Trẻ bị tay chân miệng phải làm sao?

Thứ Hai, 22/05/2017

Vào thời điểm giao mùa đặc biệt khi thời tiết chuyển sang hè, trẻ nhỏ rất dễ gặp phải một số bệnh thường gặp như sốt phát ban, sốt xuất huyết, tiêu chảy cấp và hiện nay thì bệnh chân tay miệng ở trẻ có xu hướng ngày càng gia tăng. Vậy phải làm sao khi trẻ bị bệnh tay chân miệng?

Biểu hiện bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ

Trẻ em bị bệnh chân tay miệng thường có biểu hiện sốt nhẹ, chán ăn, mệt mỏi, đau họng, nổi ban đỏ trên da,… Thời gian ủ bệnh thông thường từ khi nhiễm bệnh tới khi khởi phát triệu chứng từ 3 – 7 ngày.

Sốt

Bệnh thường bắt đầu với các biểu hiện như sốt (sốt thường kéo dài 24 – 48 giờ), chán ăn, mệt mỏi và thường xuyên bị đau họng.

Nổi ban trên da

Đây là dấu hiệu đặc trưng thường gặp khi trẻ bị chân tay miệng. Trong 1 – 2 ngày khi phát bệnh, trẻ sẽ có những nốt hồng ban đường kính vài mm nổi trên nền da bình thường, sau đó trở thành bọng nước. Những ban đỏ này xuất hiện nhiều ở ngón tay, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông. Những nốt ban có kích thước từ 2-5mm ở giữa có màu xám sẫm và có hình bầu dục.

Dấu hiệu nổi ban trên da bé thường không đau, không ngứa và có thể kéo dài tới 10 ngày.

Loét miệng

Khi các ban đỏ xuất hiện quanh miệng sẽ gây loét miệng. Những vết loét thường có đường kính từ 4-8mm và ở trong miệng, trên lưỡi và vòm miệng của trẻ khiến bé gặp khó khăn khi nuốt. Với những dấu hiệu bệnh chân tay miệng này nhiều cha mẹ lầm tưởng bé bị viêm loét miệng thông thường. Tuy nhiên, cha mẹ cần hết sức lưu ý với những biểu hiện này, cần đưa trẻ tới cơ sở y tế để chẩn đoán chính xác bệnh.

Các bậc phụ huynh lưu ý, người bị bệnh tay chân miệng có thể không biểu hiện triệu chứng hoặc chỉ có phát ban, loét miệng. Nhiều trường hợp, bệnh có thể diễn biến nhanh với các triệu chứng về thần kinh, hô hấp và dẫn đến tử vong.

Làm sao khi trẻ bị tay chân miệng?

Tay chân miệng là bệnh nguy hiểm ở trẻ nhỏ chính vì vậy khi thấy trẻ có một trong những dấu hiệu trên, các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế uy tín để thăm khám và nghe bác sĩ tư vấn. Trường hợp trẻ được chỉ định chăm sóc tại nhà, cần thực hiện đầy đủ những điều sau:

– Vệ sinh răng miệng và thân thể, tránh làm nhiễm trùng các bóng nước

– Giảm đau, hạ sốt bằng cách lau mình bằng nước ấm, dùng thuốc hạ sốt Paracetamol.

– Nghỉ ngơi hợp lý, hạn chế vận động, tăng cường dinh dưỡng, cho ăn thức ăn lỏng, mềm, uống nhiều nước nhất là nước hoa quả.

– Không cạy vỡ các bóng nước để tránh nhiễm trùng.

– Theo dõi sát để phát hiện các dấu hiệu: dễ giật mình, hoảng hốt, run chi, gồng tự hết, đi loạng choạng, chới với, co giật, da nổi bông, nôn ói nhiều, sốt cao. Khi có các biểu hiện trên đây cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay.

Tay chân miệng là bệnh có thể tái phát nhiều lần vì vậy các bậc phụ huynh cần áp dụng các biện pháp phòng bệnh liên tục cho trẻ, không nên lơ là.

Trên đây là một số chia sẻ về bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ cho các bậc phụ huynh tham khảo. Nếu còn bất cứ băn khoăn cần được giải đáp bạn đọc có thể đến trực tiếp Bệnh viện Hữu Nghị Lạc Việt (đường Nguyễn Tất Thành, xã Định Trung, tp Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) hoặc liên hệ bệnh viện theo đường dây nóng: 0949.232.115 để được hỗ trợ.