NỖI ÁM ẢNH MANG TÊN “TRĨ”

Thứ tư, 26/08/2020

Trĩ là một căn bệnh khá phổ biến hiện nay, bệnh trĩ được xếp hàng đầu trong số các bệnh lý liên quan đến vùng hậu môn. Tùy thuộc vào vị trí, kích thước của búi trĩ mà người bệnh có thể bị đau, khó chịu, ngứa hoặc chảy máu. Do là một căn bệnh thuộc vùng kín nên bệnh nhân thường rất e ngại, không chịu đi khám để bệnh tiến triển nặng và gặp nhiều biến chứng nguy hiểm.

I. BỆNH TRĨ BAO GỒM CÁC LOẠI SAU:

Có 4 loại trĩ là trĩ nội, trĩ ngoại, trĩ hỗn hợptrĩ vòng. Cách phân loại bệnh trĩ này dựa theo vị trí hình thành búi trĩ tại niêm mạc hậu môn trực tràng, cũng như đặc điểm của các búi trĩ.

 

 

1. Trĩ nội

Liên quan đến các búi trĩ trong trực tràng, thường không gây đau nhưng gây ra chứng chảy máu không liên tục, thường gặp khi đi đại tiện, đôi khi có dịch nhầy. Chúng có dạng khối nhỏ, giống như quả nho. Khi các búi trĩ này to lên, lồi ra ngoài hậu môn gây tình trạng sa búi trĩ.

Trĩ nội được chia thành 4 cấp độ, mỗi cấp độ có biểu hiện khác nhau:

Cấp độ 1

– Đại tiện ra máu, ban đầu máu chỉ dính trên phân hay giấy vệ sinh, khi bệnh nặng hơn máu cũng chảy nhiều hơn, máu chảy nhỏ giọt hay bắn thành tia khi đại tiện.
– Có hiện tượng đau rát khi đại tiện, ngứa ngáy hậu môn khiến bệnh nhân khó chịu.
– Có hiện tượng táo bón kéo dài.
* Trĩ nội cấp độ 1 là mức độ nhẹ nhất, dễ hỗ trợ điều trị,  do bệnh chưa gây khó chịu nhiều cho người bệnh nên thường không được chú ý, khiến bệnh tiến triển nặng hơn.

Cấp độ 2

– Đại tiện ra máu nhiều hơn.
– Đau rát hậu môn khi đi đại tiện.
– Ngứa hậu môn.
– Đặc biệt sẽ thấy một cục như cục thịt nhỏ lòi ra khi đại tiện, tuy nhiên sẽ tự co lên ngay sau đó, đây chính là búi trĩ.
* Ở giai đoạn này người bệnh bắt đầu thấy khó chịu hơn, tuy nhiên do tâm lí xấu hổ, người bệnh thường ngại đi khám và chịu đựng sống cùng bệnh, đến khi đau quá không chịu được thì bệnh đã nặng và khó điều trị dứt điểm.

Cấp độ 3

– Lượng máu có thể chảy ít hơn.
– Búi trĩ sa ra ngoài và không tự co lên, phải dùng tay đẩy mới lên được.
– Cảm thấy đau rát ngay cả khi không đại tiện, không thể ngồi ngay ngắn trên ghế vì có thể đè lên búi trĩ.
* Ở giai đoạn 3 biểu hiện của bệnh trĩ nội là chảy máu ít đi khiến người bệnh chủ quan không đi khám và điều trị, mà không biết rằng đây chính là giai đoạn cuối cùng có thể hỗ trợ điều trị bằng nội khoa mà không cần phải phẫu thuật.

Cấp độ 4

– Búi trĩ sa ra ngoài và ngay cả khi bạn không đại tiện. Không thể đẩy búi trĩ vào trong
– Đau đớn, chảy máu dù đi hay đứng.
– Hậu môn luôn cảm thấy ẩm ướt, ngứa ngáy khó chịu, ảnh hưởng đến sinh hoạt, công việc hàng ngày.
* Đây là tình trạng nặng nhất của trĩ nội, nếu không sớm tìm gặp bác sĩ sẽ dễ nhiễm trùng, hoại tử búi trĩ, có thể dẫn đến ung thư trực tràng.

