Bệnh màng trong là căn bệnh cấp tính vô cùng nguy hiểm, được coi là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ sơ sinh, đặc biệt là trẻ non tháng. Tình trạng này xuất hiện khi phổi của trẻ chưa trưởng thành đầy đủ, dẫn đến tình trạng suy hô hấp nặng.
Bệnh màng trong là gì?
Bệnh màng trong là một bệnh phổ biến gây suy hô hấp nặng thường gặp ở trẻ sơ sinh non tháng do thiếu hụt Surfactant, là chất có tác dụng làm giảm sức căng bề mặt và duy trì tính ổn định của phế nang, ngăn ngừa xẹp các phế nang ở cuối thì thở ra. Bệnh thường gặp ở trẻ non tháng, cân nặng lúc sinh thấp, trẻ sinh mổ, trẻ được sinh ra từ mẹ bị đái tháo đường…
Ở phổi của những người bình thường, trong phế nang có chứa 1 chất làm giảm hoạt bế mặt, giúp duy trì tính ổn định của phế nang, làm cho phế nang tránh bị hẹp. Chất này được gọi là Surfactant.
Vào tuần thai thứ 20, Surfactant sẽ xuất hiện ở phổi của bào thai. Surfactant sẽ phủ vào vách trong của phế nang, có mặt trong nước ối vào tuần thai thứ 28-36.
Những trẻ đẻ non, phổi chưa trưởng thành, thiếu Surfactant sẽ khiến phế nang của trẻ bị xẹp. Điều này dẫn đến huyết tương tràn vào phế nang, fibrin trong huyết tương sẽ lắng đọng bên trong. Thêm vào đó, các tiểu phế quản tạo thành một lớp màng cản trở sự lưu thông không khí, trao đổi Oxi, khiến khí CO2 từ phế nang đi qua mao mạch dẫn đến suy hô hấp, gây tử vong nhanh.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân chính gây bệnh là do sự phát triển chưa hoàn chỉnh của phổi và thiếu hụt Surfactant.
Trẻ sinh non đặc biệt là trẻ sinh trước 28 tuần, thường thiếu hụt Surfactant, dẫn đến xẹp phổi, giảm diện tích bề mặt trao đổi khí, gây ra tình trạng thiếu Oxy máu. Hậu quả là huyết tương từ các mao mạch tràn vào phế nang, gây phù nề và cản trở hô hấp.
Bệnh màng trong ở trẻ sơ sinh được chia làm 2 nhóm chính: Bệnh màng trong nguyên phát xảy ra ở trẻ sinh non và bệnh màng trong thứ phát xuất hiện ở trẻ đủ tháng và gần đủ tháng. Tỷ lệ ghi nhận bệnh màng trong ở trẻ đủ tháng khoảng 5% và rất hiếm ở những thai kỳ trên 38 tuần. Một số những yếu tố làm tăng nguy cơ xuất hiện bệnh màng trong ở trẻ sơ sinh:
- Tăng nồng độ glucose trong máu mẹ.
- Mẹ mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ.
- Nồng độ insulin trong máu mẹ cao.
- Trẻ hít phải phân su.
- Các tình trạng viêm nhiễm tại nhu mô phổi.
- Sinh mổ.
Biểu hiện của bệnh màng trong
Trẻ thường có biểu hiện sớm sau sinh, có thể xuất hiện vài phút hoặc vài giờ sau đẻ. Nếu không điều trị tích cực, Suy hô hấp sẽ tiến triển nặng dần trong vòng 48 giờ. Tuy nhiên, nếu biểu hiện bệnh nhẹ và điều trị đúng thì sau khoảng 72 giờ các triệu chứng sẽ giảm dần.
- Trẻ có thể tím tái, thở nhanh, cánh mũi phập phồng, thở rên, rút lõm liên sườn, trên hõm ức và dưới xương sườn.
- Trẻ đang thở bình thường, đột ngột xuất hiện suy hô hấp: tím tái, trẻ thở nhanh hơn 60 lần/phút
- Trẻ co kéo cơ hô hấp thấy rõ: Hiện tượng rút lõm lồng ngực, cánh mũi phập phồng.
- Rối loạn tim mạch: mạch đập nhanh > 120 chu kỳ/phút
Trong trường hợp nặng, các dấu hiệu tím tái, khó thở tăng lên, huyết áp hạ, thân nhiệt hạ, trẻ sẽ tử vong sau vài giờ. Tuy nhiên, sau khi khỏi bệnh vẫn có thể để lại di chứng khá nặng nề: thiếu oxy não, xuất huyết não, hạ đường huyết,…
Chẩn đoán bệnh màng trong
Sau khi thăm khám lâm sàng, các bác sĩ sẽ chỉ định làm những xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết như: xét nghiệm máu, kiểm tra mức oxy máu,…
Chụp Xquang phổi với 4 giai đoạn:
- Giai đoạn I: Hình ảnh lưới hạt nhỏ rải rác, phổi nở tốt
- Giai đoạn II: Hình ảnh lưới hạt rải rác, khí phế quản đồ mức độ trung bình, giảm thể tích
- Giai đoạn III: Hình ảnh lưới hạt lan tỏa, xóa bờ tim, khí phế quản đồ nổi bật
- Giai đoạn IV: Mờ cả 2 bên phổi (phổi trắng xóa)
Phương pháp điều trị
Hiệu quả của việc điều trị bệnh màng trong ở trẻ sơ sinh phụ thuộc vào thời điểm phát hiện bệnh để điều trị. Trẻ phát hiện càng sớm ngay sau sinh làm tăng tỷ lệ điều trị thành công.
Phương pháp điều trị đặc hiệu của bệnh màng trong là bổ sung surfactant chủ động ở những trường hợp có nguy cơ cao. Surfactant sử dụng có nguồn gốc từ tự nhiên hoặc tổng hợp, sử dụng qua đường nội khí quản đến 2 phổi.
Khi tình trạng suy hô hấp xảy ra, trẻ cần ngay lập tức hỗ trợ bằng thở oxy qua các dụng cụ khác nhau. Thở máy cần được chỉ định khi suy hô hấp trở nên nặng nề, không đáp ứng thở oxy. Rối loạn thăng bằng toan kiềm cần được điều chỉnh để duy trì pH máu ở mức 7.25.
Ngoài ra, các phương pháp điều trị hỗ trợ khác bao gồm ổm định thân nhiệt, bổ sung đủ năng lượng và các chất dinh dưỡng, cân bằng điện giải cần được duy trì.
Khoa Hồi sức cấp cứu Nhi – Sơ sinh, Bệnh viện hữu nghị Lạc Việt với hệ thống trang thiết bị hiện đại, đội ngũ y bác sĩ chuyên môn sâu, giàu kinh nghiệm sẵn sàng tiếp nhận thăm khám và điều trị các bệnh lý mà trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ mắc phải: sốt virus, sốt vi khuẩn, viêm đường hô hấp trên,…
——————————————–