Viêm quanh răng là một trong số các bệnh phổ biến nhất trong nước cũng như trên thế giới. Bệnh này cùng với sâu răng là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến mất răng. Có nhiều phân loại bệnh quanh răng: viêm quanh răng tiến triển chậm, viêm quanh răng tiến triển nhanh, viêm quanh răng, viêm quanh răng loét hoại tử… trong đó, hay gặp nhất là viêm quanh răng tiến triển chậm
Viêm quanh răng tiến triển chậm hay viêm quanh răng mạn tính được định nghĩa là “một bệnh nhiễm khuẩn gây viêm mô nâng đỡ của răng, mất bám dính và tiêu xương tiến triển”.
Nguyên nhân hình thành viêm quanh răng mạn
Viêm quanh răng tiến triển chậm liên quan với sự có mặt của mảng bám răng và cao răng. Mảng bám, vi khuẩn tồn tại ứ đọng trên răng-lợi lâu ngày,chúng kiến tạo ra nhiều độc tố gây phá huỷ mô chung quanh răng: lợi, dây chằng, mào xương ổ răng… gây viêm lợi,chảy máu lợi,phá huỷ xương ổ răng làm cho răng bị đau rồi lung lay,cuối cùng kết quả là bắt buộc nhổ bỏ nhiều răng cùng một lúc. Vì vậy, có thể nói, viêm quanh răng liên quan chặt chẽ với vệ sinh răng miệng.
Biểu hiện lâm sàng của viêm quanh răng
– Viêm lợi: là biểu hiện đặc trưng do tích tụ mảng bám răng. Lợi sưng nề đỏ, chảy máu tự nhiên hay khi có kích thích
– Dịch rỉ viêm: có thể có dích rỉ viêm hoặc mủ ở túi lợi
– Mất bám dính quanh răng và tiêu xương ổ răng
– Lung lay răng do tiêu xương ổ răng
– Hơi thở hôi.
Viêm quanh răng tiến triển chậm nếu không được điều trị sẽ tiếp tục tiến triển lâu dần dẫn tới mất răng. Tuy nhiên, có thể hạn chế sự tiến triển của bệnh bằng các biện pháp dự phòng viêm lợi và kiểm soát mảng bám răng. Có 2 biện pháp làm sạch răng miệng: biệm pháp cơ học và biện pháp hóa học
Các biện pháp cơ học
Chải răng: chải răng sau bữa ăn chính 30 phút. Nên dùng bàn chải lông mềm, lông bàn chải thẳng hoặc tạo với trục răng góc 45 độ để tránh làm mòn cổ răng. Đánh theo thứ tự hết 3 mặt răng: mặt ngoài, mặt trong, mặt nhai và 3 vùng: vùng răng cối phải, vùng răng cối trái, vùng răng cửa.
Làm sạch kẽ răng: Vùng kẽ R là nơi giữ mảng bám nhiều nhất và rất khó đưa bàn chải tới được. Vì vậy phải dùng các phương pháp đặc biệt để làm sạch như: sử dụng chỉ tơ nha khoa, bàn chải kẽ, tăm nước…
Các biện pháp hóa học
Dùng nước sức miệng có tác dụng làm sạch miệng khỏi các mảnh vụn thức ăn, kháng khuẩn, giảm tích tụ mảng bám, có fluor nên ngừa sâu răng. Nhiều tác giả khuyên mỗi ngày súc miệng 2 lần, mỗi lần 30 giây, có thể súc miệng trước hoặc sau khi chải răng. Hoặc súc miệng độc lập với các lần chải răng.
Các biện pháp này có tác dụng dự phòng mảng bám, cao răng. Tuy nhiên, khi mảng bám và cao răng đã hình thành, cần đến nha sĩ để loại bỏ chúng bằng những dụng cụ chuyên biệt. Các nha sĩ khuyên bạn nên đi khám và lấy cao răng định kỳ 6 tháng 1 lần để vệ sinh răng miệng và dự phòng bệnh viêm quanh răng