Tại Việt Nam, ước tính cứ 100.000 phụ nữ thì có 20 trường hợp mắc bệnh ung thư cổ tử cung và 11 trường hợp tử vong. Đây là bệnh ung thư thường gặp hàng đầu ở phụ nữ từ 15-44 tuổi tại Việt Nam.
Ung thư cổ tử cung không xảy ra đột ngột mà âm thầm trải qua các giai đoạn từ lúc nhiễm HPV, gây nên những biến đổi bất thường ở tế bào cổ tử cung, các tổn thương tiền ung thư rồi đến ung thư, kéo dài trung bình từ 10 – 15 năm. Nhiều người chẩn đoán mắc bệnh ở tuổi 40 nhưng mầm mống virus HPV đã âm thầm tồn tại trong cơ thể từ thời thiếu nữ. Như vậy, phát hiện càng sớm thì khả năng chữa khỏi càng cao.
Giai đoạn tiền ung thư: Giai đoạn chớm nở này còn gọi là ung thư biểu mô tại chỗ. Các tế bào bất thường mới xuất hiện trong lớp lót bề mặt của cổ tử cung, chưa ăn sâu xuống mô chính và chưa lan ra các bộ phận khác trong cơ thể. Bác sĩ có nhiều phương pháp chữa trị tại chỗ mà vẫn giữ được chức năng tử cung và buồng trứng như khoét chóp (cắt một phần nhỏ cổ tử cung theo hình nón), phẫu thuật bằng vòng cắt đốt, lazer hoặc đông lạnh tế bào ung thư bằng dung dịch nitơ lỏng…
Giai đoạn I: Tế bào ung thư đã xâm lấn mô chính của cổ tử cung, song vẫn chưa khu trú sang cơ quan khác. Bác sĩ sẽ quyết định cắt một phần hay toàn bộ tử cung, hoặc xạ trị. Các mô sẹo để lại sau phẫu thuật có thể gây hẹp cổ tử cung, ngăn chặn tinh trùng và trứng gặp nhau. Nếu cắt bỏ quá nhiều mô, phụ nữ mang thai trở lại có nguy cơ dọa sảy.
Giai đoạn II-III: Khối ung thư bắt đầu lan đến âm đạo cũng như các mô xung quanh cổ tử cung, xa hơn nữa có thể ra khắp vùng chậu. Điều trị chính bằng xạ trị phối hợp với hóa trị, không bảo tồn được chức năng sinh sản. Một số trường hợp có thể phẫu thuật nhưng thường phải cắt bỏ tử cung và buồng trứng, kết hợp thêm xạ và hóa trị.
Giai đoạn IV: Khối u lan ra ngoài vùng chậu đến các bộ phận gần đó như bàng quang, trực tràng hoặc di căn đến các cơ quan xa phổi, gan, xương… Lúc này, điều trị khỏi rất khó khăn, chủ yếu nhằm kéo dài thời gian sống và giảm triệu chứng.
Bệnh càng tiến triển thì kỹ thuật điều trị càng phức tạp, gây đau đớn, chi phí tốn kém, thời gian sống giảm đi, khả năng khỏi bệnh thấp. Nếu phát hiện sớm, tỷ lệ khỏi ở giai đoạn tiền ung thư là 100%. Ở giai đoạn I, tỷ lệ đạt 85-90%, giảm dần đến giai đoạn II còn 50-75%, giai đoạn III 25-40% và chỉ có dưới 15% người bệnh ở giai đoạn IV còn sống sau 5 năm.
Dù không cắt bỏ tử cung, bệnh nhân vẫn đối diện với nguy cơ vô sinh nếu phải xạ hoặc hóa trị. Các tia bức xạ phát ra và hóa chất tiêu diệt tế bào ung thư đều có thể phá hủy trứng. Người bệnh cần trao đổi kỹ với bác sĩ, chọn phương pháp tối ưu, lưu trữ thêm buồng trứng… Ngoài ra, cần chủ động chăm sóc trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm virus HPV, vì chúng có nguy cơ mắc chứng đa gai bướu cổ, suy hô hấp.
Việt Nam có khoảng 38 triệu nữ giới trên 15 tuổi có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung. Bác sĩ khuyên, nữ giới nên khám phụ khoa định kỳ, tầm soát ung thư hàng năm để phát hiện bệnh từ giai đoạn tiền ung thư. Ngoài ra, mọi người nên sinh hoạt tình dục lành mạnh, tiêm vắcxin phòng virus HPV. Ngoài cổ tử cung, vắcxin ngừa HPV còn ngăn được bệnh sùi mào gà, ung thư dương vật, âm hộ, âm đạo…
Nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, Bệnh viện hữu nghị Lạc Việt (Nguyễn Tất Thành, Định Trung, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) đã đưa xét nghiệm phát hiện sớm ung thư cổ tử cung ThinPrep Pap Test và vắc xin phòng bệnh ung thư cổ tử cung vào phục vụ phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị.
Hi vọng những chia sẻ trên của Bệnh viện đã giúp ích cho bạn trong việc điều trị bệnh và bảo vệ sức khỏe. Nếu còn bất cứ băn khoăn thắc mắc nào, hãy gọi cho chúng tôi theo số điện thoại: 1900 1269 để được giải đáp kịp thời.