Khi nghe đến phương pháp xạ trị, nhiều bệnh nhân ung thư và người nhà thường lo lắng liệu xạ trị có nguy hiểm không, có hiệu quả không, và phương pháp này có gây ra những tác dụng phụ gì đối với sức khỏe không. Những thắc mắc này là điều dễ hiểu. Bởi xạ trị là một phương pháp điều trị hiện đại nhưng cũng đi kèm với nhiều câu hỏi chưa được giải đáp rõ ràng. Bài viết dưới đây sẽ giúp hiểu rõ hơn về mục đích, cơ chế hoạt động, cũng như các tác dụng phụ của chúng trong điều trị ung thư. Từ đó giúp người bệnh và người nhà an tâm hơn trong hành trình điều trị bệnh.
1. Cơ chế hoạt động của xạ trị
Xạ trị là 1 trong 3 phương pháp điều trị chính đối với ung thư hiện nay, bên cạnh phẫu thuật và hóa trị. Đây là phương pháp sử dụng bức xạ ion hóa để tiêu diệt tế bào ung thư tại vùng được chiếu xạ.
Xạ trị là phương pháp điều trị tại chỗ tại vùng, không ảnh hưởng nhiều đến toàn thân. Các bác sĩ xạ trị ung thư lập kế hoạch điều trị để tiêu diệt khối u, đồng thời hạn chế các tác dụng phụ lên các cơ quan lành lân cận.
Xạ trị tác động trực tiếp đến DNA của các tế bào ung thư, gây ra các đứt gãy nhỏ, khiến các khối u bị hạn chế phát triển và phân chia, từ đó chết dần đi. Trong quá trình xạ trị thì các tế bào bình thường sẽ bị ảnh hưởng, nhưng hầu hết có thể hồi phục trở lại bình thường.
Xạ trị chủ yếu tác dụng tại chỗ, nên thường không được áp dụng với bệnh nhân có khối u đã di căn rộng. Thay vào đó, liệu pháp này mang lại hiệu quả cao trong các trường hợp:
- Khối u còn khu trú tại chỗ.
- Các tế bào ung thư có tính nhạy cảm cao với bức xạ, như ung thư da, ung thư cổ tử cung, ung thư vòm họng,…
- Đối với những khối u giai đoạn cuối, xạ trị thường dùng để điều trị giảm nhẹ triệu chứng.
2. Xạ trị có nguy hiểm không?
Hiện tại, chưa có nghiên cứu nào chỉ ra rằng xạ trị gây nguy hiểm trực tiếp cho sức khỏe bệnh nhân, nhưng liệu pháp này có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn, phụ thuộc vào tình trạng bệnh, cơ địa và vùng cơ thể được chiếu xạ.
Các triệu chứng thường gặp bao gồm: mệt mỏi, kích ứng da, rụng tóc, buồn nôn, và một số vấn đề khác. Tuy nhiên, hầu hết các triệu chứng này chỉ là tạm thời và sẽ biến mất sau vài tuần đến vài tháng khi kết thúc điều trị.
3. Mục đích của phương pháp xạ trị trong điều trị ung thư
-
Xạ trị triệt căn hoặc thu nhỏ kích thước khối u ở giai đoạn đầu
Một số loại ung thư có mức độ nhạy cảm cao với tia bức xạ, đặc biệt ở giai đoạn đầu khi khối u còn nhỏ và chưa xâm lấn sâu. Trong trường hợp này, xạ trị được sử dụng với mục đích nhằm:
– Loại bỏ hoàn toàn các tế bào ung thư, ngăn chặn sự phát triển và lan rộng của bệnh.
– Đồng thời bảo vệ và hạn chế tối đa tác động của tia xạ đến các tế bào lành lân cận.
Ngoài ra, xạ trị tiền phẫu được áp dụng trong trường hợp khối u quá lớn, xâm lấn hoặc khó phẫu thuật, giúp thu nhỏ kích thước khối u, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình phẫu thuật.
Xạ trị triệt căn có thể được sử dụng độc lập hoặc kết hợp với các phương pháp điều trị khác để tăng hiệu quả điều trị, đồng thời giảm thiểu tác động lên cơ thể bệnh nhân.
