Đo mật độ loãng xương bằng phương pháp DXA, DEXA

Thứ Năm, 08/08/2024

Đo mật độ loãng xương bằng phương pháp DXA, DEXA là một kỹ thuật hiện đại và phổ biến trong chẩn đoán loãng xương. Phương pháp này sử dụng đầu dò tia X (X-ray detector) để đo độ đậm của xương, với thời gian thực hiện khoảng 10-20 phút, tùy thuộc vào vị trí xương cần đo và loại thiết bị được sử dụng.

Đo mật độ loãng xương bằng phương pháp DXA được coi là "tiêu chuẩn vàng" trong chẩn đoán loãng xương.
Đo mật độ loãng xương bằng phương pháp DXA được coi là “tiêu chuẩn vàng” trong chẩn đoán loãng xương.

1. Đo loãng xương là gì?

Loãng xương là xương bị rối loạn chuyển hóa dẫn đến giảm khối lượng xương, thay đổi vi cấu trúc xương, làm cho xương trở nên giòn, tăng nguy cơ gãy xương. Để chẩn đoán chính xác tình trạng xương thì đo loãng xương hay còn gọi là kiểm tra mật độ xương được xem là “tiêu chuẩn vàng”.

Mật độ xương càng cao, xương càng chắc khỏe, nguy cơ gãy xương càng thấp. Ngược lại, mật độ xương thấp hơn bình thường so với độ tuổi thì nguy cơ loãng xương và gãy xương đang đe dọa đến bạn. Tình trạng loãng xương khiến cho cấu trúc xương trở nên mỏng, yếu và dễ bị gãy.

2. Phương pháp đo mật độ xương DXA

Hiện tại, đo mật độ xương bằng phương pháp DXA (Dual EnergyX-ray Absorptiometry) là phương pháp phổ biến nhất để đo loãng xương. Phương pháp này dùng tia X để đo hàm lượng Canxi và các khoáng chất khác có trong xương. Các vị trí thường được đo như: cột sống, cổ tay, hông,…

Kỹ thuật DXA được giới thiệu sử dụng vào năm 1987. Đây là một kỹ thuật không xâm nhậpan toànkhông nguy hiểm và ít độc hại, được Tổ chức Y tế Thế giới WHO đánh giá tốt, có độ chính xác cao. Lượng tia X vào cơ thể thấp hơn so với phương pháp hấp thụ photon và phương pháp chụp cắt lớp định lượng.

3. Chỉ định đo mật độ xương bằng phương pháp DXA

Bác sĩ có thể chỉ định đo độ loãng xương cho bệnh nhân trong các trường hợp sau:

  • Phụ nữ trên 65 tuổi và nam giới trên 70 tuổi;
  • Tất cả phụ nữ sau mãn kinh dưới 65 và nam giới dưới 70 có các yếu tố nguy cơ gây loãng xương;
  • Bệnh nhân có tiền sử gãy xương, gia đình có người bị gãy xương do loãng xương hoặc có nguy cơ cao về loãng xương;
  • Sử dụng steroid trong thời gian dài (từ 3 tháng trở lên);
  • Phụ nữ mãn kinh sớm (trước 45 tuổi) hoặc có các vấn đề liên quan đến kinh nguyệt kéo dài trước khi mãn kinh;
  • Có bệnh lý liên quan đến loãng xương như viêm khớp dạng thấp hoặc bệnh lý đại trạng;
  • Chỉ số khối cơ thể (body mass index – BMI) nhỏ hơn 19 – rất nhẹ cân.

Bệnh nhân chống chỉ định đo mật độ xương bằng phương pháp DXA:

  • Phụ nữ có thai;
  • Bệnh nhân vừa sử dụng các chất chứa Iod, Baryt hoặc đồng vị phóng xạ trong 7 ngày trước khi đo.