2. Trĩ ngoại

Liên quan đến các búi trĩ xung quanh hậu môn, thường gây ngứa đau, có thể chảy máu. Đôi khi máu ứ đọng lại bên trong búi trĩ gây nên cục máu đông (huyết khối) khiến các búi trĩ sưng, viêm, đau dữ dội. Khi các cục máu đông biến mất để lại lớp da thừa gây nên cảm giác ngứa ngáy, khó chịu ở vùng quanh hậu môn.

3. Trĩ hỗn hợp

Người bệnh có thể vừa bị trĩ nội vừa bị trĩ ngoại. Khi tình trạng này kéo dài, các búi trĩ nội và các búi trĩ ngoại liên kết với nhau tạo thành búi trĩ hỗn hợp ( nếu búi trĩ nội sa độ 3,4 sẽ tạo thành búi trĩ hỗn hợp).

4. Trĩ vòng

Đây là bệnh trĩ ít gặp nhất. Trong trường hợp này, người bệnh có nhiều búi trĩ hình thành liên tục với nhau gần như tạo thành 1 vòng tròn.

II. CÁC TRIỆU CHỨNG CỦA BỆNH

– Ngứa và đau rát: Đau rát khó chịu ở vùng hậu môn, đặc biệt là sau khi đại tiện xong. Ngoài ra, hậu môn còn có thể bị ngứa, kích thích hoặc sưng tấy.

– Chảy máu: Máu màu đỏ tươi chảy thành giọt hoặc thành tia ở cuối khối phân rắn. Có thể nhận thấy dấu hiệu chảy máu khi nhìn thấy máu xuất hiện trên giấy lau chùi khi đi vệ sinh.

– Sa búi trĩ: Búi trĩ sa ra ngoài sau khi đại tiện, đi bộ hoặc ngồi xổm lâu, lúc đầu tự co lên được, về sau phải đẩy mới lên, cuối cùng búi trĩ thường xuyên sa ra bên ngoài hậu môn, đẩy vẫn không lên được

III. NGUYÊN NHÂN GÂY BỆNH TRĨ

 

 

1. Chế độ ăn uống thiếu chất xơ

Thiếu chất xơ trong khẩu phần ăn hàng ngày là nguyên nhân phổ biến gây ra bệnh trĩ. Rau xanh, hoa quả là những thức ăn cần thiết để hỗ trợ cho hệ tiêu hóa bài tiết tốt hơn.  Do đó, khi thiếu chất xơ khiến phân di chuyển khó khăn trong ruột gây ra táo bón và trĩ.

2.  Không cung cấp đủ lượng nước cơ thể cần

80% cơ thể là nước. Nước có thể giúp hệ tuần hoàn máu, hệ tiêu hóa khỏe mạnh và hoạt động tốt hơn. Mỗi ngày cơ thể cần tiêu thụ từ 1,5 đến 2 lít nước tùy vào thể trạng và nhu cầu cơ thể của mỗi người.

Khi cơ thể không hấp thụ đủ nước, sẽ gây ra các vấn đề về da và các bệnh tiêu hóa, hậu môn, bao gồm cả bệnh trĩ.

3. Ngồi nhiều, lười vận động

Nhân viên văn phòng, lái xe hoặc những người có tính chất công việc ngồi nhiều thường dễ bị bệnh trĩ. Khi cơ thể ít hoạt động cơ thể sẽ không thể bơm đủ máu để giữ độ đàn hồi của các cơ co thắt hậu môn. Lâu dần sẽ khiến cơ hoạt động yếu và gây ra bệnh trĩ.

Ngoài ra, ngồi nhiều trong một thời gian có thể tạo một lực tác động lên xương chậu của bạn. Điều đó có thể cản trở lưu thông máu gây tắc nghẽn mạch, sưng đau và gây trĩ.

