Ung thư phổi là căn bệnh nguy hiểm hàng đầu trên thế giới với hơn 2 triệu người mắc mới mỗi năm, và hơn 1 triệu người tử vong. Tại Việt Nam, ung thư phổi thường được phát hiện ở giai đoạn muộn, có đến 62,5% không còn khả năng phẫu thuật, tỷ lệ tử vong cao, đứng thứ 2 chỉ sau ung thư gan.
Ung thư phổi là gì?
Ung thư phổi là một bệnh lý ác tính do sự phân chia mất kiểm soát của các tế nào bất thường trong phổi. Các tế bào ác tính không ngừng phân chia tạo thành các nốt, khối u khiến phổi không thể hoạt động bình thường. Hai lá phổi trong lồng ngực có chức năng hấp thụ oxy khi hít vào và thải CO2 khi thở ra. Ung thư phổi gặp ở cả nam và nữ giới.
U phổi ác tính được chia thành hai loại chính:
- Ung thư phổi tế bào nhỏ: Đây là dạng ít phổ biến hơn, nhưng tiến triển nhanh, thường di căn nhanh chóng. Loại này thường gặp ở những người hút thuốc nhiều, lâu năm.
- Ung thư phổi không tế bào nhỏ: Đây là dạng gặp phổ biến nhất, chiếm khoảng 85%. Trong đó bao gồm Ung thư biểu mô tuyến, ung thư biểu mô tế bào vảy và ung thư biểu mô tế bào lớn.
Nguyên nhân gây bệnh Ung thư phổi
- Hút thuốc lá: Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ung thư phổi. Người bắt đầu hút thuốc càng lâu, hút càng nhiều thì nguy cơ mắc ung thư phổi càng cao. Nguy cơ này cũng tương tự ở những người hút thuốc thụ động: ngồi cạnh người hút thuốc, thường xuyên hít phải khói thuốc,…
- Tiếp xúc với các hóa chất như amiang, thạch tín, khí thải diesel, crom, hắc ín,… đặc biệt là radon tại nơi làm việc hoặc sinh sống.
- Tiếp xúc với phóng xạ, bức xạ, từ trường, không khí ô nhiễm,…
- Từng xạ trị vú hoặc vùng ngực
- Yếu tố di truyền
- Bệnh phổi mạn tính
Triệu chứng mắc bệnh Ung thư phổi
Biểu hiện ban đầu thường là:
- Ho kéo dài
- Ho có đờm hoặc ra máu;
- Ngực đau trầm trọng khi thở sâu, cười hoặc ho;
- Khàn tiếng;
- Hụt hơi;
- Thở khò khè
- Suy nhược và mệt mