Số trẻ mắc Cúm A tăng cao – Bác sĩ Nhi khoa tư vấn bố mẹ cách phòng bệnh

Thứ bảy, 09/07/2022
Thời gian gần đây, Bệnh viện Hữu nghị Lạc Việt Phúc Yên thường xuyên tiếp nhận các ca Cúm A ở trẻ em. Số lượng ca bệnh tăng cao với nhiều diễn biến điển hình như: Sốt cao, sốt cao liên tục, đáp ứng kém với thuốc hạ sốt… khiến cha mẹ và gia đình lo lắng.
Theo BSCKI. Trần Văn Vích – Phụ trách khoa Khám bệnh của Bệnh viện cho biết: “Triệu chứng ban đầu của nhiễm cúm A hay bệnh cúm mùa nói chung và nhiễm các bệnh do virus gây viêm đường hô hấp khác là tương tự nhau, trẻ thường có sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, đau họng… Chính vì các bậc cha mẹ thường khó phân biệt được có phải trẻ mắc cúm A hay không để xử trí phù hợp. Khi trẻ có biểu hiện sốt cao và viêm long đường hô hấp cha mẹ KHÔNG ĐƯỢC tự ý dùng thuốc mà cần cho con đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và chẩn đoán và tư vấn về bệnh, tránh tình trạng bệnh diễn biến nặng”.
Trường hợp bệnh nhi N.G.H (4 tuổi, ở Mê Linh, Hà Nội) vào viện trong tình trạng sốt cao, rét run, vân tím, co giật, sốt đáp ứng kém với hạ sốt, ho, sổ mũi. Gia đình cho biết trước đó 2 ngày trẻ bắt đầu có những dấu hiệu sốt, ho, sổ mũi và được cho uống thuốc tuy nhiên trẻ có diễn biến nặng hơn.
Sau khi thăm khám và thực hiện kiểm tra cận lâm sàng các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi mắc Cúm A bội nhiễm, viêm phế quản cấp, viêm tai giữa, viêm mũi họng cấp. Với tình trạng mắc virus và nhiễm khuẩn cao, bệnh nhi được chỉ định nhập viện chăm sóc và điều trị. Sau vài ngày, trẻ đã có những tiến triển tích cực: Cắt sốt, giảm ho, thể trạng tốt hơn.

Bs Vích

BSCKI. Trần Văn Vích đang khám cho bệnh nhi mắc Cúm A điều trị tại Bệnh viện

Cúm A là bệnh truyền nhiễm đường hô hấp cấp tính do virus cúm (chủng H1N1, H5N1, H7N9…) gây nên. Bệnh lây lan qua đường hô hấp thông qua các hạt bụi nước, giọt bắn dính virus được thải ra khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc qua tiếp xúc với các đồ vật, bề mặt nhiễm virus rồi đưa lên mắt, mũi, miệng….
Ngoài các triệu chứng ban đầu như đã nêu, trẻ nhiễm cúm A thường sốt cao 39 – 40 độ C, da mắt sung huyết, họng đỏ sung huyết toàn bộ, trẻ mệt mỏi, ăn kém, quấy khóc, trường hợp nặng sẽ mắc viêm tiểu phế quản, viêm phế quản, viêm phổi…
Cách phòng bệnh Cúm A cho trẻ
Bác sĩ Vích cũng đưa ra khuyến cáo: “Cúm A là bệnh rất dễ lây lan, ai cũng có thể mắc bệnh đặc biệt là với trẻ nhỏ, người già, phụ nữ có thai. Biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất là hằng năm chủ động tiêm vắc-xin phòng cúm cho cả gia đình. Cần nâng cao thể trạng cho trẻ bằng cách bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, giữ gìn vệ sinh cá nhân (Rửa tay sạch sẽ với xà phòng diệt khuẩn trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh…), hạn chế đưa tay tiếp xúc với mắt, mũi, miệng, thực hiện vệ sinh không gian sống và vui chơi của trẻ…”
Ngoài ra, đeo khẩu trang cũng là cách đơn giản và hiệu quả trong phòng bệnh, mọi người cần duy trì việc đeo khẩu trang khi ra ngoài để hạn chế lây nhiễm Cúm A và các bệnh lý khác lây nhiễm qua đường hô hấp.