Nhận một trường hợp mắc Tiêu cơ vân ở bệnh nhân đang mang thai

Thứ Bảy, 14/09/2024

Bệnh nhân nữ B.T.H 31 tuổi (trú tại Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) đang mang thai lần 3 tuần thứ 8 bị đau mỏi 2 đùi, dù đã mua thuốc về tự xoa bóp nhưng không đỡ.

Bệnh nhân H. nằm điều trị tại khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện hữu nghị Lạc Việt
Bệnh nhân H. nằm điều trị tại khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện hữu nghị Lạc Việt

Từ 3 ngày trước khi nhập viện, chị H. thấy đau mỏi 2 đùi (đặc biệt là đùi phải) sau khi vận động đi lại và làm việc nhiều, kèm tiểu ít màu vàng sẫm. Chị tự mua thuốc xoa bóp các vùng đau nhưng không hiệu quả, chị đã đến Bệnh viện Lạc Việt thăm khám.

Tại đây, chị được các bác sĩ khám và làm các cận lâm sàng cần thiết. Kết quả xét nghiệm máu cho thấy men Creatinin Kinase (CK) tăng cao (trên 8000 U/ L), siêu âm thai bình thường. Tiến hành hội chẩn, các bác sĩ khoa Nội và khoa Sản kết luận chẩn đoán bệnh nhân H. bị tiêu cơ vân và được chỉ định điều trị bằng phương pháp bài niệu tích cực.

Ở ngày thứ 2, diễn biến men CK trong máu tiếp tục tăng cao (trên 10000 U/L), tuy nhiên sau đó đã giảm dần. Đồng thời, trên lâm sàng người bệnh dần ổn định: tiểu cân bằng với lượng dịch truyền, màu nước tiểu trong dần.

Sau 1 tuần điều trị, sức khỏe của cả mẹ và thai nhi đều ổn định và đủ điều kiện xuất viện trong niềm vui của cả gia đình.

Bệnh lý tiêu cơ vân

Tiêu cơ vân (TCV) là một hội chứng, trong đó các tế bào cơ vân bị tổn thương và huỷ hoại dẫn đến giải phóng một loạt các chất trong tế bào cơ vào máu: kali, axit uric, myoglobin, axit lactic, các enzym: creatine kinase (CK), AST, ALT… gây nên rối loạn nước điện giải, toan chuyển hoá, sốc, tăng kali máu, hội chứng khoang. Ngoài ra myoglobin còn làm tắc ống thận gây suy thận cấp.

Trước đây, hội chứng này được Bywater và Beall mô tả ở những nạn nhân bị bom vùi lấp tại London năm 1941 với tên gọi là “hội chứng vùi lấp”. Ban đầu, những nạn nhân này được sơ cứu và không có dấu hiệu nào cho thấy bất thường. Tuy nhiên, sau đó bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu: giảm huyết áp, mạch nhanh, trong nước tiểu thấy có myoglobin, nước tiểu ít có thể vô niệu,… Nạn nhân có thể tử vong do bệnh cảnh suy thận cấp trong vòng 10 ngày.

Vào thập niên 70 của thế kỷ trước, nhờ vào các tiến bộ của y học, người ta phát hiện thêm nhiều trường hợp có biểu hiện giống như “hội chứng vùi lấp”, nhưng không phải do nguyên nhân chấn thương. Từ đó, hội chứng vùi lấp được gọi chung với một cái tên mới là hội chứng tiêu cơ vân cấp (Rhabdomyolysis).

Nguyên nhân gây ra Hội chứng tiêu cơ vân cấp

  • Nguyên nhân ngoại khoa: chấn thương vùi lấp hoặc giập nát cơ, bỏng nhiệt, điện giật…
  • Nguyên nhân nội khoa: nhiễm nọc độc (rắn cắn, ong đốt); ngộ độc (rượu, ma túy); người bệnh hôn mê nằm bất động lâu dài; các trường hợp co giật toàn thân; hay do vận động quá mức (chạy marathon nhưng cơ thể chưa thích nghi) hoặc các trường hợp bệnh nhân dùng một số loại dược phẩm các nhóm thuốc ngủ, an thần, Rimifon, Statin, Strychnin…
  • Ngoài ra cũng có một số trường hợp do thiếu máu cục bộ cấp tính: do chèn ép, do hơi, do cục máu đông,…

Người bệnh mắc hội chứng TCV có nguy cơ cao bị biến chứng suy thận cấp nếu gặp các triệu chứng như: nước tiểu có màu đỏ nâu, sốc chấn thương, huyết áp tâm thu đo được nhỏ hơn 90mmHg, có biểu hiện suy hô hấp cấp hoặc bệnh nhân được chẩn đoán mắc tiêu cơ vân cấp và được tiến hành điều trị muộn hơn 12 giờ sau khi có những triệu chứng mắc bệnh đầu tiên.

Điều trị Tiêu cơ vân cấp

Ngoài việc tìm và xử trí các nguyên nhân gây bệnh thì chủ yếu là áp dụng phác đồ điều trị bài niệu tích cực, đảm bảo lượng nước tiểu 200 – 250 ml/ giờ, chú ý điều chỉnh điện giả Kali và Natri theo kết quả xét nghiệm.

Cần chú ý tăng gánh thể tích, thừa dịch ở người bệnh cao tuổi, có tiền sử suy tim, bệnh mạch vành cấp hoặc mạn tính.

Hiện nay, với đội ngũ y bác sĩ dày kinh nghiệm, hệ thống trang thiết bị y tế, xét nghiệm hiện đại, người bệnh có thể yên tâm điều trị bệnh lý liên quan đến cơ xương khớp tại Bệnh viện hữu nghị Lạc Việt.

——————————————–

Hệ thống Bệnh viện Lạc Việt

🏥 LVFH Vĩnh Yên: Đường Nguyễn Tất Thành, Định Trung, TP. Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc.
☎ 𝐇𝐨𝐭𝐥𝐢𝐧𝐞: 1900 1269 hoặc 0949 232 115
🏥 LVFH Phúc Yên: Đường Hai Bà Trưng, Hùng Vương, TP. Phúc Yên, Vĩnh Phúc.     
☎ 𝐇𝐨𝐭𝐥𝐢𝐧𝐞: 0837 732 115