Trẻ sơ sinh giật mình khi ngủ có phải hiện tượng bình thường không?

Thứ Sáu, 15/03/2019

Trẻ sơ sinh, đặc biệt là trẻ mới sinh trong 1 – 2 tháng đầu tiên đôi khi hay giật mình trong khi ngủ. Vậy đâu là nguyên nhân khiến trẻ bị giật mình? Và đây liệu có phải một hiện tượng bình thường hay là dấu hiệu của sự thiếu chất hoặc một bệnh lý nào đó trong cơ thể của trẻ? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

TRẺ SƠ SINH GIẬT MÌNH KHI NGỦ: PHẢN XẠ THÔNG THƯỜNG KHI TRẺ MỚI RA ĐỜI

Trước khi sinh ra, trẻ quen thuộc với không gian nhỏ hẹp, ấm áp và an toàn trong bọc ối của mẹ. Bởi vậy sau khi sinh, việc tiếp xúc với những yếu tố mới, lạ như: âm thanh của những sự vật, con người xung quanh, nguồn ánh sáng từ bên ngoài, đèn điện… đều khiến bé phải tập thích ứng. Do đó, trong quá trình này, bé cảm thấy khá “bất an” và dễ giật mình trong khi ngủ. Đây chỉ là một phản xạ bình thường và diễn ra trong thời gian ngắn, cha mẹ không cần quá lo lắng. Tuy nhiên, khi bé giật mình, mẹ hãy trấn an bé bằng cách ôm bé vào lòng để bé cảm thấy được đang ở gần mẹ. Đồng thời, cần lưu ý tạo một không gian yên tĩnh trong căn phòng, giúp bé cảm thấy an toàn bằng cách:

– Quấn chăn cho bé, giúp bé cảm thấy an toàn và ít giật mình hơn.

– Khi muốn đặt bé xuống giường, ôm bé sát vào người và từ từ nằm xuống giường. Không trực tiếp đặt bé từ trên tay xuống giường sẽ khiến bé cảm thấy như đang bị rơi, khiến bé sợ hãi.

– Không để chuông điện thoại lớn khi chăm sóc bé, tránh để tiếng chuông làm bé bị giật mình.

MỘT SỐ TRƯỜNG HỢP TRẺ SƠ SINH GIẬT MÌNH KHÔNG PHẢI DO PHẢN XẠ THÔNG THƯỜNG

Trẻ sơ sinh giật mình khi ngủ do thiếu canxi

Một trong các nguyên nhân phổ biến nhất khiến trẻ sơ sinh giật mình khi ngủ – không phải phản xạ thông thường – là do bị thiếu canxi. Ba mẹ nên đưa bé đi khám, có thể hỏi ý kiến bác sĩ để bổ sung vitamin D và tắm nắng một cách hợp lý cho bé.

Trẻ bị thiếu canxi thường có các dấu hiệu như: còi xương, chậm lớn, chậm mọc răng, ra mồi hôi trộm… Bổ sung vitamin D và tắm nắng sẽ khắc phục hiệu quả vấn đề này.

Bé bị trào ngược dạ dày thực quản hoặc bị đầy hơi

Khi bú sữa, bé dễ nuốt cả không khí vào bụng khiến bụng bé bị đầy hơi, ọc ạch gây trào ngược dạ dày khiến bé ói sữa. Trường hợp này cũng khiến bé bị giật mình giữa đêm khi ngủ.

Cách tốt nhất để tránh tình trạng này xảy ra là sau khi bé vừa bú no, mẹ hãy bế thẳng cho bé áp sát vào người mình, vỗ nhẹ vào lưng để giúp bé ợ hơi ra ngoài. Đồng thời, tiếp tục bế thẳng bé một lúc trước khi đặt bé nằm trở lại.

Bé mơ thấy ác mộng

Trẻ sơ sinh cũng có thể mơ thấy ác mộng. Bé có thể bị giật mình và quấy khóc nếu mơ thấy những giấc mơ khiến bé cảm thấy bất an, sợ hãi. Khi bé giật mình tỉnh dậy khi gặp ác mộng, cha mẹ hãy ôm và dỗ dành bé, khiến bé cảm thấy an toàn. Tình huống này sẽ ít đi khi bé lớn hơn nên cha mẹ không cần quá lo lắng.

Bé bị viêm họng, ngạt mũi, viêm tai giữa, giun kim

Đây có thể là một trong các nguyên nhân bệnh lý khiến bé bị giật mình trong khi ngủ bởi những bệnh lý này gây ra sự khó chịu, bứt rứt trong cơ thể. Bé ngủ không ngon do bệnh lý sẽ quấy khóc nhiều hơn. Cha mẹ có thể quan sát kỹ các dấu hiệu bệnh lý khác và đưa bé đi khám tại các cơ sở y tế tin cậy.

Bất thường về chức năng não

Trường hợp này rất hiếm, tuy nhiên vẫn có khả năng xảy ra và thể hiện ở việc trẻ sơ sinh giật mình khi ngủ. Vấn đề này chỉ được chẩn đoán một cách chính xác khi có các bài kiểm tra y tế chuyên môn.