-
Xạ trị dự phòng
Xạ trị không chỉ nhằm điều trị khối u hiện tại mà còn giúp phòng ngừa nguy cơ ung thư di căn. Các tế bào ung thư có thể lan rộng qua hệ thống mạch máu hoặc bạch huyết, di chuyển từ khối u nguyên phát đến các cơ quan khác trong cơ thể.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng các tế bào ung thư di căn ngay cả khi chúng chưa được nhìn thấy trên các phim chụp CT, hay MRI. Trong những trường hợp này, xạ trị được áp dụng tại các cơ quan có nguy cơ di căn cao để tiêu diệt tế bào ung thư tiềm ẩn trước khi chúng phát triển thành khối u.
Ví dụ, bệnh nhân ung thư phổi tế bào nhỏ thường được chỉ định xạ trị dự phòng di căn não, ngay cả khi chưa có dấu hiệu lâm sàng của bệnh tại khu vực này.
-
Xạ trị điều trị triệu chứng
Ở những bệnh nhân ung thư giai đoạn muộn, khi khối u đã phát triển lớn hoặc di căn sang nhiều cơ quan, xạ trị được sử dụng để:
– Thu nhỏ khối u: Giúp giảm bớt áp lực từ khối u lên các cơ quan xung quanh, từ đó cải thiện triệu chứng khó chịu cho bệnh nhân.
– Kiểm soát triệu chứng đặc hiệu: Xạ trị có thể giảm đau, cầm máu hoặc giảm các triệu chứng do khối u gây chèn ép như khó thở, khó nuốt hoặc các vấn đề thần kinh khi ung thư di căn não.
Phương pháp này không chỉ giúp bệnh nhân cảm thấy dễ chịu hơn mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống, giúp họ có thêm thời gian bên gia đình và người thân.
4. Xạ trị có nguy hiểm không?
Hiện tại vẫn chưa có nhiều nghiên cứu chứng minh xạ trị gây nguy hiểm cho người bệnh. Tuy nhiên, liệu pháp này vẫn mang lại một số tác dụng phụ không đáng có tùy thuộc vào thể trạng, tình trạng bệnh của mỗi người. Hầu hết các triệu chứng sẽ biến mất trong vài tháng sau khi kết thúc liệu pháp xạ trị.
Xạ trị không gây đau khi được chiếu vào cơ thể, nhưng có thể gây ra các triệu chứng khó chịu khác như: mệt mỏi, kích ứng da, rụng tóc,… Các triệu chứng này có thể xuất hiện ngay sau khi bắt đầu xạ trị hoặc sau đó một thời gian ngắn. Đồng thời, các triệu chứng này có thể kéo dài trong suốt quá trình xạ trị hoặc sau khi kết thúc xạ trị.
5. Những tác dụng phụ thường gặp khi xạ trị
-
Mệt mỏi
Cảm giác mệt mỏi là một trong những tác dụng phụ phổ biến nhất. Nguyên nhân đến từ việc các tế bào khỏe mạnh bị tổn thương trong quá trình xạ trị, làm giảm khả năng sản xuất năng lượng của cơ thể. Kết hợp với tâm lý lo lắng, mất ngủ hoặc chế độ dinh dưỡng kém, bệnh nhân thường xuyên cảm thấy kiệt sức.
Để cải thiện tình trạng này, bệnh nhân nên xây dựng chế độ nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và chia sẻ cảm xúc với người thân hoặc chuyên gia tâm lý.
-
Vấn đề về da
Tia xạ có thể gây ra tổn thương trên da ở khu vực được chiếu xạ. Điều này khiến da khô, ngứa, đỏ rát, bong tróc, thậm chí xuất hiện loét. Người bệnh cần chăm sóc da đúng cách để tránh nhiễm trùng và giúp da hồi phục nhanh hơn.
-
Rụng tóc
Xạ trị ở vùng đầu hoặc các khu vực có nang tóc sẽ khiến tóc rụng tại vị trí chiếu xạ do tia phóng xạ tấn công vào các tế bào bình thường như tế bào ở chân tóc gây rụng tóc. Tình trạng này thường xảy ra sau 2-4 tuần xạ trị. Sau khi kết thúc xạ trị, tóc sẽ mọc lại, nhưng có thể thay đổi về màu sắc hoặc cấu trúc so với trước.
