Đái tháo đường thai kỳ (ĐTĐTK) là tình trạng lượng đường trong máu thai phụ cao hơn mức bình thường và xảy ra trong quá trình mang thai trong giai đoạn 3 tháng đầu hoặc 3 tháng cuối . Đái tháo đường thai khi nếu không được phát hiện sớm sẽ ảnh hưởng đến cả mẹ và con.
1. Hậu quả đối với người mẹ
Hậu quả trước mắt: thai phụ mắc ĐTĐTK có nguy cơ bị các tai biến sản khoa cao hơn các thai phụ bình thường.
* Tăng huyết áp: Thai phụ ĐTĐTK dễ bị tăng huyết áp hơn các thai phụ bình thường. Tỷ lệ bị tăng huyết áp trong thời gian mang thai có thể đạt tới 10%.
Tăng huyết áp trong thời gian mang thai có thể gây ra nhiều biến chứng cho mẹ và thai nhi như: tiền sản giật, sản giật, đột quỵ, suy gan, suy thận, thai chậm phát triển trong tử cung, đẻ non và chết chu sinh. Vì vậy đo huyết áp thường xuyên, theo dõi cân nặng, tìm protein niệu cho các thai phụ ĐTĐTK là việc làm rất cần thiết, nhất là vào nửa sau của thai kỳ.
* Tiền sản giật và sản giật: Thai phụ ĐTĐTK có nguy cơ bị tiền sản giật cao hơn các thai phụ bình thường. Tiền sản giật bao gồm các triệu chứng: tăng huyết áp, có protein niệu, phù. Thậm chí có bệnh nhân bị hội chứng HELLP (Hemolysis, Elevated Liver enzyms, Low Platelet) rất rõ gồm các triệu chứng tan máu, tăng men gan, số lượng tiểu cầu thấp. Tỷ lệ các phụ nữ ĐTĐTK bị tiền sản giật khoảng 12% cao hơn các phụ nữ không bị ĐTĐTK (8%).
* Sẩy thai và thai lưu: Người ĐTĐTK tăng nguy cơ bị sẩy thai tự nhiên nếu glucose máu kiểm soát không tốt ở 3 tháng đầu. Ngược lại các phụ nữ hay bị sẩy thai liên tiếp không rõ nguyên nhân thì cần phải kiểm tra glucose máu.
Thai chết lưu ở thai phụ bị ĐTĐTK gặp với tần suất cao. Phần lớn các trường hợp thai chết lưu ở người ĐTĐTK xảy ra đột ngột. Thai hay bị chết lưu khi glucose máu của người mẹ kiểm soát kém, khi thai to so với tuổi thai, khi bị đa ối, và thường xảy ra vào những tuần cuối của thai kỳ.
* Các biến chứng khác
– Nhiễm khuẩn tiết niệu: Thai phụ ĐTĐTK dễ bị nhiễm khuẩn tiết niệu. Có nhiều yếu tố thuận lợi làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn tiết niệu ở thai phụ ĐTĐTK: nồng độ glucose máu, đường niệu cao, trong thời gian mang thai, bản thân các thai phụ có sự suy giảm chức năng miễn dịch, mang thai gây chèn ép bàng quang.
Người ĐTĐTK nếu kiểm soát glucose máu không tốt càng tăng nguy cơ nhiễm khuẩn tiết niệu. Nhiễm khuẩn tiết niệu có thể không có triệu chứng lâm sàng nhưng làm cho glucose máu của người mẹ mất cân bằng và cần phải được điều trị. Nếu không được điều trị sẽ dễ dàng dẫn tới viêm đài bể thận cấp, từ đó gây ra rất nhiều các tai biến khác như nhiễm toan ceton, đẻ non, nhiễm khuẩn ối.
– Đẻ non: Người bị ĐTĐTK tăng nguy cơ đẻ non so với thai phụ không bị đái tháo đường. Tỷ lệ đẻ non ở phụ nữ ĐTĐTK là 26% trong khi ở quần thể thường chỉ là 9,7%. Các nguyên nhân dẫn đến đẻ non là kiểm soát glucose máu kém, nhiễm khuẩn tiết niệu, đa ối, tiền sản giật, tăng huyết áp.
– Đa ối: Đa ối hay gặp ở phụ nữ mang thai bị đái tháo đường. Tỷ lệ đa ối ở các thai phụ ĐTĐTK cao gấp 4 lần so với các thai phụ không ĐTĐTK.
* Hậu quả lâu dài
Nhiều nghiên cứu nhận thấy rằng các phụ nữ có tiền sử ĐTĐTK dễ mắc ĐTĐ type II. Thường thì khoảng 50% phụ nữ có tiền sử ĐTĐTK sẽ bị ĐTĐ type II trong tương lai. Các nghiên cứu khác nhau với thời gian theo dõi khác nhau trên các nhóm chủng tộc khác nhau cho kết quả khác nhau. Tỷ lệ mắc sẽ tăng theo thời gian, nguy cơ phát triển thành ĐTĐ type II tăng 3% mỗi năm.
