Hen phế quản ở trẻ em

Thứ bảy, 12/01/2019

Hen phế quản liên quan đến yếu tố dị ứng, là bệnh mạn tính đặc trưng bởi ba dấu hiệu chính là tình trạng viêm mạn tính, tắc nghẽn đường hô hấp và tăng tính phản ứng của đường hô hấp.

Tỉ lệ mắc hen ngày càng tăng ở trẻ em và trẻ vị thành niên. Hen là một trong những nguyên nhân khiến trẻ phải đi khám và nhập viện, làm ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của trẻ.

Nguyên nhân gây hen do sự kết hợp giữa yếu tố di truyền và môi trường sống. Yếu tố di truyền được cho là chiếm đến 60% các trường hợp. Các yếu tố môi trường thường gặp khởi phát cơn hen bao gồm nhiễm vi rút đường hô hấp, bụi, khói thuốc, lông súc vật, thức ăn, các loại thuốc, phân hoa, phấn bướm,…

Thay đồi thời tiết đột ngột, trào ngược dạ dày thực quản cũng là những tác nhân kích thích đường hô hấp, gây hen.

Yếu tố nguy cơ hen phế quản ở trẻ em

– Nhiễm trùng đường hô hấp, đây là nguyên nhân phổ biến nhất

– Tiếp xúc với dị nguyên, các yếu tố kích ứng

– Ngửi mùi khói thuốc

– Trẻ sinh non

– Bố hoặc mẹ bị hen (yếu tố di truyền)

– Trẻ mắc các bệnh liên quan đến dị ứng như viêm da cơ địa, viêm mũi dị ứng, thở khò khè,…

Biểu hiện lâm sàng

Cơn hen ở trẻ thường khá dễ chẩn đoán, với các biểu hiện như ho, thở khò khẻ, khó thở (thở nhanh, nông), co kéo lồng ngực, co kéo cơ vùng cổ, cánh mũi phập phồng,… Trường hợp nặng có thể thấy tím tái, tím môi, tím đầu chi,…

Tính chất của hen phế quản là biểu hiện tái đi tái lại nhiều lần, thường xuất hiện về đêm, khởi phát khi tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ, như thay đổi thời tiết, bụi, thức ăn, nhiễm khuẩn, các loại thuốc,…

Nhiều cơn hen ở trẻ không điển hình, chỉ có biểu hiện ho, ho tái đi tái lại, đặc biệt là chỉ xuất hiện vào ban đêm, trong khi ban ngày lại hoàn toàn bình thường. Trẻ không có các biểu hiện khó thở hay khò khè. Trường hợp này các chuyên gia gọi là hen dạng ho, rất dễ bị bỏ sót hoặc chẩn đoàn nhầm.

Xử trí ban đầu khi trẻ lên cơn hen

Phải nhận biết sớm các dấu hiệu của cơn hen ở trẻ, như ho, khò khè, khó thở, co kéo lồng ngực,…

Trường hợp này cần cho trẻ dùng thuốc cắt cơn tác dụng nhanh, phải tham khảo ý kiến bác sĩ. Các thuốc có thể dùng là Ventolin dạng xịt, hoặc khí dung Pulmicort và Ventolin.

Song song với điều trị cắt cơn, có thể cho trẻ uống thêm thuốc chống dị ứng, thông dụng nhất là thuốc kháng histamine.

Những trẻ có tiền sử lên con hen, cha mẹ nên phòng sẵn các loại thuốc xịt cắt cơn ở nhà, để phòng trường hợp trẻ lên cơn hen bất chợt.

Cần đưa trẻ đến bệnh viện cấp cứu ngay trong các trường hợp:

– Thuốc cắt cơn không có tác dụng hoặc tác dụng ngắn

– Trẻ vẫn còn khó thở, phải ngồi dậy để thở, co kéo cơ hô hấp, cánh mũi phập phồng

– Trẻ xuất hiện tím tái, tím môi, tím đầu chi, đây là dấu hiệu nguy kịch, cần đưa trẻ đi cấp cứu ngay lập tức.

Điều trị bệnh liên quan

Trường hợp trẻ khởi phát cơn hen do viêm đường hô hấp, cần phải điều trị tích cực tình trạng viêm đường hô hấp, nhất là ở trẻ có sốt cao, ứ nhiều đờm, khó thở.

Nếu trẻ có khó thở, suy hô hấp phải thở oxy qua mặt nạ thậm chí phải mở khí quản, thở máy.

Nếu do trào ngược dạ dày thực quản, ngoài điều trị cắt cơn, cần điều trị cả tình trạng tăng bài tiết acid của dạ dày nữa.

Sử dụng thuốc phòng ngừa cơn hen

Với những trường hợp như:

– Cơn hen không được kiểm soát tốt

– Thường xuyên lên cơn hen, trên 1 lần trong tuần, trẻ hay bị thức giấc vì cơn hen trên 2 lần trong tháng

– Trẻ từng phải nhập viện vì cơn hen nặng

Trường hợp này phải đưa trẻ đi khám chuyên khoa để được bác sĩ hướng dẫn dùng thuốc phòng ngừa phù hợp.

Thuốc dưới dạng hít hoặc xịt mang lại hiệu quả phòng cơn hen rất tốt, ít tác dụng phụ và không hề gây nghiện, phải dùng thuốc kéo dài nhiều tháng để có đủ khả năng duy trì tác dụng.

Cần phải tuân thủ hướng dẫn, tái khám đúng lịch và không được tự ý ngừng thuốc ngay cả khi triệu chứng được cải thiện.

Các biện pháp dự phòng hen phế quản ở trẻ em

Hen phế quản là bệnh liên quan đến yếu tố dị ứng, hiện không có thuốc điều trị đặc hiệu, bác biện pháp điều trị chỉ là điều trị cắt cơn, điều trị triệu chứng, điều trị bệnh liên quan…. Tùy nhiên bệnh hen có thể kiểm soát tốt bằng bác biện pháp phòng ngừa, qua đó giúp trẻ phát triển, vui chơi bình thường. Các biện pháp phòng ngừa hen tập trung vào:

– Không nuôi thú vật trong nhà như chó, mèo,…

– Không để trẻ tiếp xúc với khói thuốc, khói bụi, phấn hoa, phấn bướm,…

– Hạn chế các loại xịt tạo mùi như nước hóa, xịt muỗi

– Đồ chơi của trẻ phải được rửa sạch, không nên cho trẻ chơi thú nhồi bông

– Vệ sinh nhà và môi trường xung quanh sạch sẽ

– Sử dụng các sản phẩm giúp tăng sức đề kháng, giúp tăng cường miễn dịch, tăng sức đề kháng ở trẻ.