Theo Cục Y tế dự phòng, bệnh thủy đậu là bệnh cấp tính do nhiễm virus Varicella Zoter (gây ra bệnh thủy đậu ở trẻ em và bệnh zona ở người lớn). Virus có khả năng sống được vài ngày trong vẩy thủy đậu khi bong ra tồn tại trong không khí. Bệnh rất dễ lây lan, lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp thông qua tiếp xúc trực tiếp, qua dịch tiết mũi họng, dịch từ nốt phỏng thủy đậu. (Nguồn: https://moh.gov.vn)
1. Biểu hiện của bệnh Thủy đậu
Khi bị bệnh thường có biểu hiện: Mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng và trên da xuất hiện các nốt ban đỏ bắt đầu ở vùng đầu, mắt rồi lan ra toàn thân. Thời kỳ lây truyền của bệnh là 1 – 2 ngày trước khi phát ban và trong vòng 5 ngày sau khi xuất hiện nốt bọng nước đầu tiên.
Bệnh thường kéo dài từ 7 – 10 ngày.
2. Bệnh Thủy đậu có nguy hiểm không?
Bệnh thủy đậu là bệnh lành tính, không có triệu chứng nặng nề ngoài những mụn nước nhưng rất dễ gây nhiễm trùng da nơi mọc mụn nước, có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, viêm não tuy ít xảy ra.
Thủy đậu có thể tiến triển nặng dẫn đến các biến chứng như: Nhiễm khuẩn da, viêm phổi, viêm màng não, viêm tủy cắt ngang, viêm cơ tim, viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết…, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.
Phụ nữ mang thai mắc bệnh thủy đậu sẽ rất nguy hiểm cho thai nhi, có thể gây sảy thai hoặc để lại dị tật cho thai nhi. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, thường gặp vào mùa đông xuân.
Theo các chuyên gia, thủy đậu ở trẻ sơ sinh là một bệnh nặng (nặng hơn so với thủy đậu trẻ em hoặc người lớn) với nguy cơ tử vong cao lên đến 30% do tổn thương đa cơ quan. Nếu không được điều trị bệnh kịp thời và đúng phác đồ thì trẻ có thể gặp các biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp, sốc nhiễm trùng nhiễm độc, bội nhiễm vi khuẩn, các biến chứng về thần kinh như: Viêm màng não, viêm tuỷ, viêm dây thần kinh thị giác, viêm đa dây thần kinh. Hoặc 1 số biến chứng khác như suy thượng thận, viêm cầu thận, tổn thương mắt, thậm chí là tử vong.
3. Những ai có nguy cơ cao mắc Thủy đậu?
Nhiều người vẫn nghĩ rằng chỉ trẻ em mới mắc thủy đậu nên rất chủ quan, dẫn đến những biến chứng khó kiểm soát. Thực tế tất cả mọi lứa tuổi đều có nguy cơ mắc bệnh Thủy đậu.
Độ tuổi dễ mắc bệnh nhất là từ 6 tháng đến 7 tuổi, với người lớn (trên 20 tuổi) thì tỷ lệ mắc Thủy đậu ít hơn (khoảng 10% do đã có miễn dịch).
Người đã mắc bệnh thủy đậu thì thường có miễn dịch miễn dịch bền vững suốt đời, tuy nhiên cũng có khoảng 1% tái nhiễm. Một số người có thể bị thủy đậu nhiều hơn một lần trong đời, nhưng trường hợp này rất hiếm. Với những người đã tiêm vắc xin thủy đậu mà vẫn mắc bệnh thì các triệu chứng bệnh thường nhẹ hơn, ít mụn nước và nhẹ hoặc không sốt.