Ngoài ra thai phụ ĐTĐTK sẽ tăng nguy cơ bị ĐTĐTK trong những lần có thai sau đó. Họ cũng dễ bị béo phì, tăng cân quá mức sau đẻ nếu không có chế độ ăn và tập luyện thích hợp.
2. Hậu quả đối với thai nhi và trẻ sơ sinh
* Thai to: với phân bố mỡ chủ yếu ở vùng ngực làm tăng nguy cơ đẻ khó và có các sang chấn tổn thương sau đẻ như: liệt đám rối thần kinh cánh tay, gãy xương đòn. Thai to làm tăng nguy cơ phải mổ đẻ. Tỷ lệ mổ đẻ ở các thai phụ ĐTĐTK khá cao 47%.
* Hạ glucose máu sơ sinh trong những ngày đầu sau đẻ: khi glucose máu mẹ tăng vào 3 tháng cuối thai kỳ và đặc biệt là vào giai đoạn chuyển dạ thì glucose máu của thai cũng tăng sẽ kích thích tụy thai tăng sản xuất insulin
Sau khi sinh, nguồn glucose máu từ mẹ cung cấp cho thai ngừng đột ngột nhưng nồng độ insulin trong máu con vẫn còn cao. Insulin cao làm cho các mô bắt giữ đường nhiều hơn trong khi gan trẻ sơ sinh vẫn chưa sản xuất được đủ glucose dẫn đến hạ glucose máu. Thời gian hạ glucose máu kéo dài tới 24-72 giờ sau khi sinh. Vì vậy kiểm soát tốt glucose máu cho các thai phụ ĐTĐTK trong thời gian mang thai và chuyển dạ sẽ tránh được tai biến này. Và cũng vì vậy mà cần phải theo dõi chặt glucose máu cho trẻ sơ sinh trong 3 ngày đầu sau đẻ.
* Hạ canxi máu sơ sinh: tỷ lệ hạ canxi máu sơ sinh của các trẻ đẻ non hoặc ngạt có mẹ bị ĐTĐ cao hơn các trẻ có mẹ không bị ĐTĐ, trong 3 ngày đầu tỷ lệ hạ canxi có thể đạt tới 50% nếu kiểm soát glucose máu của mẹ không tốt. Hạ canxi máu trẻ sơ sinh càng nặng nếu glucose máu mẹ càng cao.
* Đa hồng cầu: hematocrit có thể >70% vào 2 giờ sau sinh và >65% vào 6 giờ sau sinh. Tỷ lệ đa hồng cầu gặp từ 12-40% tuỳ theo các nghiên cứu. Đa hồng cầu cần được chăm sóc cẩn thận vì gây cô đặc máu dẫn tới tím, nhược cơ hô hấp, hạ glucose máu, hoại tử ruột và tắc tĩnh mạch.
* Tăng bilirubin máu: do nhiều yếu tố gây nên như là tăng khối lượng tế bào máu, tan máu, chấn thương, chậm sản xuất các enzym của gan…
* Hội chứng suy hô hấp cấp chu sinh: trước đây, hội chứng suy hô hấp cấp chu sinh thường gặp và có tiên lượng rất nặng. Ngày nay với những tiến bộ trong chăm sóc và điều trị cho các bà mẹ ĐTĐTK nên tỷ lệ trẻ bị hội chứng suy hô hấp cấp chu sinh đã giảm từ 31% xuống còn 3%. Do vậy có thể nói đây là biến chứng có thể dự phòng được nếu bà mẹ được chăm sóc điều trị tích cực.
* Tăng tỷ lệ tử vong chu sinh: người ta nhận thấy rằng tỷ lệ tử vong chu sinh của các trẻ sinh ra từ các thai phụ ĐTĐTK cao hơn các thai phụ không bị ĐTĐ. Nguyên nhân tử vong chu sinh vẫn còn chưa được biết rõ. Nhiều tác giả cho rằng có thể tăng glucose máu và tăng insulin máu làm thai nhi bị giảm oxy máu, nhiễm toan, từ đó gây mất khả năng chống đỡ của trẻ với tình trạng hạ oxy.
* Ngoài ra trẻ còn dễ mắc các bệnh khác như: dị tật bẩm sinh, chậm phát triển trong tử cung, phì đại cơ tim…
* Về lâu dài: 10 đến 20 năm sau
– Tăng nguy cơ béo phì ở các trẻ em.
– Tăng nguy cơ ĐTĐ type II
Chính vì ĐTĐTK để lại nhiều hậu quả cho mẹ và con nên việc chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể làm giảm biến chứng cho mẹ, giảm bệnh lý và tỷ lệ tử vong chu sinh cho con.