TIỂU ĐƯỜNG THAI KÌ ẢNH HƯỞNG THẾ NÀO ĐẾN THAI NHI VÀ TRẺ SƠ SINH

Thứ sáu, 04/09/2020

Tiểu đường thai kỳ là bệnh tiểu đường phát triển trong quá trình mang thai từ khoảng tuần thai thứ 24. Đây là căn bệnh nguy hiểm khiến rất nhiều thai phụ sợ hãi, lo lắng, vì tiểu đường thai kì không những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người mẹ, mà còn gây nguy hại đến sự phát triển của thai nhi.

I. ẢNH HƯỞNG TỚI THAI NHI:

1. Nguy cơ sinh con to

Nếu đường huyết của người mẹ cao, đường huyết của em bé cũng sẽ cao. Khi đó, tuyến tụy của em bé sẽ đáp ứng bằng cách sản xuất nhiều hormone insulin hơn. Insulin làm hạ đường huyết và dự trữ lượng đường dư một phần dưới dạng mỡ. Do đó, em bé sẽ to hơn mức bình thường. Theo nhiều tài liệu, khi sinh ra, một em bé nặng trên 4kg được cho là to.

Con to làm tăng nguy cơ bị các biến chứng sau:

Chấn thương trong quá trình sinh nở: Nếu em bé quá to, cả mẹ và bé đều có thể bị chấn thương khi sinh qua ngả âm đạo. Người mẹ có thể bị sang chấn tầng sinh môn, rách tầng sinh môn và nặng hơn là băng huyết. Em bé dễ gặp phải các chấn thương: kẹt vai, gãy xương đòn, kẹt dây rốn khi phải đi qua một khung chậu hẹp.

2. Dị tật bẩm sinh

Là hiện tượng bất thường về cơ thể xảy ra trong giai đoạn trước khi em bé được sinh ra. Các cơ quan trong cơ thể của bé bắt đầu được hình thành từ khoảng tuần thứ 4 của thai kỳ, vì vậy nếu kiểm soát đường huyết không tốt trong giai đoạn đầu thai kỳ sẽ có nhiều khả năng dẫn đến trẻ bị dị tật bẩm sinh. Ngoài ra, sự kiểm soát lượng đường trong máu càng không tốt, tần suất xuất hiện dị tật ở trẻ càng cao, có thể xuất hiện ở nhiều cơ quan khác nhau như hệ thần kinh trung ương, hệ xương, hệ tim mạch, hệ tiết niệu-thận, hệ tiêu hóa, tai và miệng.

3. Nguy cơ sinh non

Tiểu đường thai kỳ làm tăng nguy cơ sinh non (sinh trước tuần thai 37). Sinh non có thể là do chỉ định mổ lấy thai sớm để cấp cứu trong những trường hợp có biến chứng hoặc do chuyển dạ tự nhiên sớm vì những lý do khác.

4. Nguy cơ thai chết lưu trong giai đoạn cuối thai kì

Các báo cáo cho thấy tại Anh, thai già tháng (hơn 40 tuần 6 ngày) của những người mẹ đái tháo đường thai kỳ có nguy cơ chết lưu nhiều hơn những người mẹ bình thường. Do đó, nếu ở Anh, các bà mẹ đái tháo đường chưa có dấu hiệu sinh khi quá 40 tuần thường được chỉ định khởi phát chuyển dạ nhân tạo hoặc sinh mổ tùy từng trường hợp.

II. ẢNH HƯỞNG TỚI TRẺ SƠ SINH

1. Hạ đường huyết

Những bé có mẹ bị đái tháo đường không được kiểm soát đường huyết tốt trước sinh, có thể bị hạ đường huyết ngay sau sinh. Do đường huyết mẹ cao nên kích thích tuyến tụy tiết quá nhiều insulin. Khi lọt lòng mẹ, bé bị cắt nguồn đường cung cấp từ máu mẹ nhưng insulin trong cơ thể bé vẫn còn nhiều. Do đó, bé bị hạ đường huyết. Hạ đường huyết điều trị khá dễ dàng, nhưng phải nhận biết sớm và điều trị sớm. Nếu không, bé sẽ bị di chứng thần kinh. Vì vậy, em bé có mẹ bị đái tháo đường nên được cho bú sớm ngay sau sinh và kiểm tra đường huyết khi nghi ngờ có bất thường.

2. Tăng Bilirubin máu

Là trạng thái lượng bilirubin trong máu tăng lên bất thường. Bilirubin là một chất được hình thành khi Hemoglobin trong hồng cầu bị phá vỡ, nó thường được vận chuyển đến gan và bài tiết qua phân và nước tiểu. Tuy nhiên, nếu bài tiết không tốt vì lý do nào đó, nó sẽ tăng lên trong máu. Bilirubin có sắc tố màu vàng, vì vậy khi trẻ bị tăng bilirubin máu, có thể nhận thấy “bệnh vàng da” làm vàng da và niêm mạc.

3. Hạ canxi máu

Là trạng thái lượng canxi trong máu trở nên rất thấp. Ngay cả khi hạ canxi máu, các triệu chứng có thể không phát triển đến một mức độ nhất định, nhưng các triệu chứng như giảm trương lực cơ, nhịp tim nhanh, thở nhanh, ngưng thở, ăn kém, nhạy cảm, co cứng (tê chân tay, cứng khớp), lên cơn co giật (co thắt) có thể xảy ra.

4. Đa hồng cầu

Là trạng thái có quá nhiều tế bào hồng cầu trong máu. Nếu bệnh đa hồng cầu nặng, máu trở nên dính và đặc, lưu lượng máu của các mao mạch có thể chuyển hóa xấu đi. Kết quả là, nguy cơ cao gây nên các triệu chứng khác nhau như co giật, nhồi máu não, tím tái, ngưng thở, ăn kém, nôn, viêm ruột hoại tử, huyết khối tĩnh mạch thận, suy thận,…

Các mẹ bầu cần lưu ý, nên đi khám thai định kì và làm đầy đủ xét nghiệm cần thiết theo chỉ định của bác sĩ để kiểm tra, phòng ngừa và giảm thiểu các biến chứng nặng nề cho cả mẹ và bé.

—–✫—✬—✫—-

Mọi thông tin chi tiết xin vui lòng liên hệ: Bệnh viện Hữu nghi Lạc Việt: Định Trung, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc
☎️ SĐT: 02113.656.252/ 19001269.  Hotline: 0949232115
🌼 Bệnh viện Hữu nghị Lạc Việt khám chữa Bảo hiểm y tế và dịch vụ tất cả các ngày trong tuần.🌼

 

BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ LẠC VIỆT.