Phương pháp tán sỏi thận qua da – Điều trị hiệu quả, không lo sót sỏi

Thứ sáu, 22/03/2024

Tác giả:

Thạc sĩ. Bác sĩ Nguyễn Nguyên Đông

Chuyên khoa: Đang cập nhật

Khoa/Phòng:

Đang cập nhật

Sỏi thận là căn bệnh khá phố biến ở nước ta, tỉ lệ mắc bệnh đang có xu hướng ngày càng gia tăng. Các phương pháp tán sỏi hiện đại, ít xâm lấn đã được áp dụng hiệu quả. Trong đó tán sỏi thận qua da bằng laser là phương pháp tối ưu đối với sỏi kích thước lớn, sỏi phức tạp.

Sỏi thận có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe

1. Một số thông tin về sỏi thận

1.1. Sỏi thận là gì?

Sỏi thận là các viên sỏi được hình thành từ sự kết tinh của các tinh thể vô cơ trong nước tiếu. Các tinh thể và viên sỏi nhỏ này đi theo đường tiểu và được bài tiết ra ngoài. Tuy nhiên, trong quá trình bài tiết này, tinh thể hoặc viên sỏi bị mắc lại, tiếp tục lắng và kết tinh tạo thành những viên sỏi kích thước lớn hơn.

1.2. Sỏi thận có thể gây nguy hiểm gì cho sức khỏe?

– Tắc nghẽn đường tiết niệu: Sỏi thận rơi xuống điểm nối thận – niệu quản khiến nước tiểu không thể lưu thông, gây ra thận ứ nước, giãn đài bể thận.

– Viêm đường tiết niệu: Sỏi thận khi di chuyển sẽ cọ xát với niêm mạc niệu quản gây trầy xước, chảy máu, tăng khả năng viêm nhiễm ở đường tiết niệu.

– Suy giảm chức năng thận: Các tổn thương ở thận có thể gây suy thận cấp hoặc mạn tính.

– Biến chứng vỡ thận đột ngột, gây tử vong.

1.3. Dấu hiệu khi mắc bệnh sỏi thận

– Cơn đau quặn thận: Sỏi thận di chuyển và gây tắc nghẽn có thể gây ra những cơn đau quặn thận dữ dội. Người bệnh có thể bị đau ở một bên hông lưng hoặc bụng lan ra sau lưng.  Những người bị đau quặn có xu hướng kích thích bồn chồn do đau nhiều, đau thành cơn.

– Kèm theo cơn đau sỏi thận là buồn nôn, nôn mửa, chướng bụng.

– Tuy nhiên, một số trường hợp người bệnh không có triệu chứng đau hoặc đau không rõ ràng như tình trạng ê ẩm vùng thắt lưng một hoặc hai bên.

– Tiểu ra máu: Người bệnh có sỏi bề mặt nhám, gai san hô… khi cọ xát vào đường tiểu có thể gây tiểu ra máu. Trường hợp tiểu ra máu thường do người bệnh hoạt động nhiều, vận động mạnh gây ra.

– Tắc đường tiểu: Bí tiểu, bế tắc thận, thận ứ nước.

2. Khi nào cần tán sỏi thận

Thời điểm cần tán sỏi phụ thuộc vào nhiều yếu tố như:

  • Giai đoạn phát triển đến kích thước của sỏi, độ rắn, vị trí của sỏi.
  • Chức năng thận, tình trạng hệ tiết niệu.
  • Tình trạng sức khỏe người bệnh…

Cụ thể hơn:

  • Sỏi thận kích thước lớn trên 20mm thường bắt đầu gây ra các triệu chứng hay biến chứng cho người bệnh như: Thận ứ nước, nhiễm trùng tiết niệu. Khi đó chỉ định tán sỏi được đưa ra.
  • Sỏi thận kích thước nhỏ nhưng đã xuất hiện triệu chứng hoặc gây ra các biến chứng như thận ứ nước, nhiễm trùng tiết niệu thì cùng cần điều trị ngoại khoa như tán sỏi, phẫu thuật.

Bác sĩ chuyên khoa sẽ thăm khám và quyết định khi nào cần tán sỏi, phương pháp tán sỏi phù hợp nhất.

Hiện nay, có nhiều phương pháp tán sỏi công nghệ cao được sử dụng cho sỏi thận, tiết niệu. Chủ yếu áp dụng khi sỏi có kích thước từ 5mm trở lên. Đối với sỏi có kích thước nhỏ hơn nếu không đáp ứng điều trị nội khoa cũng có thể được chỉ định tán sỏi.

Một số phương pháp hiện đại và được áp dụng nhiều nhất hiện nay là:

  • Tán sỏi thận qua da bằng laser
  • Tán sỏi ngoài cơ thể
  • Nội soi tán sỏi ngược dòng bằng laser.

3. Tán sỏi thận qua da bằng laser là gì?

Tán sỏi qua da hay còn gọi là tán sỏi thận qua da bằng laser là phương pháp nội soi mà bệnh nhân được gây mê toàn thân, sau đó bác sĩ sẽ dùng kim chọc qua da vùng lưng để tiếp cận thận.

Đường hầm của kim chọc dò được nong rộng bằng dụng cụ nong để đạt được kích thước mong muốn. Bác sĩ sẽ đưa máy nội soi và dùng năng lượng laser vào qua đường hầm để tán sỏi. Sỏi được tán thành vụn nhỏ và hút ra ngoài.

Qua đường hầm, bác sĩ đặt một ống thông thận giúp việc chụp kiểm tra sau mổ. Ống thông này được rút ra sau 24 – 48 giờ. Một số trường hợp người bệnh có thể bổ sung tán sỏi ngoài cơ thể để xử lý các mảnh sỏi còn sót lại.

