Vai trò xạ trị trong điều trị ung thư?

Thứ Sáu, 09/05/2025

Hiện nay, y học hiện đại có nhiều phương pháp điều trị ung thư, trong đó ba phương pháp chính được áp dụng phổ biến nhất là phẫu thuật, hóa trị và xạ trị. Trong ba phương pháp này, xạ trị đóng vai trò đặc biệt quan trọng, giúp tiêu diệt tế bào ung thư bằng cách sử dụng các tia năng lượng cao. Theo thống kê, có đến 50 – 60% bệnh nhân ung thư được chỉ định xạ trị tại một thời điểm nào đó trong quá trình điều trị.

Vai trò Xạ trị trong điều trị Ung thư.
Vai trò Xạ trị trong điều trị Ung thư.

Xạ trị ung thư là gì?

Xạ trị (radiotherapy) là phương pháp sử dụng tia bức xạ năng lượng cao như tia X, tia gamma, chùm điện tử hoặc proton để tiêu diệt hoặc làm tổn thương DNA của tế bào ung thư. Từ đó ngăn chặn sự phát triển và phân chia của chúng. Đây là phương pháp điều trị tại chỗ, chủ yếu tác động đến vùng có khối u mà không ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể như hóa trị.

Tế bào bình thường trong cơ thể có khả năng tự sửa chữa sau tổn thương do tia xạ, trong khi tế bào ung thư không có khả năng này, từ đó dẫn đến tế bào ung thư bị chết, trong khi các tế bào lành có thể hồi phục.

Các bác sĩ chuyên ngành ung thư và xạ trị sẽ lập kế hoạch, lên phác đồ điều trị để tiêu diệt khối u, đồng thời hạn chế các tác dụng phụ lên các cơ quan lành lân cận.

Vai trò xạ trị ung thư theo từng giai đoạn bệnh

Giai đoạn bệnh

Mục tiêu

Giai đoạn sớm Điều trị triệt để, thay thế phẫu thuật
Trước phẫu thuật Giảm kích thước khối u
Sau phẫu thuật Diệt tế bào ung thư còn sót, ngăn tái phát
Kết hợp hóa trị Tăng hiệu quả điều trị bằng hóa xạ trị đồng thời
Di căn hoặc giai đoạn muộn Giảm triệu chứng, cải thiện chất lượng sống

(Đau do di căn xương, di căn não,…)

Dự phòng di căn Tiêu diệt tế bào ung thư tiềm ẩn
Cấp cứu Giải quyết tình trạng đe dọa tính mạng

(Chèn ép tủy, tĩnh mạch chủ trên,…)

Vai trò xạ trị trong điều trị ung thư

1. Điều trị triệt để hoặc thay thế phẫu thuật

Với một số loại ung thư nhạy cảm với tia xạ như ung thư vòm họng, ung thư cổ tử cung, ung thư tuyến tiền liệt… xạ trị có thể được sử dụng như liệu pháp chính nhằm điều trị triệt để khối u, đặc biệt khi phẫu thuật không khả thi do vị trí khối u phức tạp hoặc thể trạng bệnh nhân không cho phép.

2. Kết hợp trong điều trị đa mô thức

Với bệnh nhân ung thư, các bác sĩ thường sẽ lên phác đồ kết hợp điều trị các phương pháp với nhau, được gọi là điều trị đa mô thức. Trong đó, xạ trị thường được kết hợp cùng với phẫu thuật và hóa trị để nâng cao hiệu quả điều trị. Trong các trường hợp khối u lớn, xâm lấn mô xung quanh, xạ trị trước phẫu thuật (xạ trị tân bổ trợ) giúp thu nhỏ kích thước khối u, tăng khả năng bảo tồn mô và cải thiện kết quả phẫu thuật.

Sau phẫu thuật, xạ trị bổ trợ được áp dụng nhằm tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại, giảm nguy cơ tái phát.

Xạ trị là một trong những phương pháp quan trọng trong phác đồ điều trị đa mô thức.
Xạ trị là một trong những phương pháp quan trọng trong phác đồ điều trị đa mô thức.

