Nguyên nhân dẫn đến áp xe vú

Thứ bảy, 29/04/2017

Áp xe vú là bệnh lý thường gặp ở phụ nữ đặc biệt là phụ nữ đang cho con bú. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến áp xe vú và biện pháp nào giúp điều trị bệnh hiệu quả?

Nguyên nhân dẫn đến áp xe vú 

Sữa được tạo ra ở nang sữa theo các ống dẫn đổ về xoang chứa sữa ở phía sau quầng vú, dưới tác dụng kích thích của động tác bú của trẻ, sữa sẽ chảy ra ngoài. Trên dòng chảy vì một lí do nào đó mà lòng ống dẫn bị hẹp bít lại (chèn ép từ ngoài vào hay bít tắc trong lòng ống), sữa sẽ không thể thoát ra ngoài được. Tại chỗ tắc sẽ dần tạo thành hòn cục do hiện tượng sữa đông kết. Hiện tượng này gây chèn ép các ống dẫn sữa khác, tạo ra một vòng xoắn bệnh lí, làm tình trạng tắc sữa ngày càng nặng thêm.

Ngoài ra còn có một số nguyên nhân sau đây gây áp xe vú sau khi sinh ở nhiều bà mẹ như: Không day đều bầu sữa để thông tia sữa ngay sau khi sinh; không vắt bỏ sữa thừa khi trẻ bú không hết gây ứ đọng sữa; mẹ bị cảm lạnh nên sữa khó lưu thông; sau khi cho trẻ bú không vệ sinh lau rửa đầu vú sạch…

Vị trí ổ áp-xe có thể trước tuyến, trong tuyến, sau tuyến. Một ổ áp-xe thường trải qua hai giai đoạn viêm và tạo thành áp-xe, hoại thư vú.

Biến chứng do áp xe vú gây nên

Nếu không được điều trị hoặc điều trị đúng cách, áp xe vú có thể gây ra những biến chứng như viêm xơ tuyến vú mạn tính do dùng kháng sinh kéo dài ở giai đoạn áp xe hoặc là hậu quả của việc tiêm trực tiếp kháng sinh vào tuyến vú để điều trị áp xe vú.

Viêm tấy tuyến vú là quá trình viêm mủ tuyến vú khi dịch tiết lẫn mủ nằm giữa các lớp da, mô lỏng lẻo dưới da, mô liên kết và mô tuyến vú. Vùng viêm khuếch tán lan rộng và thấm vào các mô. Bệnh nhân có biểu hiện bằng hội chứng nhiễm khuẩn, nhiễm độc nặng, vùng thâm nhiễm không có ranh giới rõ ràng.

Biến chứng nặng nhất là hoại thư vú do vi khuẩn có độc tính cao hoặc do trực khuẩn hoại thư gây ra. Hội chứng nhiễm khuẩn, nhiễm độc nặng, tụt huyết áp, toàn thân suy sụp. Vú căng to, phù nề, da trên ổ áp-xe có màu vàng nhạt hay bị hoại tử. Hạch bạch huyết sưng đau.

Bệnh ở giai đoạn áp-xe hoặc viêm tấy cần phân biệt với ung thư vú thể cấp dạng viêm, có thể bị ung thư cả hai vú cùng một lúc, vú to ra rất nhanh nhưng không đau, toàn thân suy sụp nhanh, xét nghiệm tế bằng chọc hút hoặc làm sinh thiết thấy tế bào ung thư.

Biện pháp chữa trị và phòng bệnh áp xe vú

Khi đã tạo thành áp-xe thì phải dùng kháng sinh và chích rạch, tháo mủ. Đối với các ổ áp-xe nông dưới da, vùng quầng vú thì chích nặn mủ. Các áp-xe thể tuyến cần gây mê hoặc gây tê tại chỗ, chích áp-xe theo đường nan hoa ở chỗ thấp nhất trên vùng áp-xe.

Muốn phòng tránh áp-xe vú trong thời kỳ cho bú cần giữ gìn vệ sinh tốt vùng vú trước và sau khi cho con bú. Cho trẻ bú đúng cách, không cho ngậm nhai vú lâu. Tránh làm sây sát, rạn nứt đầu núm vú, tránh ứ đọng sữa, tắc sữa.

Trên đây, Bệnh viện Hữu Nghị Lạc Việt đã chia sẻ kiến thức hữu ích liên quan đến bệnh áp xe vú. Nếu bạn đọc còn băn khoăn vui lòng đến trực tiếp bệnh viện hoặc liên hệ qua đường dây nóng: 0949.232.115 để được tư vấn chi tiết.