4. Táo bón hoặc tiêu chảy mạn tính

Người có bệnh liên quan đến nhu động ruột thường xuyên gặp khó khăn khi đi vệ sinh, có thể khiến tĩnh mạch hậu môn và thành ruột bị tổn thương.

Có đến 80% những người táo bón hoặc tiêu chảy mạn tính sẽ phát triển thành bệnh trĩ.

5. Căng thẳng

Khi bạn căng thẳng, cơ thể sẽ tạo ra một chất gây áp lực lên toàn bộ cơ thể,  làm cho não, hệ thống tiêu hóa bị ức chế. Điều này làm sự co bóp ở vùng hậu môn bị hạn chế và có thể gây ra bệnh trĩ.

6. Lão hóa

Khi bạn già đi, các cơ quan trong cơ thể sẽ bị lão hóa bao gồm cả hệ tiêu hóa và hậu môn. Ở người cao tuổi độ đàn hồi của cơ vòng giảm khiến tĩnh mạch trĩ bị mất neo và trượt xuống vùng hậu môn, gây táo bón kéo dài và trĩ.

Ngoài những nguyên nhân nói trên thì một số đối tượng có nguy cơ mắc bệnh trĩ khá cao. Nhóm này bao gồm:

– Béo phì.

– Mang thai.

– Giao hợp qua đường hậu môn.

– Những người có chế độ ăn kiêng hoặc ăn ít chất xơ.

Bên cạnh đó, bệnh trĩ có nhiều khả năng có liên quan đến các vấn đề lão hóa ở các mô hỗ trợ tĩnh mạch trong khu vực hậu môn, trực tràng. Khi các tĩnh mạch này suy yếu, chúng không thể hỗ trợ các cơ co thắt hậu môn và gây ra các dấu hiệu trĩ. Điều này thường xảy ra khi bạn già đi.

IV. CÁC BIẾN CHỨNG NGUY HIỂM CỦA BỆNH TRĨ

 

 

– Xuất huyết ồ ạt, thiếu máu nặng: Đây là biến chứng thường gặp của người bệnh trĩ do hệ thống mạch máu bị suy yếu, máu dễ chảy ra nhất là khi đi ngoài đại tiện.

– Huyết khối, viêm tắc tĩnh mạch trĩ: Biến chứng bệnh trĩ này xảy ra do tình trạng ứ máu tại các tĩnh mạch trĩ quá lâu, dẫn đến sự hình thành các cục máu đông trong lòng mạch.

– Nghẹt búi trĩ, hoại tử búi trĩ: Biến chứng này thường xảy ra ở giai đoạn nặng khi các búi trĩ sưng to, sa ra ngoài và không thể tự co lên được. Lúc này các mạch máu bị co thắt , bóp nghẹt, không thể vận chuyển máu dẫn đến thiếu máu nuôi dưỡng dễ gây viêm nhiễm và hoại tử .

– Ngoài ra khi bị trĩ người bệnh có nguy cơ cao mắc phải một số bệnh lý kèm theo như: nứt kẽ hậu môn, viêm nhiễm hậu môn trực tràng ở các hốc tuyến, áp xe quanh hậu môn, rò hậu môn,…

Khi thấy bất kì biểu hiện nào của bệnh trĩ, người bệnh nên nhanh chóng đi khám để được chẩn đoán chính xác và có biện pháp điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm do bệnh gây nên.

————————————————–

Để đặt được tư vấn bởi bác sĩ chuyên khoa, quý khách có thể chat với chúng tôi hoặc gọi tới bệnh viện để được hướng dẫn cụ thể: ☎️ SĐT: 02113.656.252/ 19001269. Hotline: 0949232115

🌼Bệnh viện Hữu nghị Lạc Việt: Nguyễn Tất Thành, Định Trung, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc.🌼

 

BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ LẠC VIỆT.