4. Quy trình đo mật độ xương bằng kỹ thuật DXA

Bước 1: Bệnh nhân được hướng dẫn nằm ngửa trên bàn đệm phẳng với tư thế duỗi thẳng hai chân, hoặc kỹ thuật viên có thể đặt dưới đầu gối bệnh nhân một gối đệm nhằm làm thẳng cột sống hay cố định hông. Ngoài ra, kỹ thuật viên có thể cố định cánh tay của bạn.

Bước 2: Một máy quét sẽ đi qua cột sống và hông dưới. Một máy quét khác được gọi là trình tạo photon sẽ được chạy ở phía dưới. Hình ảnh từ 2 máy quét này sẽ được kết hợp và gửi đến máy tính xử lý dữ liệu.

Lưu ý: Trong khi thực hiện việc đo lường, người bệnh nên nằm yên, đôi khi sẽ cần phải nín thở khi bác sĩ yêu cầu. Chụp DXA tương tự như chụp X-quang.

5. Chẩn đoán bệnh loãng xương dựa theo chỉ số T-Score

T-score là khái niệm được đưa ra để đối chiếu mật độ xương của đối tượng tại thời điểm đo với đối tượng của quẩn thể mẫu có cùng đặc điểm sinh lý khi mật độ xương đạt tối đa.

Tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh loãng xương (WHO):

  • Bình thường: T-score lớn hơn hoặc bằng -1;
  • Thưa xương: T-score lớn hơn -2,5 và nhỏ hơn -1;
  • Loãng xương: T-score nhỏ hơn hoặc bằng -2,5;
Chẩn đoán loãng xương dựa theo chỉ số T-Score
Chẩn đoán bệnh loãng xương dựa theo chỉ số T-Score

6. Lợi ích, rủi ro và hạn chế khi thực hiện kỹ thuật DXA

Lợi ích:

  • Đo độ loãng xương là kỹ thuật đơn giản, nhanh, không xâm lấn;
  • Lượng phóng xạ phóng ra là rất nhỏ, chỉ bằng 1/10 liều so với chụp X-quang ngực, phổi tiêu chuẩn;
  • Đây là kỹ thuật “chuẩn nhất” để chẩn đoán loãng xương và nguy cơ loãng xương;
  • Thủ thuật thực hiện đơn giản, nhanh chóng, không xâm lấn, không gây mê;

Rủi ro:

  • Phải được thực hiện theo chỉ định của bác sĩ trong môi trường an toàn và bởi kỹ thuật viên có kinh nghiệm.
    Phụ nữ nghi ngờ mang thai cần thông báo trước với bác sĩ.

Hạn chế:

  • Không thể dự đoán được gãy xương, nhưng có thể cung cấp nguy cơ và sử dụng nó để điều trị.
  • Hiệu quả hạn chế ở bệnh nhân có cột sống bị biến dạng hoặc đã phẫu thuật trước đó.
  • Cần thực hiện trên cùng một máy DXA để đảm bảo tính nhất quán khi so sánh kết quả.

Đo mật độ xương bằng phương pháp DXA là một công cụ quan trọng và hiệu quả trong chẩn đoán và điều trị loãng xương. Với độ chính xác cao và an toàn, đây là phương pháp được các chuyên gia y tế tin dùng để đánh giá tình trạng xương và ngăn ngừa các biến chứng liên quan đến loãng xương. Phòng khám Cơ xương khớp, Bệnh viện Hữu nghị Lạc Việt với đội ngũ y bác sĩ giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm, cùng trang thiết bị, hệ thống máy móc hiện đại, tiên tiến hàng đầu có thể sàng lọc, tầm soát và điều trị các bệnh lý về loãng xương.

——————————————–

Hệ thống Bệnh viện Lạc Việt

🏥 LVFH Vĩnh Yên: Đường Nguyễn Tất Thành, Định Trung, TP. Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc.
☎ 𝐇𝐨𝐭𝐥𝐢𝐧𝐞: 1900 1269 hoặc 0949 232 115
🏥 LVFH Phúc Yên: Đường Hai Bà Trưng, Hùng Vương, TP. Phúc Yên, Vĩnh Phúc.     
☎ 𝐇𝐨𝐭𝐥𝐢𝐧𝐞: 0837 732 115