Hóa trị là một trong 3 phương pháp chính trong điều trị ung thư, là hình thức dùng các loại thuốc hóa chất nhằm tiêu diệt tế bào ung thư. Phương pháp này được áp dụng để ngăn chặn sự phát triển của các tế bào ung thư, giảm kích thước khối u trước khi phẫu thuật, tiêu diệt các tế bào còn sót lại sau phẫu thuật, nhằm giảm nguy cơ tái phát. Ngoài ra, hóa trị còn giúp làm giảm nhẹ các triệu chứng như đau, tắc nghẽn,… ở những bệnh nhân ung thư giai đoạn muộn.

Chi phí hóa trị ung thư bao nhiêu?
Hóa trị ung thư là quá trình sử dụng các loại thuốc hóa học để tiêu diệt hoặc ức chế sự phát triển của tế bào ác tính. Phương pháp này được thực hiện dưới nhiều hình thức như: đường uống (thuốc viên), tiêm tĩnh mạch, động mạch hoặc tiêm trực tiếp vào khối u.
Chi phí hóa trị điều trị ung thư không cố định, mà thay đổi tùy thuộc vào nhiều yếu tố như: loại ung thư, giai đoạn bệnh, thời gian điều trị, loại thuốc hóa trị được sử dụng,… Thông thường, hóa trị được chia thành nhiều đợt, kéo dài trong vài tháng hoặc hơn. Chi phí có thể dao động từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng mỗi đợt.
Các yếu tố ảnh hưởng đến chi phí hóa trị ung thư
1. Loại và giai đoạn của ung thư
Loại ung thư sẽ xác định loại thuốc hóa trị mà người bệnh cần. Mỗi loại bệnh ung thư sẽ có những đặc điểm lâm sàng và tính chất khác nhau nên phác đồ điều trị và thuốc hóa trị cũng sẽ hoàn toàn khác nhau. Do đó, chi phí hóa trị cũng sẽ có sự chênh lệch. Ví dụ: Thuốc sử dụng cho điều trị ung thư vú sẽ khác với hóa chất được sử dụng cho ung thư phổi, ung thư đại tràng,…
Thêm vào đó, giai đoạn bệnh cũng là một trong những yếu tố tác động lớn đến số tiền chữa bệnh. Điều trị ung thư giai đoạn đầu không chỉ có khả năng chữa khỏi, kéo dài thời gian sống lâu hơn mà chi phí điều trị cũng sẽ thấp hơn so với chi phí điều trị ung thư giai đoạn muộn.
Lý do là ở giai đoạn sớm, khối u nhỏ, chưa lan rộng nên chi phí điều trị thường thấp hơn. Ngược lại, khi bệnh đã ở giai đoạn muộn, kích thước khối u lớn, sự xâm lấn đã lan rộng, diễn biến phức tạp nên lượng thuốc đưa vào cơ thể cần tăng lên, thời gian sử dụng cần kéo dài nhiều hơn. Thậm chí còn phải kết hợp nhiều loại thuốc khác nhau thì mới có tác dụng.
Chính vì vậy, việc phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời giúp giảm chi phí điều trị đi rất nhiều.
2. Tần suất và thời gian điều trị
Bệnh nhân ung thư thường phải trải qua nhiều đợt hóa trị khác nhau. Mỗi đợt có thể diễn ra trong một hoặc nhiều ngày. Sau đó, có khoảng vài ngày hoặc vài tuần nghỉ. Việc dùng thuốc cũng có thể liên tiếp nhiều ngày hoặc dùng cách ngày.
Trung bình chi phí thuốc cho mỗi đợt hóa trị rơi vào khoảng từ vài triệu đồng trở lên. Bệnh nhân dùng các nhiều thuốc, tần suất càng nhiều, thời gian điều trị càng dài thì chi phí hóa trị càng cao.
3. Loại thuốc sử dụng hóa trị
Chi phí hóa trị sẽ thay đổi tùy thuộc vào loại thuốc hóa trị được dùng. Thuốc hóa trị có thể dùng đường uống hoặc tiêm (vào da, động mạch, tĩnh mạch hoặc khối u). Có rất nhiều loại thuốc khác nhau được chỉ định dựa vào loại, giai đoạn của bệnh ung thư, khả năng đáp ứng với điều trị và tình hình sức khỏe của bệnh nhân.
Liều lượng, tần suất, thời gian dùng thuốc càng nhiều thì chi phí hóa trị sẽ càng tăng lên.

