Viêm phổi ở trẻ em: nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Thứ Hai, 24/12/2018

Viêm phổi ở trẻ em thường là biến chứng của các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính. Ước tính mỗi năm 1 trẻ dưới 5 tuổi có thể bị nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính từ 5 đến 8 lần. Và cứ 4 trường hợp thì có 1 trường hợp bệnh tiến triển thành viêm phổi và cần phải được điều trị tích cực.

Nguyên nhân và yếu tố thuận lợi gây viêm phổi ở trẻ em

Nguyên nhân:

  • Vi rút: thường là vi rút hợp bào hô hấp (RSV), adenovirus, virus cúm, á cúm. Các chủng vi rút gây bệnh hô hấp thường phát triển mạnh khi giao mùa.
  • Vi khuẩn: có nhiều loại.
  • Ký sinh trùng, nấm: thường là nấm Candida albicans gây tưa miệng, có thể gây viêm phế quản phổi.

Yếu tố thuận lợi:

  • Hoàn cảnh về kinh tế – xã hội không thuận lợi như: tiện nghi, nguồn nước, nhà vệ sinh, chăm sóc sức khỏe ban đầu…
  • Ô nhiễm không khí trong nhà, ô nhiễm khói thuốc lá, môi trường sống đông đúc, kém vệ sinh,
  • Gia đình có người mắc bệnh lao.
  • Chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ không đúng cách: trẻ không bú mẹ đầy đủ, suy dinh dưỡng, thiếu vitamin A, kẽm… không được tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch.
  • Do thể trạng trẻ: trẻ đẻ non, cân nặng thấp khi sinh, dị tật bẩm sinh tại đường hô hấp, suy giảm miễn dịch bẩm sinh hay mắc phải …
  • Do điều kiện tự nhiên: giao mùa, thời tiết thay đổi đột ngột.

Triệu chứng viêm phổi ở trẻ em

Các triệu chứng thường rất đa dạng và phức tạp:

  • Giai đoạn sớm: có thể chỉ sốt nhẹ, húng hắng ho, chảy nước mắt, nước mũi, thở khò khè, ăn kém, bỏ bú, quấy khóc…
  • Giai đoạn sau: trẻ không được điều trị đúng và theo dõi sát có thể diễn biến nặng hơn với biểu hiện sốt cao, ho tăng lên, có đờm, khó thở, thở nhanh, thở co lõm lồng ngực, trẻ bỏ bú hoặc bú kém, tím môi, tím đầu chi… Trẻ mệt mỏi, quấy khóc, có thể bị tiêu chảy, nôn, đau bụng.

Lưu ý: Xác định trẻ có thở nhanh hay không bằng cách đếm nhịp thở của trẻ trong đủ 1 phút. Trẻ được coi là thở nhanh nếu:

  • Trẻ < 2 tháng tuổi, nhịp thở > 60 lần/phút.
  • Trẻ 2 – 11 tháng tuổi, nhịp thở > 50 lần/phút.
  • Trẻ 12 – 60 tháng tuổi, nhịp thở > 40 lần/phút.

Điều trị viêm phổi ở trẻ em tại nhà

Khi bị viêm phổi, trẻ không phải lúc nào cũng cần nhập viện mà vẫn có thể được bác sĩ chỉ định điều trị tại nhà. Lúc này, bốn công việc cần phải làm là:

Cho trẻ uống kháng sinh thích hợp

Đây là điều quan trọng nhất để trẻ có thể khỏi bệnh. Cha mẹ cần nhận biết đúng: dạng thuốc được chỉ định, liều lượng mỗi lần uống, số lần uống trong ngày và số ngày cần cho trẻ uống thuốc. Không được tự ý ngưng thuốc dù cho trẻ đã giảm hoặc hết hẳn triệu chứng bệnh.

Điều trị các triệu chứng kèm theo (sốt, khò khè,… )

Sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sỹ.

Chế độ chăm sóc trẻ thích hợp tại nhà

Cần cho trẻ ăn đủ chất, bú đều đặn khi đang bệnh và khi vừa khỏi bệnh. Cần làm thông thoáng đường thở bằng cách dùng nước muối sinh lý nhỏ mũi để trẻ có thể bú, ăn dễ dàng hơn.

Cho trẻ uống nhiều nước hoặc tăng cường cho trẻ bú để làm loãng đờm, dịu họng – giảm ho và tránh mất nước.

Cần lưu ý ho chính là 1 phản xạ có lợi để tống đờm dãi ra ngoài, giúp đường thở được thông thoáng, để trẻ có thể hít thở dễ dàng. Vì vậy, không nên lạm dụng các loại thuốc ho để kìm hãm phản xạ có lợi này ở trẻ. Chỉ khi nào trẻ ho nhiều dẫn đến những hậu quả xấu như: nôn ói, mất ngủ, đau tức ngực, đau rát họng, … cha mẹ mới cần cho trẻ dùng các thuốc ho an toàn.

Biết được khi nào cần đưa trẻ đến khám lại

Bao gồm tái khám theo hẹn và khám lại ngay lập tức khi trẻ có dấu hiệu nặng. Đây cũng là một phần quan trọng trong điều trị.

Tái khám theo hẹn: Trẻ cần được bác sĩ khám lại sau 2 ngày để đánh giá xem thuốc kháng sinh này có hiệu quả tốt hay không

Tới gặp bác sỹ ngay:|

Lưu ý theo dõi và đưa ngay trẻ đến bệnh viện nếu thấy trẻ có 1 trong các dấu hiệu sau:

  • Thở khó khăn hơn (thở nhanh hơn, thở rút lõm lồng ngực)
  • Trẻ không thể uống được
  • Trẻ mệt hơn, phản xạ kém

Đây là những dấu hiệu cho biết bệnh đã nặng hơn, cần nhập viện ngay.

Cho trẻ uống nhiều nước để làm loãng đờm, dịu họng – giảm ho và tránh mất nước.

Phòng ngừa viêm phổi ở trẻ em

  • Tránh các yếu tố nguy cơ gây bệnh: khói thuốc lá, khói xe, những người đang mắc bệnh liên quan đến đường hô hấp (vì vi khuẩn có thể nằm trong không khí khi họ hắt hơi, sổ mũi)… Đảm bảo môi trường sống sạch sẽ, không ẩm mốc. Vệ sinh cá nhân đầy đủ và đều đặn để trẻ không bị nhiễm các vi rút, vi khuẩn có khả năng gây bệnh.
  • Đưa trẻ đi tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch các vắc xin: bạch hầu – ho gà – uốn ván, Hemophilus influenzaetyp B (HiB), phế cầu, cúm…
  • Phát hiện sớm các biểu hiện viêm đường hô hấp nói chung ở trẻ để chăm sóc và điều trị kịp thời.
  • Đảm bảo cho trẻ có sức khỏe tốt, chế độ ăn đủ chất dinh dưỡng.