Nếu cho rằng gan nhiễm mỡ chỉ xảy ra ở những người thừa cân, béo phì thì có lẽ bạn vẫn chưa hiểu đúng về bệnh. Thực chất, ngay cả những người gầy yếu cũng có thể mắc bệnh. Do vậy, không nên chủ quan với gan nhiễm mỡ mà cần có những biện pháp phòng tránh từ chính chế độ ăn uống, sinh hoạt và cách chăm sóc sức khỏe đúng đắn, khoa học. Để làm được điều này, việc nắm rõ các thông tin xung quanh bệnh là vô cùng cần thiết.
Gan nhiễm mỡ là gì?
Gan nhiễm mỡ là tình trạng tích tụ mỡ trong gan, lượng mỡ tích tụ trên 10% được xem là bị gan nhiễm mỡ. Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây viêm gan, xơ gan cho người bệnh.
Mặc dù trước đây, người ta cho rằng gan nhiễm mỡ là vô hại. Tuy nhiên nếu không điều trị và cải thiện, bệnh nhân gan nhiễm mỡ có thể gặp phải viêm gan và xơ gan, ảnh hưởng không nhỏ đến chức năng gan và sức khỏe toàn cơ thể bởi đây không chỉ là bệnh lý ở gan mà nó còn là báo hiệu của hàng loạt các bất thường về sức khỏe cần được điều trị sớm.
Nhận biết gan nhiễm mỡ bằng cách nào?
Có tới 70% bệnh nhân gan nhiễm mỡ do béo phì. Do vậy, nếu bạn đang trong tình trạng thừa cân, béo phì thì bạn cũng có nguy cơ bị gan nhiễm mỡ. Tuy nhiên, điều này cũng không có nghĩa là những người gầy yếu, thừa cân, béo phì không có nguy cơ mắc bệnh.
Ở giai đoạn đầu, người bệnh thường không biết mình bị gan nhiễm mỡ cho đến khi khám sức khỏe định kỳ, hoặc đến khi có triệu chứng rõ rệt. Các dấu hiệu chứng tỏ bị gan nhiễm mỡ thường gặp là:
– Tụt cân không rõ nguyên nhân
– Tinh thần mất tập trung
– Cảm thấy khó chịu ở bụng, đau bụng bên phải
– Cơ thể mệt mỏi, yếu ớt
– Triệu chứng trên da khiến da loang lổ, xỉn màu
Các triệu chứng này dễ bị nhầm lẫn với tình trạng mệt mỏi của cơ thể hay các bệnh lý thường gặp ở đường tiêu hóa. Nếu nằm trong nhóm bệnh nhân thừa cân, thường xuyên sử dụng rượu bia, bị tiểu đường… thì cần nghĩ ngay đến gan nhiễm mỡ và thăm khám sớm.
Nguyên nhân nào dẫn đến bệnh gan nhiễm mỡ?
Thông thường, lượng mỡ chiếm khoảng 3 – 5% trọng lượng gan. Khi bị gan nhiễm mỡ, con số này có thể lên đến 10 – 20% hoặc nặng hơn là 30%. Những nguyên nhân dẫn tới tình trạng dư thừa lượng mỡ ở gan này là do sử dụng quá nhiều rượu bia, cơ thể thừa mỡ, bệnh lý đái tháo đường hoặc tác dụng phụ của một số loại thuốc chữa bệnh… gây hại đến gan. Đặc biệt ở những người lười vận động, lượng mỡ tích tụ ở gan càng lớn, bệnh tiến triển nhanh.
Biến chứng nguy hiểm của gan nhiễm mỡ
Gan nhiễm mỡ trải qua 3 giai đoạn theo mức độ nặng nhẹ:
+ Gan nhiễm mỡ độ 1: Đây là thể nhẹ nhất của gan nhiễm mỡ, lượng mỡ trong gan mới chiếm khoảng 5 – 10% tổng trọng lượng gan. Ở giai đoạn này, bệnh chưa ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và dễ điều trị. Chỉ cần điều chỉnh chế độ ăn uống và vận động tích cực hàng ngày.
+ Gan nhiễm mỡ độ 2: Ở giai đoạn 2, lượng mỡ chiếm từ 10 – 25% trọng lượng của gan đồng thời mỡ lan rộng ra mô gan, cơ hoành, giảm đường bờ của tĩnh mạch. Khi bị gan nhiễm mỡ độ 2, người bệnh cũng chưa có triệu chứng rõ rệt hoặc dễ bị nhầm lẫn với các vấn đề khác của cơ thể. Tuy nhiên, nếu không điều trị, gan nhiễm mỡ sẽ chuyển sang mức độ nặng hơn, nguy cơ biến chứng càng cao.
+ Giai đoạn 3: Là giai đoạn nguy hiểm nhất do gan bị tổn thương nghiêm trọng, khó phục hồi. Nặng hơn, người bệnh có thể tử vong do biến chứng xơ gan, ung thư gan.
Không chỉ là một bệnh riêng lẻ mà gan nhiễm mỡ là biểu hiện lâm sàng của nhiều bệnh lý khác nhau. Bệnh có thể tiến triển thành viêm gan, xơ gan thậm chí ung thư gan gây tử vong nhanh chóng. Ở thể nặng, người bệnh cảm nhận rõ rệt nhất các triệu chứng như mệt mỏi, không thể làm việc, cơ thể yếu dần, đầy hơi, chán ăn, hôn mê, li bì do gan bị tổn thương nặng, mất hẳn chức năng.
Để ngăn chặn biến chứng cũng như điều trị gan nhiễm mỡ ngay từ sớm, người bệnh cần tìm đến bác sĩ ngay khi có các bất thường về sức khỏe.
Điều trị gan nhiễm mỡ như thế nào?
Xét nghiệm máu phân tích mỡ trong huyết thanh, xét nghiệm men gan, siêu âm gan là những phương pháp cận lâm sàng hỗ trợ chẩn đoán hiệu quả bệnh gan nhiễm mỡ. Trên hình ảnh siêu âm, độ hồi âm của nhu mô gan tăng tạo nên hình ảnh đặc trưng gọi là “gan sáng”. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể chỉ định sinh thiết lấy mảnh tổ chức gan để đi kiểm tra tế bào học.
Hiện chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu gan nhiễm mỡ mà chỉ tập trung điều trị nguyên nhân, nguồn gốc gây bệnh như giảm cân, điều trị bệnh tiểu đường, tránh đồ uống có cồn… Tùy vào nguyên nhân gây gan nhiễm mỡ ở người bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị cũng như lời khuyên sức khỏe phù hợp nhất.
Lời khuyên của bác sĩ
Để phòng tránh và điều trị hiệu quả gan nhiễm mỡ, mỗi người cần xây dựng cho mình thói quen ăn uống lành mạnh, giảm chất béo, tránh rượu bia kết hợp với tăng cường vận động để gan hoạt động tốt, hạn chế sự tích tụ mỡ trong gian. Sau điều trị, người bệnh vẫn cần có các biện pháp phòng tránh để gan nhiễm mỡ không tái lại. Khám sức khỏe định kỳ 1 – 2 lần mỗi năm cũng là cách thức chăm sóc sức khỏe toàn cơ thể và lá gan một cách hiệu quả.