4. Khả năng đáp ứng với điều trị
Không phải tất cả bệnh nhân đều có thể đáp ứng tốt với hóa chất điều trị được bác sĩ chỉ định. Nguyên nhân có thể là do tình trạng sức khỏe tổng thể kém, hoặc tế bào ung thư kháng thuốc.
Vì vậy, sau mỗi đợt điều trị thì người bệnh sẽ được thăm khám để đánh giá các phản ứng của thuốc, tình trạng sức khỏe, khả năng kháng thuốc của tế bào ung thư,… Từ đó bác sĩ sẽ tăng liều, kết hợp thêm thuốc khác hoặc thay đổi thuốc. Điều này sẽ đi kèm với việc tổng chi phí hóa trị tăng lên.
5. Cơ sở y tế điều trị
Chi phí hóa trị ung thư còn có sự khác biệt giữa các địa chỉ điều trị ung thư: cơ sở hạ tầng, chính sách y tế, các loiaj thuốc nhập khẩu trên thế giới, vật tư y tế, điều trị trong hay ngoài nước,… Đặc biệt là chính sách chi trả của bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh của bệnh viện.
Bảo hiểm y tế sẽ tiết kiệm được một khoản đáng kể cho qua trình điều trị: chi phí thuốc, nằm viện, các khoản chi phí khác nằm trong danh mục bảo hiểm y tế chi trả.
Cách giúp bệnh nhân tiết kiệm chi phí thực hiện hóa trị ung thư
-
Thăm khám và điều trị sớm
Phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm giúp giảm đáng kể chi phí điều trị do phác đồ đơn giản hơn, ít tốn kém hơn so với điều trị ở giai đoạn muộn. Vì vậy, hãy thường xuyên thăm khám định kỳ và không bỏ qua bất kỳ dấu hiệu bất thường nào của cơ thể. Việc chủ động kiểm tra sức khỏe định kỳ là một trong những cách hiệu quả nhất để tiết kiệm chi phí và tăng khả năng thành công trong điều trị.
-
Sử dụng bảo hiểm y tế
Bảo hiểm y tế là công cụ quan trọng giúp bệnh nhân giảm gánh nặng tài chính trong quá trình hóa trị. Bảo hiểm thường hỗ trợ chi trả một phần lớn các chi phí như thuốc hóa trị, tiền nằm viện và các xét nghiệm cần thiết.
Ngoài ra, bệnh nhân có thể cân nhắc mua thêm bảo hiểm bảo lãnh hoặc các gói bảo hiểm ung thư chuyên biệt, giúp hỗ trợ thêm chi phí nằm ngoài danh mục bảo hiểm y tế. Hãy tìm hiểu kỹ các quyền lợi bảo hiểm mà bạn có thể nhận được để đảm bảo tối ưu hóa các khoản hỗ trợ tài chính trong quá trình điều trị.
-
Tuân thủ đúng phác đồ điều trị
Tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ giúp tăng hiệu quả điều trị và hạn chế các chi phí phát sinh do bệnh diễn tiến xấu. Không tự ý ngừng hoặc thay đổi liệu trình hóa trị khi chưa có chỉ định.
Hãy đảm bảo tham vấn bác sĩ trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào liên quan đến liệu trình hóa trị của mình. Bên cạnh đó, hãy duy trì chế độ dinh dưỡng và lối sống lành mạnh để cải thiện sức khỏe tổng thể, giúp cơ thể đáp ứng tốt hơn với các liệu pháp điều trị.
-
Lựa chọn cơ sở y tế phù hợp
Chi phí hóa trị sẽ có sự chênh lệch giữa các cơ sở y tế công lập, tư nhân, hay điều trị ở nước ngoài. Nếu điều kiện kinh tế hạn chế, việc lựa chọn bệnh viện công hoặc các cơ sở y tế liên kết với bảo hiểm y tế sẽ giúp tiết kiệm chi phí. Đồng thời, việc lựa chọn cơ sở y tế uy tín, có đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm cũng sẽ góp phần nâng cao hiệu quả điều trị, hạn chế các biến chứng hoặc phải điều trị kéo dài.
Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Hữu nghị Lạc Việt
Một trong mũi nhọn của Hệ thống Bệnh viện Lạc Việt là chuyên ngành Ung thư, trong nhiều năm qua luôn được chú trọng đầu tư và phát triển. Tháng 8 năm 2024, Bộ Y tế đã phê duyệt Trung tâm Ung bướu với quy mô 80 giường bệnh. Trung tâm đi đầu trong điều trị ung thư đa mô thức, kết hợp hóa trị, xạ trị, phẫu thuật, miễn dịch,… giúp điều trị thành công cho nhiều bệnh nhân ung thư.

——————————————–