Bệnh nhân có thể sử dụng tóc giả hoặc khăn quấn đầu để che vùng tóc rụng. Và nên chăm sóc tóc bằng các sản phẩm dịu nhẹ để hỗ trợ tóc mọc lại khỏe mạnh.
-
Giảm hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu
Xạ trị có thể làm giảm số lượng các loại tế bào máu trong cơ thể, gây ra các triệu chứng mệt mỏi, thiếu máu, nhiễm trùng, chảy máu hay bầm tím dễ dàng và nguy cơ nhiễm trùng cao. Về lâu dài, tình trạng này ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động thường ngày của bệnh nhân.
Vì vậy, hãy theo dõi định kỳ các chỉ số máu theo hướng dẫn của bác sĩ. Cùng với đó là tăng cường bổ sung các loại thực phẩm giàu sắt, vitamin và protein.
-
Vấn đề về đường tiêu hóa
Xạ trị vùng bụng, bẹn có thể gây ra các vấn đề về đường tiêu hóa: viêm niêm mạc dạ dày, đau bụng, táo bón, tiêu chảy, khó tiêu, đầy hơi, nhiễm trùng, chảy máu,… Vấn đề này ảnh hưởng đến khả năng hấp thu dinh dưỡng, sức khỏe tổng thể của bệnh nhân.
-
Buồn nôn, nôn
Xạ trị có thể kích thích một số dây thần kinh vùng não hoặc nhu động ruột gây cảm giác buồn nôn, nôn.
-
Vấn đề về tai
Xạ trị cho vùng đầu, cổ có thể gây các vấn đề về tai như: viêm tai giữa, viêm tai ngoài, khô tai, tắc tai, ù tai, giảm thính lực,…
Thăm khám tai mũi họng định kỳ để phát hiện sớm các vấn đề. Sử dụng thuốc nhỏ tai hoặc điều trị chuyên sâu nếu cần.
-
Vấn đề về não và trí nhớ
Xạ trị vùng não có thể gây ra phù não, viêm màng não, tổn thương mô não. Bệnh nhân có thể gặp triệu chứng như đau đầu, chóng mặt, buồn ngủ, nhanh quên, mất trí nhớ,… Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được điều chỉnh phác đồ điều trị nếu cần. Cùng với đó là thực hiện các bài tập tăng cường trí nhớ và nghỉ ngơi đầy đủ.
Ngoài ra, xạ trị còn ảnh hưởng đến tâm lý và cảm xúc của bệnh nhân. Người bệnh có thể cảm thấy lo lắng, buồn bã, sợ hãi, tức giận, cô đơn hoặc trầm cảm khi phải đối mặt với căn bệnh và quá trình điều trị.
Người bệnh cũng có thể gặp khó khăn trong việc ngủ, ăn uống, làm việc hoặc giao tiếp với người khác. Đây là những phản ứng bình thường và hợp lý, nhưng hãy khuyến khích người bệnh không nên để chúng ảnh hưởng quá nhiều đến cuộc sống của họ.
Việc hiểu rõ về cơ chế hoạt động và tác dụng của xạ trị sẽ giúp bệnh nhân và gia đình an tâm hơn trong quá trình điều trị. Nếu bạn có bất kỳ lo lắng nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.
Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Hữu nghị Lạc Việt
Ung thư là chuyên ngành mũi nhọn của Hệ thống Bệnh viện Lạc Việt, trong nhiều năm qua luôn được chú trọng đầu tư và phát triển. Tháng 8 năm 2024, Bộ Y tế đã phê duyệt Trung tâm Ung bướu với quy mô 80 giường bệnh. Trung tâm đi đầu trong điều trị ung thư đa mô thức với quy trình khép kín từ thăm khám, chẩn đoán, tư vấn đến điều trị bằng các phương pháp phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, chăm sóc giảm nhẹ.

Mọi thắc mắc xin vui lòng liên hệ đến hotline 1900 1269 / 0949 232 115.
——————————————–