Loãng xương thường diễn tiến âm thầm, không có triệu chứng rõ ràng nên rất nhiều người bệnh không biết mình bị bệnh cho đến khi bệnh đã tiến triển đến giai đoạn muộn. Đây là một bệnh lý nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng đặc biệt nguy hiểm.
1. Loãng xương là gì?
Loãng xương là tình trạng xương liên tục mỏng dần, mật độ xương giảm theo thời gian. Điều này làm cho xương giòn hơn, dễ bị tổn thương và dễ gãy dù chỉ va chạm nhẹ. Gãy xương do loãng xương có thể xảy ra ở bất cứ vị trí nào. Trong đó hay gặp nhất là cột sống, xương đùi và xương cẳng tay. Trong nhiều trường hợp, gãy xương cột sống hoặc xương đùi không thể tự lành mà cần phải phẫu thuật với chi phí cao.
Bệnh thường tiến triển âm thầm. Cảm giác đau không rõ ràng, chiều cao giảm dần, cột sống gù vẹo. Những triệu chứng này thường chỉ được phát hiện sau một thời gian dài. Thậm chí có một số trường hợp phát hiện bệnh khi đã có dấu hiệu gãy xương.
2. Triệu chứng của loãng xương
- Đau lưng: đặc biệt là đau cột sống, có thể là dấu hiệu của loãng xương, do gãy hoặc ép nén đốt sống.
- Giảm chiều cao: Một dấu hiệu rõ rệt của loãng xương là giảm chiều cao, thường là do đốt sống bị xẹp.
- Dáng đi khom lưng: Khi cột sống bị ảnh hưởng, người bệnh có thể phải đi khom lưng hay cong gập người.
- Đau nhức xương khớp: Cảm giác đau nhức hoặc mỏi mệt ở xương khớp cũng có thể chỉ ra mật độ xương đang giảm.
- Mất sức mạnh cầm nắm: Đặc biệt ở phụ nữ sau mãn kinh, điều này có thể liên quan đến sự phát triển của loãng xương.
- Gãy xương dễ dàng: Người bị loãng xương thường dễ bị gãy xương hơn bình thường, thậm chí với những chấn thương nhẹ như cú ngã từ độ cao thấp.
3. Nguyên nhân gây loãng xương
- Tuổi tác: Khi lớn tuổi, mật độ xương giảm tự nhiên, làm tăng nguy cơ loãng xương. Đặc biệt nguy cơ này còn tăng đáng kể ở người phụ nữ sau mãn kinh do giảm nồng độ estrogen.
- Mất cân bằng nội tiết: Các hormone như estrogen (ở phụ nữ) và testosterone (ở nam giới) đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì mật độ xương. Sự suy giảm hoặc rối loạn các hormone này có thể gây ra loãng xương.
- Thiếu Canxi và Vitamin D: Canxi là thành phần chính của xương, và vitamin D giúp cơ thể hấp thụ canxi. Thiếu hụt lâu dài của hai chất này có thể dẫn đến giảm mật độ xương.
- Lối sống không lành mạnh: Không hoạt động thể chất đầy đủ, đặc biệt là các bài tập chịu trọng lượng, có thể làm suy giảm mật độ xương. Chế độ ăn thiếu canxi, vitamin D và protein, hoặc tiêu thụ quá nhiều caffein và muối có thể làm giảm sức khỏe xương. Hút thuốc lá và lạm dụng rượu bia: Cả hai thói quen này đều liên quan đến nguy cơ cao bị loãng xương.
- Yếu tố di truyền: Có tiền sử gia đình bị loãng xương có thể tăng nguy cơ mắc bệnh.
Ngoài ra, một số tác động sau cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh:
- Mắc bệnh Celiac, Crohn và một số rối loạn tiêu hóa khác có thể làm giảm khả năng hấp thụ canxi.
- Bệnh thận mãn tính, rối loạn tuyến giáp
- Sử dụng kéo dài các loại thuốc như corticosteroid, thuốc chống động kinh, và một số loại thuốc ung thư có thể gây loãng xương.
- Người có trọng lượng cơ thể thấp hoặc thiếu cân có nguy cơ cao hơn. Do áp lực lên xương thấp hơn, điều này làm giảm kích thích sản xuất xương.
4. Chẩn đoán bệnh loãng xương
Đo loãng xương hay còn gọi là đo mật độ xương bằng phương pháp DXA (Dual-energy X-ray Absorptiometry) được coi là “tiêu chẩn vàng” trong chẩn đoán bệnh. Các vị trí thường được dùng để đo là cột sống, hông hoặc xương cẳng tay.
Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định một số xét nghiệm máu và nước tiểu. Chỉ định này để kiểm tra lượng nội tiết tố và các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mất xương. Như thiếu hụt vitamin hoặc khoáng chất.
5. Cách phòng ngừa bệnh loãng xương hiệu quả
Chế độ ăn giàu canxi và vitamin D:
- Canxi: Bổ sung từ các nguồn như sữa, phô mai, sữa chua, cá hồi, cá mòi, hạt hạnh nhân, đậu phụ và rau xanh.
- Vitamin D: Hấp thụ qua ánh nắng mặt trời, cá béo, gan, lòng đỏ trứng và sữa bổ sung vitamin D.
Tập thể dục đều đặn:
- Tập các bài tập chịu trọng lượng như đi bộ, chạy bộ, nhảy dây, hoặc tập thể dục nhịp điệu.
- Tập luyện sức mạnh để tăng cường cơ bắp và xương.
Tránh các yếu tố nguy cơ:
- Hạn chế tiêu thụ rượu và không hút thuốc lá, vì cả hai đều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe xương.
- Tránh tiêu thụ quá nhiều muối và caffein vì chúng có thể làm giảm sự hấp thụ canxi.
Duy trì cân nặng hợp lý:
- Cả thiếu cân và thừa cân đều có thể tăng nguy cơ loãng xương. Duy trì trọng lượng cơ thể ở mức ổn định và khỏe mạnh là điều quan trọng.
Kiểm tra sức khỏe định kỳ:
- Đặc biệt là với phụ nữ sau mãn kinh và người lớn tuổi, nên kiểm tra mật độ xương để phát hiện sớm nguy cơ loãng xương.
Phòng khám Cơ xương khớp, Bệnh viện Hữu nghị Lạc Việt với đội ngũ y bác sĩ giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm. Cùng trang thiết bị, hệ thống máy móc hiện đại, tiên tiến hàng đầu có thể sàng lọc, tầm soát và điều trị các bệnh lý về loãng xương.
——————————————–