Các kỹ thuật của phương pháp xạ trị

Thứ bảy, 15/02/2025

Xạ trị là phương pháp điều trị ung thư sử dụng tia X hoặc các hạt năng lượng cao để tiêu diệt các tế bào ung thư. Bác sĩ chuyên thực hiện xạ trị để điều trị ung thư được gọi là bác sĩ chuyên ngành xạ trị. Một phác đồ xạ trị thường bao gồm một số lần điều trị cụ thể được thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định. Xạ trị có thể điều trị nhiều loại ung thư khác nhau, và cũng có thể sử dụng kết hợp với các phương pháp điều trị khác: hóa trị, phẫu thuật.

Không như các phương pháp điều trị ung thư khác ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể, xạ trị thường chỉ ảnh hưởng đến phần cơ thể được điều trị ung thư. Một số mô khỏe mạnh gần tế bào ung thư có thể bị tổn thương trong quá trình xạ trị, tuy nhiên chúng có khả năng tự phục hồi sau khi kết thúc điều trị.

Xạ trị ngoài và các kỹ thuật liên quan

Xạ trị ngoài là gì?

Đây là phương pháp xạ trị phổ biến nhất, sử dụng chùm tia bức xạ được phóng từ máy phát bên ngoài cơ thể bệnh nhân. Máy gia tốc tuyến tính (linac) tạo ra các chùm tia bức xạ tia X hoặc photon. Phần mềm máy tính chuyên dụng điều chỉnh kích thước, hình dạng và vị trí của chùm tia, nhắm chính xác vào khối u, đồng thời giảm thiểu tổn thương cho các mô khỏe mạnh.

Hầu hết các phương pháp xạ trị được thực hiện mỗi ngày trong tuần, kéo dài trong vài tuần. Để đảm bảo chùm tia chiếu tới cùng một khu vực trong mỗi lần xạ, bệnh nhân cần sử dụng các giá đỡ vừa vặn, hoặc mặt nạ lưới nhựa khi xạ trị vùng đầu, cổ, hoặc não.

Các kỹ thuật xạ trị ngoài

  • Xạ trị 3 chiều theo hình dạng khối u (3D-CRT): Kỹ thuật này sử dụng hình ảnh 3D từ chụp Cắt lớp vi tính CT hoặc chụp Cộng hưởng từ MRI để xác định chính xác khối u. Kỹ thuật này cho phép sử dụng liều xạ trị cao hơn mà vẫn an toàn, giảm tổn thương cho các mô lành, giảm nguy cơ gây tác dụng phụ.
  • Xạ trị điều biến liều IMRT: Đây là hình thức xạ trị phức tạp hơn, cho phép điều chỉnh cường độ bức xạ khác nhau cho mỗi chùm tia, giúp nhắm mục tiêu tốt hơnrất đa dạng, khác với 3D-CRT sử dụng cùng cường độ với mỗi chùm tia. IMRT nhắm thẳng vào khối u và tránh các mô khỏe mạnh tốt hơn 3D-CRT.
  • Xạ trị điều biến thể tích cung tròn (VMAT): Đây là một sự phát triển mới của IMRT, kỹ thuật này cho phép phân phát liều xạ có độ phù hợp cao hơn, khoảng thời gian điều trị ngắn hơn và lượng bức xạ (MU) phát ra ít hơn so với kỹ thuật IMRT. Trong quá trình xạ trị VMAT, máy gia tốc tuyến tính vừa có thể thay đổi suất liều, thay đổi vị trí các lá MLC đồng thời Gantry vừa quay xung quanh bệnh nhân.
  • Xạ trị proton: Sử dụng các hạt proton thay vì tia X. Proton là hạt mang điện tích dương, ở mức năng lượng cao có thể phá hủy tế bào ung thư. Tuy nhiên, xạ trị proton yêu cầu thiết bị chuyên dụng và hiện chỉ được áp dụng cho một số loại ung thư nhất định.
  • Xạ trị dưới hướng dẫn hình ảnh IGRT: IGRT sử dụng hình ảnh trong quá trình điều trị xạ trị. Hình ảnh được chụp ngay trước và trong khi điều trị điều trị, và được so sánh với hình ảnh được chụp trước khi bắt đầu điều trị. Các bác sĩ định vị chùm tia xạ một cách chính xác nhất có thể.
  • Xạ trị lập thể định vị thân (SRT): SRT sử dụng một lượng bức xạ lớn, chính xác đến vùng khối u nhỏ. Bệnh nhân cần phải nằm bất động, thường phải sử dụng mặt nạ hoặc khuôn cố định. SRT thường được chỉ định một hoặc dưới 10 lần điều trị. Một số người có thể cần nhiều hơn một liệu trình SRT.

