hợp toan chuyển hóa).

+ Có sẵn hay đặt thêm đường truyền tĩnh mạch chắc chắn.

+ Thường xuyên đánh giá tình trạng tim mạch.

+ Xem xét lấy máu làm xét nghiệm, nhưng không nên làm chậm trễ việc điều trị vì việc này.

Điều trị đặc hiệu

Ngộ độc thần kinh trung ương

– Thiopental: 150 – 300 mg TM. Hoặc Midazolam 0,1 – 0,2 mg/ kg.

Xem xét dùng Lipid dạng nhũ tương đường tĩnh mạch để làm giảm nồng độ thuốc tê trong huyết tương.

– Nếu tình trạng bệnh nhân ổn định sau xử trí ngộ độc thuốc, có thể tiếp tục cuộc phẫu thuật.

Ngộ độc tim

Hệ thống tim mạch ít ngộ độc hơn so với hệ thần kinh trung ương, nhưng ngộ độc tim mạch có thể nặng và khó điều trị hơn.

Bù nhanh khối lượng tuần hoàn

– Sử dụng Intralipid 20%: (liều áp dụng cho bệnh nhân 70kg)

Tác dụng:

  • Tạo bể chứa lipid làm lắng tủa thuốc tê
  • Tác dụng trực tiếp lên cơ tim, hoạt hóa kênh Ca, K, tăng hoạt động cơ tim
  • Tăng tổng hợp ATP
  • Giảm gắn kết thuốc tê lên cơ tim

+ Tiêm bolus tĩnh mạch Intralipid 20% với liều 1,5 ml/kg trong 1 phút (100 ml)

+ Tiếp tục tiến hành hồi sức Tim-Phổi-Não

+ Bắt đầu truyền tĩnh mạch Intralipid 20% với tốc độ 0,25ml/kg/phút (dùng 400ml trong vòng 20 phút)

+ Tiêm nhắc lại 2 liều bolus cách nhau 5 phút nếu tuần hoàn chưa hồi phục đủ (dùng thêm 2 liều bolus mỗi liều 100ml cách nhau 5 phút)

+ Nếu tuần hoàn hiệu quả chưa hồi phục, sau 5 phút tăng liều truyền tĩnh mạch lên 0,5 ml/kg/phút (dùng 400 ml trong vòng 10 phút)

+ Tiếp tục truyền cho đến khi tuần hoàn hồi phục đầy đủ và ổn định

– Sử dụng nhóm thuốc vận mạch; sốc điện khi rung thất.

– Tiếp tục hồi sức tim phổi trong suốt quá trình điều trị Intralipid

– Hồi phục có thể xảy ra sau hơn 1 giờ hồi sức với ngừng tim do thuốc tê

– Propofol không phải là một thay thế phù hợp cho Intralipid.

Hướng dẫn điều trị ngộ độc thuốc tê

2. Hướng dẫn phòng ngừa biến chứng nhiễm độc thuốc tê

Trong đa số các trường hợp có thể dự phòng bằng cách:

+ Áp dụng kỹ thuật gây tê đúng.

+ Lựa chọn thuốc tê thích hợp.

+ Theo dõi bệnh nhân chặt chẽ trong và sau khi tiêm thuốc.

Để giảm bớt các nhiễm độc nặng có thể phối hợp:

Tiền mê

+ Không nên dùng nhóm thuốc Benzodiazepine vì có thể che lấp các triệu chứng của nhiễm độc thuốc tê. Đồng thời Benzodiazepine làm gia tăng nồng độ bupivacain trong máu và làm giảm hiệu quả hồi sức trong trường hợp nhiễm độc tim do bupivacain. Nên dùng Midazolam (Hypnovel) để tránh tai biến này.

+ Chỉ sử dụng nhóm thuốc Benzodiazepine với mục đích cắt cơn co giật khi bị nhiễm độc xảy ra.

Chọn thuốc tê

+ Các thuốc tê càng có tác dụng kéo dài càng dễ nhiễm độc.

+ Sử dụng các thuốc tê mới Ropivacaine có độ mạnh và thời gian tác dụng giống Bupivacaine nhưng ít gây nhiễm độc hơn Bupivacaine.

+ Chống chỉ định tuyệt đối gây tê vùng tĩnh mạch bằng Bupivacaine.

+ Trong các trường hợp phải sử dụng thuốc tê thì nên lựa chọn Xylocain vì tần suất nhiễm độc thấp, ít nhiễm độc tim và dễ điều trị nếu xảy ra nhiễm độc.

+ Trong gây tê ngoài màng cứng kết hợp thuốc tê với Adrenalin với mục đích làm giảm sự hấp thu thuốc vào máu hiện đang còn nhiều tranh luận.

Liều lượng thuốc

+ Không nên vượt quá tổng liều thuốc tê cho phép.

+ Tuy nhiên ngộ độc thuốc tê có thể xảy ra ngay cả khi chưa đạt đến liều tối đa (nhiễm độc trong trường hợp này là do tốc độ tiêm thuốc). Hay gặp trong gây tê mổ lấy thai ở sản phụ chuyển dạ đẻ kéo dài.

Kỹ thuật tiêm – Theo dõi

+ Luôn đặt một đường truyền ngoại biên trước khi tiêm thuốc tê cho bệnh nhân.

+ Chuẩn bị sẵn sàng các dụng cụ cấp cứu tuần hoàn và hô hấp để sử dụng khi cần.

+ Mắc monitor theo dõi huyết áp, mạch, SpO2 trước, trong và sau khi tiêm.

+ Nhân viên y tế luôn quan sát bệnh nhân khi tiêm để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường.

Khi làm các thủ thuật, phẫu thuật có dùng thuốc tê, bạn nên lựa chọn cơ sở y tế uy tín để thực hiện. Tại Vĩnh Phúc, Bệnh viện Hữu Nghị Lạc Việt tự hào là cơ sở khám chữa bệnh chất lượng hàng đầu với những ưu điểm vượt trội:

+ Thuốc tê có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng

+ Bác sĩ gây tê có tay nghề và kỹ thuật cao

+ Trang thiết bị đầy đủ, hiện đại

+ Gây tê theo đúng quy trình.

Tóm lại ngộ độc thuốc tê là một biến chứng nặng, trong một số trường hợp điều trị gặp rất nhiều khó khăn đặc biệt khi bị nhiễm độc do Bupivacaine. Vì vậy khi ứng dụng kỹ thuật gây tê dù kỹ thuật đơn giản như gây tê luôn theo dõi sát bệnh nhân, sử dụng đúng nồng độ, liều lượng thuốc, tránh tiêm nhầm vào mạch máu, với tất cả điều đó là biện pháp dự phòng có hiệu quả nhất.