Đối với những trường hợp bệnh nhân có biểu hiện nặng mắc các bệnh nền như ung thư, viêm phổi, viêm não, suy gan, nằm trong bệnh cảnh suy đa phủ tạng, hay đang phải sử dụng các loại thuốc như Corticoid, loại thuốc ức chế miễn dịch để chữa bệnh gút, phổi, thận. Một số bệnh nhân nhập viện trên cơ địa đặc biệt hay phụ nữ có thai. Đây là những đối tượng đặc biệt khi mắc bệnh thì vi rút sẽ bùng lên và gây tổn thương nặng. Bệnh nhân có thể tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, một số trường hợp có biến chứng như viêm phổi, viêm não, hoặc suy gan, thậm chí là suy đa phủ tạng cần lọc máu.
4. Các biện pháp chủ động phòng tránh và điều trị bệnh Thủy đậu hiệu quả
Để chủ động phòng tránh bệnh thủy đậu, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện một số biện pháp sau:
– Đến khám Bác sĩ khi có các dấu hiệu như: Mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng và trên da xuất hiện các nốt ban đỏ bắt đầu ở vùng đầu, mắt rồi lan ra toàn thân.
– Không tự ý mua thuốc điều trị tại nhà.
– Hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh để phòng tránh lây lan.
– Những trường hợp mắc bệnh thuỷ đậu cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7 đến 10 ngày từ khi bắt đầu phát hiện bệnh để tránh lây lan cho những người xung quanh.
– Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý.
– Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, trường học, vật dụng sinh hoạt bằng các chất sát khuẩn thông thường.
– Tiêm vaccine phòng bệnh thủy đậu cho trẻ em từ 12 tháng tuổi. Nếu đã được tiêm phòng vắc-xin thủy đậu thì đại đa số (80-90%) có khả năng phòng bệnh. Vắc-xin thủy đậu có hiệu quả cao và lâu dài, giúp cơ thể tạo kháng thể chống lại virut thủy đậu, Tuy nhiên, khoảng 10% còn lại là có thể bị thủy đậu sau khi tiêm chủng, nhưng các trường hợp này cũng chỉ bị nhẹ, với rất ít nốt đậu, khoảng dưới 50 nốt và thường là không bị biến chứng./.
5. Những lưu ý khi điều trị thủy đậu
Sai lầm khi thấy con bị thủy đậu là: các bậc cha mẹ nghĩ ngay đến việc chấm xanh – metylen cho con vào các mụn nổi nốt. Việc làm này khi nốt phỏng chưa vỡ là không cần thiết. Chỉ khi nốt phỏng vỡ thì chấm trực tiếp thuốc xanh – methylen vào nốt vỡ làm se nốt và ngừa bội nhiễm vi khuẩn, sát trùng khô nhanh.
Bên cạnh đó, quan niệm khi bé bị thủy đậu phải tuyệt đối kiêng nước, kiêng gió nên không tắm, lau rửa cho trẻ là không đúng. Thay vào đó, cha mẹ nên tắm cho con bằng nước ấm, chú ý không tắm lâu như khi trẻ khỏe mạnh; Cũng không nên mua các loại lá về tắm cho trẻ do da trẻ nhỏ, đặc biệt là da trẻ sơ sinh rất mỏng, cấu trúc chưa ổn định.
Ngoài ra, chú ý giữ sạch tay và cắt ngắn móng tay, tránh gãi vì gãi làm nốt phỏng bị vỡ, có thể dẫn đến bội nhiễm vi khuẩn.
Bệnh viện hữu nghị Lạc Việt luôn nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng chống các bệnh truyền nhiễm như:
– Sẵn sàng tiếp nhận, thăm khám (24/7) và hướng dẫn, tuyên truyền về bệnh truyền nhiễm nói chung, đặc biệt là bệnh Thủy đậu cho các gia đình bệnh nhi.
– Chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó, phân luôn, thu dung, cấp cứu, điều trị, phòng bệnh cách ly cho bệnh nhi mắc bệnh, đảm bảo cung cấp đầy đủ thuốc, vật tư y tế…
– Tại các hành lang khoa, phòng luôn đầy đủ dung dịch sát khuẩn tay cho người bệnh và người nhà.
– Bệnh viện có thực hiện tiêm phòng vắc-xin thủy đậu ngay tại Đơn vị Tiêm chủng…