3. Điều trị dự phòng

Ở một số loại ung thư có nguy cơ di căn cao như ung thư phổi tế bào nhỏ, xạ trị được chỉ định dự phòng cho các cơ quan có nguy cơ xuất hiện tế bào ung thư tiềm ẩn, chẳng hạn như xạ trị não dù chưa có dấu hiệu tổn thương rõ ràng trên hình ảnh học. Mục tiêu là tiêu diệt sớm các tế bào ung thư tiềm ẩn, ngăn chặn hình thành khối u thứ phát.

4. Điều trị triệu chứng (xạ trị giảm nhẹ)

Với các trường hợp ung thư giai đoạn tiến triển hoặc không còn khả năng điều trị triệt để, xạ trị giúp giảm nhẹ triệu chứng, nâng cao chất lượng cuộc sống. Xạ trị có thể được chỉ định để:
• Làm nhỏ khối u gây chèn ép gây khó thở, khó nuốt, tắc nghẽn đường ruột;
• Giảm đau do di căn xương;
• Giảm xuất huyết do u xâm lấn mạch máu;
• Điều trị di căn não gây đau đầu, co giật;

5. Xạ trị cấp cứu

Trong những tình huống nguy cấp như chèn ép tủy sống, hội chứng tĩnh mạch chủ trên, xạ trị được chỉ định cấp tốc nhằm giải phóng chèn ép, ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm và phục hồi chức năng cho bệnh nhân.

Khi nào nên tiến hành xạ trị để đạt hiệu quả tối ưu?

Xạ trị sẽ phát huy hiệu quả tốt nhất khi được thực hiện đúng thời điểm, đúng chỉ định và được cá thể hóa theo từng trường hợp cụ thể. Các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định thời điểm xạ trị bao gồm:

  • Loại ung thư: Có loại nhạy cảm với tia xạ, có loại kháng xạ;
  • Giai đoạn bệnh: Ung thư khu trú, tiến triển hay đã di căn;
  • Tình trạng sức khỏe tổng thể: Đảm bảo bệnh nhân đủ sức khỏe để tiếp nhận điều trị;
  • Kế hoạch điều trị tổng thể: Xạ trị là phương pháp chính hay phối hợp với hóa trị/phẫu thuật;

Quyết định xạ trị cần được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa ung bướu – xạ trị, dựa trên các kết quả chẩn đoán hình ảnh, mô bệnh học và các yếu tố liên quan khác. Việc lựa chọn thời điểm và phương pháp xạ trị phù hợp sẽ giúp tối đa hóa hiệu quả điều trị, hạn chế tác dụng phụ và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.

Kỹ sư vật lý xạ trị kết hợp cùng bác sĩ chuyên khoa Ung bướu để đưa ra phác đồ xạ trị cho bệnh nhân.
Kỹ sư vật lý xạ trị kết hợp cùng bác sĩ chuyên khoa Ung bướu để đưa ra phác đồ xạ trị cho bệnh nhân.

Xạ trị ung thư ngày nay không chỉ là một phương pháp điều trị hỗ trợ, mà còn giữ vai trò then chốt trong toàn bộ quá trình điều trị ung thư. Tùy vào loại và giai đoạn bệnh, xạ trị có thể được chỉ định đơn lẻ hoặc phối hợp với các phương pháp khác nhằm đạt hiệu quả điều trị cao nhất. Nhờ sự phát triển của công nghệ xạ trị hiện đại – như xạ trị định vị hình ảnh (IGRT), xạ trị điều biến liều (IMRT), xạ trị proton… – việc điều trị ngày càng chính xác, ít tác dụng phụ và phù hợp với từng người bệnh hơn bao giờ hết.

Liên hệ ngay hotline 1900 1269 để được nghe tư vấn từ các bác sĩ chuyên khoa ung bướu tại Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Hữu nghị Lạc Việt, từ đó hiểu rõ hơn về vai trò xạ trị và đưa ra quyết định điều trị phù hợp, kịp thời.

——————————————–

Hệ thống Bệnh viện Lạc Việt

🏥 LVFH Vĩnh Yên: Đường Nguyễn Tất Thành, Định Trung, TP. Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc.
☎ 𝐇𝐨𝐭𝐥𝐢𝐧𝐞: 1900 1269 hoặc 0949 232 115
🏥 LVFH Phúc Yên: Đường Hai Bà Trưng, Hùng Vương, TP. Phúc Yên, Vĩnh Phúc.     
☎ 𝐇𝐨𝐭𝐥𝐢𝐧𝐞: 0837 732 115