Thoái hóa khớp: Nguyên nhân, điều trị và cách phòng ngừa

Thứ năm, 08/08/2019

Nguy cơ thoái hóa khớp tăng theo tuổi khi sụn bị phá vỡ. Phụ nữ đã trải qua thời kỳ mãn kinh có nguy cơ mắc bệnh cao hơn vì lúc này cơ thể sản xuất chậm hoặc thậm chí ngừng sản xuất estrogen – giúp xương phát triển. Thoái hóa khớp cũng có thể được di truyền trong gia đình. Dưới đây là những cách phòng ngừa bệnh thoái hóa khớp hiệu quả được các chuyên gia khuyến cáo:

BẢO VỆ BẢN THÂN KHI LÀM VIỆC
Các công việc liên quan nhiều đến chuyển động lặp đi lặp lại như quỳ, nâng, đi bộ… trong thời gian dài với cường độ cao có thể làm cứng khớp. Trao đổi với bác sĩ Cơ xương khớp để biết cách giảm nguy cơ thoái hóa khớp.


Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ để có biện pháp phòng ngừa thoái hóa khớp hiệu quả

THAY ĐỔI TƯ THẾ THƯỜNG XUYÊN
Nên thường xuyên thay đổi các tư thế sinh hoạt. Tránh nằm lâu, ngồi lâu, đứng lâu một chỗ vì sẽ làm ứ trệ tuần hoàn và gây cứng khớp. Có thể đây là yếu tố chính yếu gây ra thoái hóa khớp do nghề nghiệp, nhất là ở những người lao động trí óc.

TẬP THỂ DỤC
Tập thể dục nhẹ nhàng có thể cải thiện sức khỏe khớp, giảm đau, giảm mệt mỏi, giúp làm chậm hoặc thậm chí ngăn ngừa viêm khớp cũng như thoái hóa khớp.

DUY TRÌ CÂN NẶNG HỢP LÝ
Trọng lượng dư thừa là một trong những yếu tố rủi ro lớn nhất của thoái hóa khớp vì khiến khớp bị quá tải và tăng tốc độ suy giảm của sụn khớp. Những người béo phì hoặc thừa cân có nguy cơ mắc thoái hóa khớp cao. Giảm cân có thể giúp giảm đau và cải thiện triệu chứng.


Duy trì cân nặng hợp lý để xương khớp chắc khỏe

NGHỈ NGƠI
Tập thể dục có thể giúp phát triển các khớp và cơ bắp khỏe mạnh, nhưng lạm dụng có thể làm tăng nguy cơ mắc thoái hóa khớp. Do vậy mà các bác sĩ khuyến cáo, nên cân đối giữa việc tập luyện và nghỉ ngơi.

Ngoài ra, đối với những người bị thoái hóa khớp, mệt mỏi có thể làm tăng mức độ đau. Hãy chắc chắn rằng bạn ngủ đủ giấc mỗi đêm.

KIỂM SOÁT LƯỢNG ĐƯỜNG TRONG MÁU
Theo Tổ chức viêm khớp, bệnh tiểu đường có thể là một yếu tố nguy cơ để phát triển thoái hóa khớp. Nồng độ glucose cao có thể tăng tốc độ hình thành các phân tử làm cho sụn cứng và bệnh tiểu đường cũng có thể kích hoạt quá trình viêm, tăng tốc độ phá hủy sụn khớp. Kiểm soát lượng đường trong máu để ngăn ngừa thoái hóa khớp.

“LẮNG NGHE” CƠ THỂ
Khi cơ thể có dấu hiệu bất thường, cần cảnh giác và đến ngay các cơ sở y tế uy tín thăm khám. Phải ngưng ngay lập tức các vận động nếu chúng gây đau.

Trong trường hợp bị chẩn đoán thoái hóa khớp, cần tuân thủ theo đúng chỉ định điều trị của bác sĩ. Nếu đau nhiều nên nghỉ ngơi, hạn chế vận động nặng. Sử dụng các loại thuốc giảm đau paracetamol, efferalgan (theo chỉ định của bác sĩ thuốc)…; tiêm chất nhờn vào khớp để tăng sức khỏe sụn khớp… Người bệnh cũng cần có sự hỗ trợ về tinh thần, động viên của gia đình, người thân nhằm làm giảm bớt đau đớn, bi quan. Người bệnh cần có ý thức cố gắng vượt lên để hạn chế diễn biến xấu của bệnh tật.