Từ đầu năm 2020 đến nay, cả nước ghi nhận gần 27.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH) tại 58 tỉnh, thành phố; một số địa phương đã có ca tử vong như: Bình Định, Bình Phước, Cần Thơ và Tây Ninh. (thông tin từ cổng thông tin Bộ y tế ngày 31/08/2020).
Cuối tháng 8 đầu tháng 9 là cao điểm MÙA MƯA BÃO ở khu vực Bắc Bộ. Những vũng nước đọng lại sau cơn mưa trở thành nơi trú ngụ lý tưởng để MUỖI VẰN “được dịp” sinh sôi và lây truyền bệnh SỐT XUẤT HUYẾT.
Hiện nay, sốt xuất huyết chưa có thuốc đặc trị, do đó người dân cần chủ động bảo vệ mình để hạn chế mức độ nguy hiểm của bệnh.
I. DẤU HIỆU CỦA BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT
Dấu hiệu sốt xuất huyết ở bệnh nhân bị nhẹ:
-Sốt cao liên tục 39 – 40 độ C trong khoảng 2 – 3 ngày hoặc kéo dài hơn.
-Có hiện tượng đau đầu dữ dội vùng trán, sau đầu.
-Trên cơ thể xuất hiện những nốt phát ban và mẩn đỏ.
-Đau cơ, đau họng, đau hốc mắt.
-Viêm hô hấp trên, viêm họng, sổ mũi.
Dấu hiệu sốt xuất huyết ở bệnh nhân bị nặng:
-Dấu hiệu xuất huyết: Từ những nốt nổi mẩn đã diễn biến thành các vết chấm xuất huyết bên ngoài da, chân răng bị chảy máu, chỗ tiêm bị bầm tím, chảy máu cam, nôn ra máu, đi ngoài ra phân đen do nội tạng bị xuất huyết, chu kỳ kinh nguyệt rối loạn, thậm chí còn bị chảy máu vùng âm đạo.
-Bên cạnh bị đau vùng đầu, bệnh nhân còn bị đau bụng, hay buồn nôn, mệt mỏi li bì do ảnh hưởng của hội chứng chảy máu cơ quan nội tạng làm tụt huyết áp, gây choáng và mất nhiều máu.
-Sự thiếu máu lên não sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến hệ thần kinh trung ương. Người bệnh dễ lâm vào trạng thái không tỉnh táo, mất dần ý thức và co giật.
II. BIẾN CHỨNG NGUY HIỂM CỦA BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT
Sốt xuất huyết là bệnh có diễn biến nhanh, biểu hiện nặng dần theo thời gian nếu không được chẩn đoán và chữa trị kịp thời. Thậm chí, bệnh có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như:
Xuất huyết não
Khi bệnh diễn biến nặng, lượng tiểu cầu trong máu giảm dần, dẫn đến xuất huyết não và có khả năng gây tử vong.
Suy tim, suy thận
Rối loạn tuần hoàn do xuất huyết liên tục làm cho suy tim. Khi tim không thể bơm máu, dịch huyết tương xuất hiện liên tục gây tràn dịch và ứ đọng. Điều này làm tim và tuần hoàn máu bị ảnh hưởng nghiêm trọng và dẫn đến xuất huyết cơ tim. Bên cạnh đó, thận cũng phải làm việc nhiều để bài tiết huyết tương qua nước tiểu nên dễ dẫn đến suy thận cấp.
Tràn dịch màng phổi
Huyết tương bên trong cơ thể bị tràn lan đến đường hô hấp gây khó thở. Về lâu dài, tình trạng này có thể dẫn đến viêm đường hô hấp, tràn dịch màng phổi, viêm phổi và phù phổi cấp.
Sốc do mất máu
Sốt xuất huyết làm thoát huyết tương và cô đặc máu đến ngưỡng nhất định sẽ dẫn đến sốc khiến máu bị đẩy ra ngoài, xuất hiện các dấu hiệu như chảy máu cam, chảy máu chân răng…
Sinh non, sẩy thai
Phụ nữ mang thai bị sốt xuất huyết có nguy cơ cao bị sảy thai, đẻ non hoặc thai chết lưu. Sản phụ có thể bị tiền sản giật, tổn thương đến gan, thận, chảy máu kéo dài khi chuyển dạ.
III. PHÒNG NGỪA SỐT XUẤT HUYẾT NHƯ THẾ NÀO?
Hạn chế muỗi sinh trưởng ở nơi bạn đang sống
Dù là ở thành thị hay nông thôn, muỗi vằn đều có xu hướng đẻ trứng ở các khu vực đọng nước, ẩm thấp. Vì vậy, mỗi gia đình nên dành thời gian vệ sinh nhà cửa, sân vườn và các đồ dùng. Bên cạnh đó, bạn cũng nên:
-Thay nước bình cắm hoa thường xuyên, đậy kín các dụng cụ chứa nước để muỗi không sinh sản.
-Thoát nước đúng định kỳ.
-Nên úp ngược chậu hoa, bể cá không dùng đến.
-Thay nước trong chuồng chim liên tục.
-Không để quá nhiều thùng rỗng, hộp xốp trong nhà.
-Thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong và xung quanh nhà như chai lọ, mảnh lu vỡ, vỏ dừa…
-Bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân tủ đựng chén.
Phòng ngừa muỗi đốt
Một trong những đặc tính của loài muỗi là muỗi cái thường hút máu người, động vật để nuôi trứng. Khác với các loại muỗi thông thường, muỗi vằn cái chỉ hoạt động mạnh vào thời điểm sáng sớm và chiều tối (trước khi mặt trời lặn).
Để phòng tránh bị muỗi đốt, bạn nên:
-Thường xuyên sử dụng kem xua muỗi, vợt điện muỗi, thuốc chống côn trùng để đuổi muỗi.
-Mặc quần áo dài tay cả kể khi đi ngủ.
-Ngủ trong màn kể cả ban ngày.
-Không chơi đùa ở những nơi ẩm thấp.
-Dùng rèm che hoặc màn có tẩm hóa chất diệt muỗi.
-Nếu gia đình đang có người bệnh sốt xuất huyết, cần cách ly và cho người bệnh ngủ trong màn để tránh bị muỗi đốt và truyền bệnh.
Với các TRIỆU CHỨNG ban đầu rất GIỐNG CẢM CÚM thông thường, nên nhiều người thường chủ quan, tự ý mua thuốc uống, khi bệnh diễn biến nặng mới đi khám gây khó khăn cho việc điều trị. Do đó, khi có bất kì dấu hiệu nào của bệnh, cần liên hệ ngay với cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.
—–✫—✬—✫—–
🔺Mọi thắc mắc quý khách hàng vui lòng liên hệ:
🏢Bệnh viện Hữu nghị Lạc Việt: Đường Nguyễn Tất Thành, Định Trung, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc
☎️Liên hệ : Tổng đài: 1900 1269/ 02113.656.252. Hotline: 0949.232.115
BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ LẠC VIỆT.