Trẻ sốt cao liên tục không hạ – Hãy cẩn trọng với bệnh truyền nhiễm nguy hiểm

Thứ bảy, 08/01/2022

Tác giả:

Riêng tư: BS.CKI. Hoàng Thị Ngôn

Chuyên khoa: Đang cập nhật

Khoa/Phòng:

Đang cập nhật

Sốt là một triệu chứng của rất nhiều bệnh lý, đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương thì khi bị sốt mọi người thường nghĩ đến dịch Covid và lo ngại về lịch sử tiếp xúc của bản thân. Tuy nhiên, Sốt cũng là triệu chứng của rất nhiều bệnh lý khác mà chúng ta không thể chủ quan như: Sốt xuất huyết, Viêm phế quản – phổi, viêm tai… Đặc biệt là đối với trẻ em.

Ngày 05/01/2022, Khoa Nhi – Bệnh viện hữu nghị Lạc Việt vừa tiếp nhận một bệnh nhi vào viện trong tình trạng sốt cao liên tục kèm triệu chứng mệt mỏi, kém ăn.

Theo lời kể của gia đình: Khi ở nhà, bệnh nhi V.L.H (14 tuổi, Tam Sơn, Sông Lô, Vĩnh Phúc) đã sốt cao liên tục 4 ngày, đáp ứng kém với thuốc hạ sốt, mệt mỏi nên gia đình đã đưa trẻ đến Bệnh viện Hữu nghị Lạc Việt khám.

Tại Bệnh viện, Bác sĩ thăm khám thấy da trẻ xung huyết nhiều, môi khô, nhợt, các kết quả xét nghiệm máu cho thấy chỉ số bạch cầu và tiểu cầu giảm sâu, có cô đặc máu, kết quả test Sốt xuất huyết Dengue dương tính. Trẻ được chẩn đoán mắc sốt xuất huyết ngày thứ 4 và chỉ định nhập viện điều trị.

Bệnh Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue có trong muỗi vằn (muỗi Aedes aegypti) gây nên. Bệnh có thể gặp ở cả trẻ em và người lớn, bệnh có khả năng lây truyền từ người nay qua người khác qua vật trung gian là muỗi vằn, thời gian phát bệnh chỉ từ 4 – 5 ngày sau khi nhiễm mầm bệnh. Bệnh có thể gây nguy hiểm tính mạng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Xuat Huyet Duoi Da O Tre Em Hinh Anh

Những nốt xuất huyết dưới da ở bệnh nhân bị sốt xuất huyết Dengue (ảnh minh họa, nguồn internet)

Tại khoa Nhi, trẻ được chăm sóc và bù dịch theo kết quả xét nghiệm máu, hạ sốt, tăng cường dinh dưỡng, vitamin, theo dõi các dấu hiệu nặng.

Sốt Xuất Huyết

Bác sĩ theo dõi tình trạng xuất huyết dưới da của bệnh nhi

Hiện nay, sau 4 ngày điều trị (ngày thứ 7 mắc bệnh) trẻ không sốt, không nôn, không đau bụng, xuất huyết rải rác dưới da, ăn uống tốt, tiểu tiện tốt và dự kiến được chỉ định ra viện trong 2 ngày tới.

Sốt Xuất Huyết 1

BSCKI. Hoàng Thị Ngôn thăm khám cho bệnh nhi

BSCKI. Hoàng Thị Ngôn – Khoa Nhi chia sẻ: Chúng ta đều biết Bệnh Sốt xuất huyết thường gia tăng vào mùa mưa (mùa muỗi sinh sôi nhiều nhất) và có thể gây ra đại dịch, tỉ lệ tử vong khá cao. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể xảy ra tại các thời điểm khác trong năm, chính vì thế bố mẹ cần thận trọng khi con có những dấu hiệu như: Sốt cao liên tục, không đáp ứng thuốc (hoặc đáp ứng kém) kèm triệu chứng mệt mỏi, li bì, ăn kém, (bỏ bú đối với trẻ nhỏ), co giật… cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ Chuyên khoa Nhi để được thăm khám và tư vấn kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

………………………………………………………….

Bệnh sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm lây qua muỗi Aedes (muỗi vằn) đốt hút máu người mắc bệnh hoặc người nhiễm virus. Sau đó, nó lại đốt người khỏe mạnh thì sẽ truyền virus cho người lành qua vết đốt. Vì thế, sốt xuất huyết có thể lây lan, phát triển thành dịch.

Mọi người cần chủ động phòng bệnh cho bản thân và gia đình bằng các biện pháp như:

  • Mặc quần áo tay dài, bôi kem chống muỗi để tránh bị muỗi đốt.
  • Ngủ phải mắc màn (kể cả ban ngày).
  • Dọn dẹp nơi ở sạch sẽ thoáng đãng, phát quang bụi rậm xung quanh.
  • Diệt lăng quăng và không để muỗi sinh sản: súc rửa hồ, thùng phuy, lu, xô chứa nước trước khi thay nước mới. Đậy kín nắp lu, thùng khi không sử dụng; thu gom và xử lý các vật phế thải. Xử trí các đồ vật đọng nước xung quanh nhà, Không treo quần áo làm chỗ cho muỗi trú đậu…