Triệu chứng khi mắc bệnh sởi? Nguyên nhân và cách phòng ngừa

Thứ Tư, 28/02/2024

Vào năm 2014, đại dịch sởi đã tấn công vào nước ta. Khi đó, ở bệnh viện các bệnh nhân nhi đã phải nằm tràn lan. Nhiều thai phụ phải sinh non, thậm chí nhiều đứa trẻ đã bị tử vong. Theo thống kê, trước khi có Vắc-xin, bệnh sởi đã khiến tới 6 triệu người chết mỗi năm. Vì vậy, có thể nói, bệnh sởi chính là nỗi ám ảnh kinh hoàng của hàng triệu người trên thế giới. Cho đến nay, dịch bệnh sởi vẫn là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi. 

Bệnh sởi là gì?

Bệnh sởi là do một loại virus ARN có tên là Polynosa morbillorum, nằm trong giống Morbillivirus, thuộc họ Paramyxoviridae. Loại virus này chỉ có một loại kháng nguyên duy nhất, có dạng hình cầu có kích thước dài khoảng 100-250nm.

Đây là một loại bệnh truyền nhiễm, gây dịch lưu hành rất rộng ở mọi nơi trên thế giới. Đặc biệt là trong thời kỳ trước khi có vacxin. Với hơn 90% người trước 20 tuổi đã bị mắc sởi, rất hiếm người không bị mắc. Và hàng năm có tới khoảng 100 triệu người mắc và 6 triệu người tử vong.

Bệnh sởi có thể xuất hiện quanh năm, tuy nhiên ở nước ta thường xảy ra dịch vào những tháng đông – xuân. Đây là một căn bệnh truyền nhiễm gây dịch, trong đó lưu hành phổ biến ở trẻ nhỏ. 

Tại sao bệnh sởi dễ bùng phát thành dịch?

Sởi là bệnh truyền nhiễm rất cao, hơn cả Ebola, bệnh lao hay bệnh cúm. Bởi chúng có thể truyền bệnh sang cho bất cứ ai chạm vào bề mặt hoặc một vật nào đó đã bị nhiễm virus. Sau đó chạm vào miệng hoặc mũi của chính họ, hoặc ăn uống khi chưa rửa tay. 

Virus sởi có khả năng tồn tại trong không khí và trên bề mặt lên tới 2 tiếng. Chúng luôn sẵn sàng để xâm nhập vào đường thở của những người xung quanh nó. Vì vậy, chúng có thể lây nhiễm ngay cả khi không tiếp xúc trực tiếp với người bệnh

Triệu chứng khi mắc bệnh sởi là gì?

Bệnh sởi sẽ phát triển qua nhiều giai đoạn khác nhau trong suốt quá trình lây nhiễm và tấn công. Giai đoạn đầu tiên là giai đoạn ủ bệnh thường kéo dài khoảng 7-14 ngày sau khi tiếp xúc với virus sởi.

Sau giai đoạn ủ bệnh, sẽ đến giai đoạn khởi phát. Đây là thời điểm bệnh nhân bắt đầu xuất hiện các triệu chứng. Như sốt cao từ 39-40 độ C, chảy nước mắt, mũi, ho khan, khàn tiếng, có hạt Koplik trong miệng, hay viêm màng tiếp hợp, sưng nề mí mắt,… Và cơ thể bắt đầu xuất hiện các nốt phát ban đỏ nhỏ li ti. Các nốt phát ban sẽ bắt đầu mọc ở vùng mặt, đầu, cổ, rồi sau đó lan dần ra khắp cơ thể.

Các nốt phát ban bệnh Sởi ở trẻ nhỏ
Các nốt phát ban bệnh Sởi ở trẻ nhỏ

Sau đó vài ngày, các nốt ban sẽ dần bay đi tạo thành những vết thâm ở da. Với những vết thâm này thì sẽ cần phải mất từ 1-2 tuần để chúng biến mất hoàn toàn. Thông thường, bệnh sẽ kéo dài từ 7-10 ngày. 

