Cấp cứu thành công người bệnh tự tử bằng thuốc diệt chuột Warfarin

Thứ tư, 19/12/2018

Vào 8h sáng ngày 17/12/2018, Khoa hồi sức tích cực Bệnh viện Hữu Nghị Lạc Việt cho biết vừa tiếp nhận trường hợp bệnh nhân sau khi uống 01 gói thuốc diệt chuột loại (Warfarin) nghi do tự độc.

                                                                                                 Ảnh minh họa

Bệnh nhân được người nhà phát hiện và đưa đến viện sớm trong những giờ đầu, sau đó các bác sĩ đã tiến hành rửa dạ dày bệnh nhân và hấp thụ độc chất bằng than hoạt.

Ngoài ra bệnh nhân còn được phát hiện đang trong tình trạng phá thai bằng nội khoa ngày thứ nhất, đối tượng nguy cơ cao biến chứng xuất huyết. Nhận định đây là tình trạng nguy kịch, các bác sĩ Khoa hồi sức cấp cứu ngay lập tức hội chẩn với các bác sĩ chuyên khoa sản và xin ý kiến Lãnh đạo bệnh viện về việc điều trị. Việc hội chẩn toàn viện diễn ra nhanh chóng. Ban lãnh đạo bệnh viện sau đó thống nhất đưa ra phương án điều trị cho bệnh nhân.

Sau 8h đầu tiên uống thuốc diệt chuột mặc dù đã được rửa dạ dày và hấp phụ than hoạt nhưng tình trạng rối loạn đông máu của bệnh nhân vẫn diễn biến tương đối phức tạp trên các xét nghiệm, tuy nhiên với kinh nghiệm điều trị, sử dụng các thuốc đối kháng kịp thời sau một vài ngày bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch.

Theo bác sĩ Chuyên khoa cấp I Kiều Văn Phóng – khoa HSCC cho biết Warfarin được biết đến là chất chống đông máu kháng Vitamin K sử dụng khá phổ biến trong y học. Nhưng bên cạnh tác dụng chính đó, warfarin còn được sử dụng trong nông nghiệp, trong đời sống với khả năng diệt chuột hiệu quả và có nhiều ưu điểm. Tuy nhiên việc sử dụng rộng rãi loại thuốc diệt chuột này cũng làm tăng nguy cơ ngộ độc cho người khi quản lý sử dụng không đúng cách, hoặc uống nhầm.

Độc tính chủ yếu của warfarin là gây xuất huyết khi sử dụng quá liều. Thông thường 1-2 ngày đầu, bệnh nhân không có biểu hiện lâm sàng. Tình trạng xuất huyết sẽ xảy ra sau 2-3 ngày, ở các mức độ khác nhau: chảy máu chân răng, chảy máu cam, chảy máu dưới kết mạc mắt, chảy máu não, chảy máu nội tạng, tụ máu trong cơ… Các triệu chứng khác có thể gặp như ý thức lơ mơ, đau đầu, rối loạn điều hòa vận động, đau bụng, buồn nôn. Nặng hơn có thể gặp tiêu cơ vân, suy hô hấp, co giật, hôn mê.

Điều trị chỉ có hiệu quả với các trường hợp được đưa đến cơ sở y tế sớm trong 6 giờ đầu với các biện pháp ngăn ngừa hấp thu như rửa dạ dày, dùng than hoạt tính và sử dụng chất giải độc đặc hiệu (vitamin K).

Nếu bệnh nhân được phát hiện và chẩn đoán muộn khi xảy ra các biến chứng chảy máu nội tạng: phổi, tiêu hóa, tiết niệu, ổ bụng, não thì tiên lượng xấu hơn rất nhiều.

“Qua trường hợp trên cho thấy tình trạng sử dụng thuốc diệt chuột không được quản lý chặt chẽ, có thể mua ở bất ký nơi nào, trong thời gian gần đây rất hay gặp, có thể ảnh hưởng đến tính mạng nếu sử dụng sai cách. Chúng tôi mong các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra và cấm lưu hành những loại hóa chất độc hại này. Người dân không vì 1 phút thiếu suy nghĩ mà ảnh hưởng đến tính mạng của mình”, bác sĩ Phóng bày tỏ.