Ưu nhược điểm của phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể

Thứ tư, 06/03/2024

Phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể là một trong những kỹ thuật hiện đại tiên tiến được sử dụng để điều trị sỏi niệu. Tính đến thời điểm hiện tại, phương pháp này đã đem lại nhiều lợi ích trong việc loại bỏ sỏi mà không cần phải thực hiện phẫu thuật truyền thống. Tuy nhiên, ưu nhược điểm của phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể cũng cần được xem xét một cách kỹ lưỡng. Cùng tìm hiểu về những ưu điểm nổi bật và nhược điểm cần lưu ý của phương pháp này để có cái nhìn toàn diện về quy trình điều trị này.

1. Căn bệnh sỏi thận

Hiện nay, trên thế giới, căn bệnh về sỏi tiết niệu nói chung, sỏi thận nói riêng có tới 2-14% dân số mắc. Với riêng Việt Nam, tỷ lệ dân mắc sỏi tiết niệu chiếm khoảng từ 1-3% dân số. Đây chính là bệnh lý hay gặp nhất tại chuyên khoa tiết niệu. 

Sỏi thận hình thành là do các chất cặn bã không được đào thải ra bên ngoài. Lâu ngày dần dần chúng sẽ tích tụ và hình thành nên những tinh thể dạng rắn như viên sỏi. 

Ở Việt Nam tỷ lệ dân mắc sỏi tiết niệu chiếm khoảng từ 1-3% dân số
Ở Việt Nam tỷ lệ dân mắc sỏi tiết niệu chiếm khoảng từ 1-3% dân số

Đây là căn bệnh có sự phát triển âm thầm. Chỉ cho đến khi xuất hiện các biểu hiện rõ rệt như đau ở hông, giữa lưng, đau vùng bụng ở giữa xương sườn và hông; cơn đau lan xuống vùng bụng dưới, cùng với đó là cảm giác buồn nôn, tiểu buốt, nước tiểu có mùi hôi hoặc lẫn máu,… 

Nếu không điều trị kịp thời, sỏi sẽ có thể rơi xuống niệu quản hoặc chúng sẽ phát triển tại chỗ, gây tổn thương thận. 

2. Những đối tượng có khả năng mắc sỏi thận

Khi mắc sỏi thận, sức khỏe người bệnh sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng và giảm chất lượng cuộc sống. Đây là căn bệnh đặc biệt dễ mắc với những người có thói quen ăn uống không khoa học. Như ăn nhiều muối, uống ít nước, ăn khô,…

Ngoài ra, những người mắc các bệnh về tiêu hóa, gút, bị nhiễm trùng đường tiết niệu trong thời gian dài,… hay là những người mắc công việc đặc thù: phi công, công an, lái xe,…

3. Phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể

Trước đây, khi điều trị sỏi thận thì phẫu thuật mở là lựa chọn đầu tiên. Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ đã có những phương pháp can thiệp ít xâm lấn hơn, như tán sỏi qua da, tán sỏi nội soi ống mềm,… 

Đặc biệt phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể còn là phương pháp không xâm lấn. Là giải pháp tiên tiến, hiện đại và hiệu quả nhất. Phương pháp này hoạt động bằng cách sử dụng sóng xung kích hội tụ tập trung vào viên sỏi dưới áp lực lớn khiến chúng vỡ ra. Sau đó, các mảnh sỏi sẽ theo đường tự nhiên ra ngoài trong khoảng thời gian từ 7-15 ngày. Đây là một trong những ưu điểm lớn nhất của phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể. 

Phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể không gây xâm lấn, nhanh chóng, hiệu quả
Phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể không gây xâm lấn, nhanh chóng, hiệu quả

4. Ưu điểm của phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể

Phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể có những ưu nhược điểm mà người bệnh cần xem xét và tham khảo thông tin kỹ lưỡng trước khi lựa chọn thực hiện phương pháp nào.

Phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể có những ưu điểm như sau:

  • Chi phí mỗi lần tán sỏi hợp lý, không cao
  • Đơn giản, nhanh chóng, không gây đau đớn
  • Nhẹ nhàng, người bệnh gần như không có cảm nhận gì 
  • Thời gian thực hiện thủ thuật chỉ khoảng 1 tiếng và có thể được xuất viện ngay
  • Không xâm lấn, không phải phẫu thuật mở nên hạn chế được các biến chứng sau mổ
  • Ít gây tổn hại đến thận vì khả năng ảnh hưởng của tán sỏi ngoài cơ thể tới thận chỉ dưới 1%. Trong khi đó, tỷ lệ này là trên 30% nếu dùng phương pháp mổ mở lấy sỏi do các đường rạch trên nhu mô thận. 
  • Khắc phục được hiện tượng sót sỏi. 

5. Nhược điểm của phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể

Ngoài những ưu điểm nói trên, phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể cũng có những nhược điểm nhất định:

  • Không áp dụng được với sỏi có kích thước quá lớn, quá cứng hay các loại sỏi san hô,…
  • Hiệu quả tán chỉ đạt từ 55-85%
  • Với những viên sỏi cứng hoặc chưa vỡ hết thì có thể phải tán lại 2 – 3 lần, mỗi lần cách nhau từ 2 đến 3 tuần.
  • Sau tán các mảnh sỏi di chuyển dễ gây tổn thương, gây tắc, viêm nhiễm đường tiết niệu sau khi tán sỏi.

6. Cách giúp phòng ngừa biến chứng sau tán sỏi ngoài cơ thể?

Tuân thủ chế độ dinh dưỡng:

  • Uống nhiều nước từ 2-3 lít/ngày để đảm bảo nước tiểu màu vàng nhạt
  • Uống nhiều nước cam, chanh, bưởi tươi để chống tạo sỏi, do những loại nước này chứa nhiều citrate
  • Ăn nhiều rau tươi: giúp tiêu hóa nhanh, giảm hấp thu các chất gây sỏi 
  • Ăn uống điều độ thực phẩm chứa calci: Mỗi ngày có thể uống khoảng 3 ly sữa tươi hoặc dùng các sản phẩm tương đương sữa như bơ, phô mai (khoảng 800 – 1300mg calci)
  • Trong trường hợp bị sỏi thận tái phát nhiều lần. Nếu khi xét nghiệm kiểm tra kết quả cho thấy đa calci niệu do tăng hấp thu calci từ ruột thì cần phải kiêng calci. Tuy nhiên không phải kiêng hoàn toàn mà vẫn nên ăn khoảng 400mg/ngày, tương đương khoảng 1,5 ly sữa tươi
Dinh dưỡng cho người bệnh sau tán sỏi ngoài cơ thể là vô cùng quan trọng
Dinh dưỡng cho người bệnh sau tán sỏi ngoài cơ thể là vô cùng quan trọng

Các thực phẩm nên hạn chế:

  • Ăn ít thịt động vật: có thể ăn cá thay thịt, tôm cua có thể ăn vừa phải. 
  • Hạn chế muối và mỡ: Cố gắng ăn nhạt vì việc giảm lượng muối trong chế độ ăn cũng có thể cắt giảm lượng oxalate trong nước tiểu. 
  • Tránh ăn nhiều thực phẩm chứa chất purin gây sỏi thận: thịt khô, cá khô, lòng heo, lòng bò,…
  • Giảm các thực phẩm chứa nhiều oxalat: Bao gồm các loại đậu phộng, bột cám, socola, cà phê và trà đặc,…
  • Tránh sử dụng các chất kích thích: bia, rượu, thuốc lá,…

Theo dõi và chăm sóc sau khi tán sỏi:

  • Tránh va đập vào vùng da, vùng cơ thể tại vị trí tán sỏi
  • Uống thuốc đúng theo đơn bác sỹ kê
  • Hẹn khám kiểm tra lại sau 1 tháng
  • Nếu có các triệu chứng bất thường: tiểu buốt, rát, tiểu máu,… cần đến khám chuyên khoa tiết niệu ngay

——————–

Hệ thống Bệnh viện Lạc Việt

🏥 LVFH Vĩnh Yên: Đường Nguyễn Tất Thành, Định Trung, TP. Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc.
☎ 𝐇𝐨𝐭𝐥𝐢𝐧𝐞: 1900 1269 hoặc 0949 232 115
🏥 LVFH Phúc Yên: Đường Hai Bà Trưng, Hùng Vương, TP. Phúc Yên, Vĩnh Phúc.     
☎ 𝐇𝐨𝐭𝐥𝐢𝐧𝐞: 0837 732 115