Biến chứng có thể gặp phải

Những người mắc bệnh sởi sẽ bắt đầu hồi phục ngay khi phát ban xuất hiện và sẽ cảm thấy khỏe mạnh dần dần và bình thường trở lại sau khoảng 2-3 tuần với những trường hợp không biến chứng.

Tuy nhiên lại có tới 40% bệnh nhân mắc bệnh sởi gặp biến chứng. Chúng thường xảy ra ở những trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, người lớn trên 20 tuổi hoặc ở những người bị suy dinh dưỡng, suy giảm miễn dịch. 

Trong suốt thời gian bị bệnh, sức đề kháng của cơ thể người bệnh bị suy giảm, dễ gặp phải nhiều biến chứng. 

  • Viêm thanh quản
  • Viêm phổi 
  • Viêm phế quản
  • Viêm não, viêm màng não
  • Tiêu chảy, ói mửa, viêm ruột
  • Mờ, loét giác mạc có thể gây mù lòa
  • Suy dinh dưỡng nặng hậu nhiễm
  • Đặc biệt, đối với những phụ nữ đang mang thai mắc bệnh sởi có thể bị sảy thai, sinh non, gây dị tật thai nhi. 

Phương pháp điều trị

Hiện tại chưa có một liệu pháp điều trị đặc hiệu nào cho bệnh sởi. Vì vậy, việc điều trị hiện nay tập trung hướng đến việc giảm triệu chứng, kiểm soát biến chứng. Các biện pháp điều trị bao gồm:

  • Hỗ trợ điều trị: Người bệnh cần được nghỉ ngơi, bổ sung đủ nước, dinh dưỡng và vitamin. Và cần duy trì môi trường thoáng khí để giảm triệu chứng.
  • Giảm sốt và các triệu chứng: Sử dụng thuốc giảm đau và hạ sốt
  • Điều trị biến chứng: Nếu xuất hiện biến chứng như viêm phổi, viêm não,… bác sỹ sẽ áp dụng phương pháp điều trị tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể. 

Cách phòng ngừa bệnh sởi và tầm quan trọng của tiêm chủng 

Một số cách phòng tránh bệnh sởi: 

  • Hạn chế tiếp xúc với người bệnh, người nghi bị nhiễm bệnh
  • Khi cần tiếp xúc với người bệnh cần rửa tay, sát khuẩn sạch sẽ
  • Giữ gìn vệ sinh cá nhân, nơi ở, làm việc thoáng mát, sạch sẽ
  • Hạn chế đến nơi tập trung đông người 
Tiêm Vacxin Sởi là phương pháp phòng bệnh hiệu quả cao nhất
Tiêm Vacxin Sởi là phương pháp phòng bệnh hiệu quả cao nhất

Tuy nhiên, cách phòng bệnh hiệu quả, đơn giản nhất là tiêm phòng Vắc xin sớm, đầy đủ và đúng lịch. Các bậc cha mẹ cần đưa con đi tiêm phòng sởi càng sớm càng tốt. 

  • Trẻ sơ sinh đến 6 tháng tuổi có khả năng miễn dịch với bệnh sởi do được nhận kháng thể miễn dịch của mẹ truyền qua nhau thai. Một số em bé còn được lưu giữ đến tháng thứ 9.
  • Trẻ từ tháng 9 trở đi sẽ cần được tiêm 1 mũi vacxin, sau đó khi trẻ đủ 18 tháng tuổi thì sẽ tiêm mũi nhắc lại. Sau khi hoàn thành mũi thứ nhất thì trẻ sẽ có từ 80-85% khả năng miễn dịch. Hoàn thành mũi thứ hai thì sẽ tăng lên tới 90-95%.

——————————————–

Hệ thống Bệnh viện Lạc Việt

🏥 LVFH Vĩnh Yên: Đường Nguyễn Tất Thành, Định Trung, TP. Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc.
☎ 𝐇𝐨𝐭𝐥𝐢𝐧𝐞: 1900 1269 hoặc 0949 232 115
🏥 LVFH Phúc Yên: Đường Hai Bà Trưng, Hùng Vương, TP. Phúc Yên, Vĩnh Phúc.     
☎ 𝐇𝐨𝐭𝐥𝐢𝐧𝐞: 0837 732 115