Tiền sản giật là rối loại chức năng nhiều cơ quan liên quan đến thai nghén gây ra trong 3 tháng cuối thai kỳ (từ tuần thứ 20) đặc trưng bởi huyết áp cao và protein niệu hoặc các triệu chứng liên quan đến tổn thương các cơ quan khác như gan, thận. Tiền sản giật là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong mẹ và tử vong chu sinh nên cần được phát hiện sớm.
Sản phụ được bác sĩ thăm khám sau sinh
Ngày 24/12/2022, khoa Sản – Bệnh viện Lạc Việt tiếp nhận sản phụ 40 tuổi (trú tại Tuyên Quang) mang thai con thứ 3 ở tuần thai 40. Sản phụ đã có tiền sử đẻ thường, con to (4,6kg và 4,4kg) ở 2 lần sinh trước. Sản phụ cho biết sức khỏe bình thường trong thai kì, nay thấy mỏi, lưng, tức bụng nên vào viện khám để chờ sinh. Tuy nhiên, qua thăm khám và thực hiện các xét nghiệm, kiểm tra cho thấy sản phụ có huyết áp cao 160/90mmHg, có protein niệu trong nước tiểu, phù to toàn thân, thai to, thai nhi có dây rau cuốn cổ. Các bác sĩ chẩn đoán sản phụ bị tiền sản giật nặng và nhanh chóng điều trị bằng phác đồ hạ huyết áp, theo dõi sát sao. Ngay khi các chỉ số ở ngưỡng cho phép bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật lấy thai chủ động cho sản phụ bởi nếu sản phụ huyết áp cao có thể gây ra ngừng tim nguy hiểm cho thai nhi.
Bé trai với cân nặng 3,8kg chào đời an toàn và được bác sĩ chuyên khoa Nhi sơ sinh kiểm tra và đánh giá ngay tại phòng sinh. Sau phẫu thuật, tình trạng sức khỏe của sản phụ và em bé ổn định, tiếp tục được chăm sóc và theo dõi tại khoa.
Qua trường hợp này, BSCKI. Nguyễn Thị Diến – Phó Trưởng khoa Phụ Sản của Bệnh viện đưa ra khuyến cáo: “Bất cứ thai phụ nào cũng có nguy cơ mắc tiền sản giật. Ở một số thai phụ, tiền sản giật có thể xuất hiện và tiến triển âm thầm mà không có bất kỳ dấu hiệu nào rõ ràng. Chính vì thế, thai phụ cần khám thai định kỳ, kiểm tra huyết áp và xét nghiệm nước tiểu theo chỉ định của Bác sĩ Sản khoa để phát hiện sớm tiền sản giật, tránh những nguy cơ đáng tiếc xảy ra với cả mẹ và bé”.
Tiền sản giật có thể gây ra biến chứng như: Thai nhi tăng trưởng chậm, rau bong non, tăng nguy cơ sinh non, sinh con nhẹ cân, mẹ bầu bị bệnh lý tim mạch, tổn thương các cơ quan (gan, thận, mắt…), sản giật, mất ý thức, hôn mê nguy hiểm tính mạng nếu không được điều trị kịp thời
Những thai phụ có nguy cơ cao mắc tiền sản giật như:
– Tiền sử bản thân mắc tiền sản giật ở lần mang thai trước đó
– Tiền sử gia đình (mẹ/chị,em gái) từng bị tiền sản giật cùng là nguy cơ khiến thai phụ mắc tai biến này.
– Mang thai ở độ tuổi >40.
– Khoảng cách giữa các lần mang thai quá ngắn hoặc quá dài: Có con cách nhau dưới 2 năm hoặc hơn 10 năm.
– Mang thai lần đầu, mang thai đa thai, nhiễm trùng thai nghén.
– Béo phì, tăng cân quá mức trong thai kì.
– Thai phụ sử dụng chất kích thích như hút thuốc lá, rượu bia…
– Thai phụ có tiền sử mắc tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh thân, bệnh tự miễn như Lupus…
Tại Bệnh viện Lạc Việt, bác sĩ sẽ thực hiện các xét nghiệm nhằm kiểm tra liệu thai phụ có mắc tiền sản giật hay không bằng các phương pháp:
– Đo huyết áp: kết quả 140/90mmHg trở lên được xác định là huyết áp cao và cần được theo dõi thường xuyên.
– Xét nghiệm nước tiểu kiểm tra tỉ lệ Protein – Creatinine (chất thải do thận lọc ra)
– Xét nghiệm máu, xét nghiệm chức năng gan, thận, việc này còn giúp sàng lọc hội chứng HELLP (hội chứng thiếu máu huyết tán, tăng men gan, giảm tiểu cầu. Đây là biến thể của tình trạng tiền sản giật đe dọa nghiêm trọng sức khỏe của mẹ và bé).
– Siêu âm kiểm tra sự phát triển của thai nhi.
Sau khi kiểm tra, nếu được chẩn đoán tiền sản giật, thai phụ sẽ được bác sĩ của Bệnh viện theo dõi chặt chẽ trong suốt thời gian còn lại của thai kỳ để hạn chế tối đa biến chứng cho cả mẹ và bé.