Tán sỏi thận qua da tại Bệnh viện Lạc Việt

4. Chỉ định của tán sỏi thận qua da

4.1. Đối tượng có thể áp dụng tán sỏi thận qua da

  • Sỏi thận có kích thước lớn, trên 1.5 cm, sỏi san hô, sỏi cứng
  • Sỏi niệu quản 1/3 trên và có kích thước trên 1.5 cm.
  • Trường hợp có dị dạng, tắc nghẽn đường niệu
  • Người bệnh sót sỏi sau mổ hở hoặc có chống chỉ định hay thất bại với tán sỏi ngoài cơ thể,

4.2. Những trường hợp nào không chỉ định thực hiện tán sỏi qua da

– Người bệnh có bệnh lý nội khoa nặng: Rối loạn đông, chảy máu; xuất huyết toàn thân; bệnh mạch vành; suy tim nặng; chức năng phổi không tốt chống chỉ định gây mê nội khí quản; bị tiểu đường và huyết áp cao hoặc không thể chịu đựng phẫu thuật.

– Người bệnh đang sử dụng thuốc Aspirin, thuốc chống đông đường uống phải ngừng dùng thuốc từ 1-2 tuần, chuyển sang đường tiêm dưới da và kiểm tra lại chức năng đông máu không rối loạn mới chỉ định phẫu thuật.

– Người bệnh đang bị nhiễm khuẩn tại chỗ thành bụng, nhiễm khuẩn đường tiết niệu chưa được điều trị hoặc bị lao thận.

– Thận có thể tích lớn, nhu mô giãn mỏng, sỏi san hô mà tiên lượng tán sỏi qua da nhiều lần không thể lấy hết sỏi.

– Người bệnh có sỏi san hô mà thận bị dị dạng, dị vị không tạo được đường hầm qua da an toàn. Hoặc khi dùng tán sỏi qua da không lấy hết được sỏi.

– Người bệnh có sỏi trên thận lạc chỗ hoặc thận sa xuống tiểu khung.

– Người bệnh ung thư thận, có khối u ở thận.

– Người bệnh đang có thai.

– Người bệnh bị gù hoặc cong vẹo cột sống, bị béo phì hoặc có bệnh lý hô hấp không thể chịu đựng nằm sấp khi mổ thì có thể chọn lựa tư thế nằm nghiêng hoặc nằm ngửa để phẫu thuật.

5. Ưu điểm của tán sỏi thận qua da

  • Ít đau: Phẫu thuật nhẹ nhàng, không lo vết mổ dài ở bụng như mổ mở.
  • Phục hồi nhanh, tiết kiệm chi phí nằm viện, người bệnh có thể sớm trở lại với đời sống sinh hoạt thường nhật.
  • Hạn chế tối đa tình trạng nhiễm trùng sau mổ
  • Sạch sỏi cao, tán sỏi qua da là phương pháp có thể kiểm tra toàn bộ đài bể thận và niệu quản nên không lo sót sỏi.
  • Ít tổn hại đến chức năng thận. Mổ mở có thể tổn thương trên 30% chức năng thận do đường rạch nhu mô thận. Tán sỏi thận qua da chỉ gây ảnh hưởng <1%.

6. Biến chứng có thể xảy ra khi tán sỏi thận qua da

Cũng như các phương pháp ngoại khoa khác, tán sỏi thận qua da vẫn tồn tại một tỉ lệ nhỏ các biến chứng như: Chảy máu, tổn thương cơ quan lân cận nhiễm khuẩn huyết, thậm chí có thể tử vong.

Tuy nhiên, các biến chứng này đều có tỉ lệ thấp hơn nhiều so với phương pháp mổ mở.

Tại sao nên thực hiện tán sỏi thận qua da tại Bệnh viện hữu nghị Lạc Việt?

Tán sỏi thận qua da bằng laser hiện được xem là tiêu chuẩn vàng trong điều trị sỏi thận lớn, sỏi phức tạp với các ưu điểm như ít xâm hại, ít biến chứng, bảo tồn chức năng thận, thời gian hồi phục hậu phẫu nhanh.

Tán sỏi thận qua da đang được áp dụng thành công và mang lại hiệu quả cao trong điều trị tại Bệnh viện. Đặc biệt, các bác sĩ đã tán sỏi thành công cho nhiều ca bệnh khó như trường hợp người bệnh có tiền sử gù vẹo cột sống thứ phát gần 40 năm và mắc nhiều bệnh lý nền.

Bệnh viện hữu nghị Lạc Việt luôn chú trọng đầu tư trang thiết bị kỹ thuật, cập nhật các phương pháp điều trị hiện đại, nâng cao chất lượng chuyên môn phục vụ chăm sóc sức khỏe, điều trị cho người bệnh.

Để được tư vấn và đặt lịch khám, điều trị sỏi thận tiết niệu, quý vị có thể liên hệ qua:

——————————————–

Hệ thống Bệnh viện Lạc Việt

🏥 LVFH Vĩnh Yên: Đường Nguyễn Tất Thành, Định Trung, TP. Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc.
☎ 𝐇𝐨𝐭𝐥𝐢𝐧𝐞: 1900 1269 hoặc 0949 232 115
🏥 LVFH Phúc Yên: Đường Hai Bà Trưng, Hùng Vương, TP. Phúc Yên, Vĩnh Phúc.     
☎ 𝐇𝐨𝐭𝐥𝐢𝐧𝐞: 0837 732 115