Xạ trị trong và các kỹ thuật liên quan

Xạ trị trong là gì?

Phương pháp này đưa nguồn phóng xạ trực tiếp vào bên trong khối u hoặc mô xung quanh khối u. Việc cấy ghép phóng xạ này có thể là vĩnh viễn hoặc tạm thời. Phương pháp này có thể yêu cầu bệnh nhân phải nằm viện.

Một số kỹ thuật xạ trị trong

  • Cấy ghép vĩnh viễn: Nguồn cấy ghép là các hạt thép cực nhỏ bằng hạt gạo, chứa chất phóng xạ. Chúng cung cấp hầu hết các bức xạ xung quanh khu vực cấy ghép. Tuy nhiên, một số bức xạ có thể thoát ra khỏi cơ thể bệnh nhân. Do đó kỹ thuật xạ trị này yêu cầu phải có các biện pháp an toàn để bảo vệ người khác khỏi phơi nhiễm phóng xạ.
  • Xạ trị tạm thời: Bức xạ được đưa vào cơ thể qua kim hoặc ống thông trong thời gian ngắn, từ vài phút đến vài ngày. Trong trường hợp kéo dài, bệnh nhân cần nằm trong phòng riêng để hạn chế tiếp xúc.

Các phương pháp xạ trị khác

Xạ trị toàn thân: Người bệnh uống hoặc tiêm chất phóng xạ nhắm vào các tế bào ung thư. Chất này sẽ bài tiết ra khỏi cơ thể qua nước tiểu, nước bọt và mồ hôi. Những chất lỏng này có chất phóng xạ. Vì vậy, những người tiếp xúc gần với bệnh nhân nên thực hiện các biện pháp an toàn do đội ngũ chăm sóc sức khỏe khuyến nghị.

Xạ trị có an toàn không?

Đối với xạ trị ngoài, bệnh nhân không phát ra bất kỳ bức xạ nào sau các buổi điều trị. Nếu còn, bức xạ chỉ tồn tại trong phòng xạ trị.

Hình ảnh mô phỏng kỹ thuật xạ trị ngoài cho bệnh nhân ung thư.
Hình ảnh mô phỏng kỹ thuật xạ trị ngoài cho bệnh nhân ung thư.

Ngược lại, xạ trị trong làm bệnh nhân phát ra bức xạ. Bệnh nhân có thể phát bức xạ trong thời gian ngắn sau điều trị. Người tiếp xúc gần cần tuân thủ hướng dẫn an toàn, đặc biệt là phụ nữ mang thai và trẻ em.

  • Không tới gần bệnh nhân nếu đang mang thai hoặc chưa đủ 18 tuổi
  • Giới hạn thời gian tiếp xúc với bệnh nhân không quá 30 phút mỗi ngày.

Kỹ thuật xạ trị cấy ghép vĩnh viễn vẫn để lại phóng xạ trong cơ thể sau khi bệnh nhân ra viện. Vì vậy, trong thời gian 2 tháng sau khi ra viện, bệnh nhân không nên tiếp xúc quá 5 phút với trẻ em hoặc phụ nữ mang thai.

Một số biện pháp phòng ngừa an toàn phổ biến trong những ngày đầu sau khi điều trị:

  • Rửa tay kỹ sau khi đi vệ sinh.
  • Dùng riêng đồ dùng và khăn tắm.
  • Uống nhiều nước để thải chất phóng xạ.
  • Tránh tiếp xúc gần với trẻ em và phụ nữ mang thai.

——————————————–

Hệ thống Bệnh viện Lạc Việt

🏥 LVFH Vĩnh Yên: Đường Nguyễn Tất Thành, Định Trung, TP. Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc.
☎ 𝐇𝐨𝐭𝐥𝐢𝐧𝐞: 1900 1269 hoặc 0949 232 115.
🏥 LVFH Phúc Yên: Đường Hai Bà Trưng, Hùng Vương, TP. Phúc Yên, Vĩnh Phúc.     
☎ 𝐇𝐨𝐭𝐥𝐢𝐧𝐞: 0837 732 115.