Đục thủy tinh thể là căn bệnh khá phổ biến ở những người sau 40 tuổi. Bệnh thường xuất hiện và tiến triển âm thầm theo thời gian, ít khi có triệu chứng rõ ràng ở ngay giai đoạn đầu nên rất khó phát hiện. Bởi vậy, hầu hết mọi người đều được chẩn đoán bệnh khi đã đến giai đoạn nặng, thị lực giảm xuống dưới 5/10 và đứng trước nguy cơ bị mất thị lực vĩnh viễn.
Ngày nay, phương pháp thay thủy tinh thể nhân tạo được coi là lựa chọn duy nhất cho người bệnh, nhưng thực tế đã có rất nhiều trường hợp mắt vẫn nhìn mờ do bị tái đục trở lại sau nhiều năm phẫu thuật. Vì lẽ đó mà việc phát hiện bệnh ngay từ giai đoạn sớm sẽ giúp bạn có thêm thời gian để làm chậm quá trình tiến triển của bệnh, trì hoãn nguy cơ phải phẫu thuật mắt sau này.
Nhận biết bệnh đục thủy tinh thể sớm qua 7 dấu hiệu cảnh báo sau:
1. Nhìn mờ như có màng sương che phủ trước mắt (màng mờ, bóng mờ che phủ)
Bệnh đục thủy tinh thể rất ít khi làm ảnh hưởng đến tầm nhìn trong giai đoạn đầu. Đôi khi, bạn chỉ cảm thấy “hình như” mọi vật hơi mờ đi một chút, giống như có một màng sương mỏng trước mắt. Tuy nhiên, triệu chứng này sẽ tăng dần, màng mờ này sẽ ngày càng dầy lên và làm cho mọi vật mờ đi rõ rệt.
2. Khó nhìn vào ban đêm
Khi đục thủy tinh thể tiến triển sẽ làm giảm tầm nhìn vào ban đêm, gây khó khăn khi lái xe, nhất là khi gặp ánh đèn xe ngược chiều. Vì vậy, nếu bạn nghi ngờ mình bị đục thủy tinh thể, hãy cẩn thận và không nên lái xe ban đêm khi tầm nhìn đang bị ảnh hưởng.
3. Nhìn lóa và chói mắt
Nhạy cảm với ánh sáng là một triệu chứng phổ biến khi bị đục thủy tinh thể. Ánh sáng chói khiến người bệnh có cảm giác đau mắt. Nghiên cứu của Tạp chí Nhãn khoa Anh cho thấy nhìn lóa, chói sáng là dấu hiệu xuất hiện sớm và điển hình nhất của bệnh đục thủy tinh thể dưới bao. Nhạy cảm với ánh sáng có thể giúp chúng ta chẩn đoán sớm bệnh đục thủy tinh thể trước khi bệnh tiến triển nặng hơn.
4. Xuất hiện quầng sáng ở mọi nơi
Đục thủy tinh thể có thể làm nhiễu xạ ánh sáng đi vào mắt. Điều này gây ra các vầng “hào quang” hay quầng sáng xung quanh bóng đèn, bóng điện, mặt trời… Quầng sáng này đôi khi có nhiều màu sắc khác nhau. Đây là lí do tại sao những người bị đục thủy tinh thể khi lái xe vào ban đêm trở nên nguy hiểm khi xuất hiện đèn đường hay đèn pha.
Nhưng, một số chứng bệnh về mắt khác cũng có thể gây ra quầng sáng, bao gồm sưng giác mạc, tăng nhãn áp, bệnh mắt do tiểu đường, đột quỵ hay đơn giản số đo kính không còn phù hợp với mắt.
5. Thay kính mới liên tục
Nếu bạn thường xuyên phải thay đổi độ kính, có thể bạn đang bị đục thủy tinh thể. Bởi lẽ khi đó việc thay kính mới không thể khắc phục được sự suy giảm thị lực. Bạn nên đi khám ngay nếu tình trạng này xảy ra.
6. Nhìn mọi vật đều có màu nâu vàng
Khi đục thủy tinh thể tiến triển, protein co cụm lại thành từng đám khiến cho thủy tinh thể của bạn có thể chuyển sang màu vàng hoặc nâu. Điều này dẫn đến việc bạn nhìn mọi vật gần như đều có màu vàng sẫm giống như đang đeo trước mắt một chiếc kính râm, làm giảm khả năng phân biệt màu sắc.
7. Nhìn đôi, nhìn ba
Nhiễu xạ từ đục thủy tinh thể có thể khiến bạn nhìn một sự vật thành hai, ba vật thậm chí nhiều hơn nữa. Khi đục thủy tinh thể tiến triển nặng hơn, triệu chứng này có thể mất đi. Ngoài đục thủy tinh thể, một số bệnh lý khác có thể dẫn đến dấu hiệu này như u não, sưng giác mạc, đa xơ cứng, đột quỵ.
Mặc dù không phải tất cả các trường hợp suy giảm thị lực đều là hệ quả của bệnh đục thủy tinh thể, nhưng khi gặp phải một hoặc nhiều hơn trong 7 các dấu hiệu cảnh báo kể trên, bạn nên đến gặp bác sĩ nhãn khoa để chẩn đoán kịp thời, từ đó có những biện pháp dự phòng làm chậm lại quá trình tiến triển của bệnh, ngăn ngừa nguy cơ mù lòa.
Phòng khám mắt – khoa Liên chuyên khoa Mắt – tai mũi họng – răng hàm mặt của Bệnh viện hữu nghị Lạc Việt có đội ngũ bác sĩ chuyên khoa mắt dày dặn kinh nghiệm, chuyên khám, sàng lọc và phẫu thuật đục thủy tinh thể với thời gian phẫu thuật nhanh (chỉ từ 7-10 phút/ ca), không đau, không chảy máu, bệnh nhân xuất viện sớm và được thanh toán BHYT không cần giấy chuyển viện.
Để liên hệ đặt lịch phẫu thuật, vui lòng liên hệ: 1900 1269