GBS là vi khuẩn lây truyền từ mẹ sang con khi sinh, là nguyên nhân hàng đầu gây nhiễm trùng sơ sinh, có thể dẫn đến viêm phổi, nhiễm trùng huyết, viêm màng não và nhiều biến chứng nguy hiểm khác. Vậy GBS là gì? Nó ảnh hưởng thế nào đến mẹ bầu và trẻ sơ sinh? Làm sao để phát hiện và phòng ngừa hiệu quả? Hãy cùng tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây!
Liên cầu khuẩn nhóm B (GBS) là gì? Vì sao cần quan tâm?
Liên cầu khuẩn nhóm B là nhóm vi khuẩn được biết tới với tên gọi quốc tế là Group B streptococcus, viết tắt là GBS. Loại vi khuẩn này chủ yếu trú ngụ, phát triển tại đường tiết niệu, đường sinh dục hoặc đường tiêu hóa phụ nữ (20-40%).
Liên cầu khuẩn nhóm B (GBS) là nguyên nhân hàng đầu gây nhiễm khuẩn trong thai kỳ và trẻ sơ sinh, với tỷ lệ mắc và tử vong cao. Vi khuẩn này lây truyền chủ yếu từ mẹ sang con trong quá trình chuyển dạ hoặc khi ối vỡ sớm, ối vỡ non.
GBS là tác nhân gây ra nhiều bệnh lý nghiêm trọng ở trẻ sơ sinh như viêm phổi, nhiễm trùng huyết, viêm màng não,… ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ sơ sinh.
Do đó, tất cả sản phụ nên được tầm soát GBS thường quy khi thai 36 tuần đến 37 tuần 6 ngày (đối với đơn thai) hoặc 32-34 tuần (đối với đa thai).
GBS gây nguy hiểm gì cho mẹ bầu?
Theo các số liệu thống kê, vi khuẩn GBS thường xuất hiện ở phụ nữ đang mang thai và gây hại tới sức khỏe trong một thời gian dài mà không để lại bất cứ triệu chứng bất thường nào. Tuy nhiên, vi khuẩn này có thể gây:
- Nhiễm trùng đường tiết niệu
- Vỡ màng ối sớm
- Viêm nội mạc tử cung, nhiễm trùng vết mổ
- Thai chết lưu, vỡ ối sớm, sinh non
Nếu mẹ bầu có nhiễm GBS, trẻ sẽ có một tỉ lệ nhỏ bị nhiễm GBS, đôi khi dẫn đến nhiễm trùng sơ sinh nặng, thậm chí gây tử vong. Điều trị kháng sinh dự phòng trong giai đoạn chuyển dạ sẽ giúp giảm tỉ lệ lây nhiễm GBS từ mẹ sang con.
Những yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm trùng sơ sinh do liên cầu khuẩn nhóm B (GBS)
- Xét nghiệm GBS trước sinh dương tính;
- Trẻ sinh non hoặc vỡ ối non trước 37 tuần;
- Tiền sử có con bị nhiễm GBS ở lần sinh trước;
- Mẹ bầu có dấu hiệu nhiễm trùng hoặc sốt trong quá trình chuyển dạ;
- Vỡ ối kéo dài trên 24 giờ trước sinh.
Khi nào cần xét nghiệm liên cầu khuẩn GBS?
Thai phụ sẽ được chỉ định xét nghiệm GBS để tầm soát nguy cơ lây nhiễm vào các thời điểm:
- 36 – 37 tuần 6 ngày đối với đơn thai;
- 32 – 34 tuần đối với đa thai;
- Ngay khi có dấu hiệu sinh non hoặc vỡ ối non (có sự đồng thuận của thai phụ).

Phòng ngừa nhiễm liên cầu khuẩn GBS cho trẻ sơ sinh
Điều trị kháng sinh theo chỉ định nếu mẹ bị nhiễm trùng đường tiểu do GBS.
Dự phòng kháng sinh trong chuyển dạ cho các trường hợp sau:
- Thai phụ có kết quả xét nghiệm dương tính với GBS.
- Không có kết quả xét nghiệm nhưng có các yếu tố nguy cơ như vỡ ối sớm, sinh non trước 37 tuần, hoặc tiền sử sinh con nhiễm GBS.
Theo dõi trẻ sơ sinh sau sinh
- Nếu mẹ đã được tiêm kháng sinh ít nhất 4 giờ trước sinh và bé sinh đủ tháng (≥37 tuần), trẻ không cần theo dõi đặc biệt sau sinh.
- Nếu em bé có nguy cơ nhiễm GBS và mẹ chưa được tiêm kháng sinh đủ 4 giờ trước sinh, bé cần được theo dõi chặt chẽ trong ít nhất 12 giờ đầu sau sinh, bao gồm:
– Đánh giá tình trạng tổng quát;
– Theo dõi nhịp tim, nhiệt độ, nhịp thở;
– Quan sát khả năng bú và nuốt sữa; - Tỉ lệ trẻ sơ sinh bắt đầu phát triển nhiễm trùng GBS sau 12 giờ là rất thấp.
Nhiễm GBS khởi phát sớm và muộn
- GBS khởi phát sớm: Xuất hiện trong vòng 1 tuần đầu sau sinh, thường trong 12 – 24 giờ đầu.
- GBS khởi phát muộn: Mặc dù ít phổ biến hơn, nhưng có thể ảnh hưởng đến khi 3 tháng tuổi. Kháng sinh dự phòng khi chuyển dạ không ngăn ngừa được nhiễm GBS khởi phát muộn, do đó cha mẹ cần theo dõi trẻ tại nhà và liên hệ bác sĩ ngay khi có dấu hiệu bất thường.
Mẹ nhiễm GBS có thể cho con bú không?
CÓ! Các nghiên cứu cho thấy cho con bú không làm tăng nguy cơ lây nhiễm GBS, mà ngược lại còn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe của mẹ và bé.
Lời khuyên dành cho mẹ bầu:
- Xét nghiệm GBS theo khuyến cáo của bác sĩ.
- Nếu dương tính, tuân thủ hướng dẫn điều trị và dự phòng trong chuyển dạ.
- Chăm sóc sức khỏe thai kỳ toàn diện để giảm nguy cơ biến chứng.
Liên cầu khuẩn nhóm B (GBS) là một tác nhân nguy hiểm nhưng có thể phòng ngừa được nếu mẹ bầu thực hiện xét nghiệm và điều trị đúng cách. Việc tầm soát GBS định kỳ và can thiệp kịp thời giúp bảo vệ sức khỏe mẹ và bé một cách an toàn nhất.
Bệnh viện Lạc Việt với hệ thống trang thiết bị tiên tiến, hiện đại cùng đội ngũ y bác sĩ giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm luôn đồng hành cùng mẹ bầu và em bé. Không chỉ hỗ trợ xét nghiệm, điều trị kịp thời trong thai kỳ, Bệnh viện Lạc Việt còn cung cấp dịch vụ theo dõi, chăm sóc sau sinh, đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé trong những ngày đầu đời quan trọng.
——————————————–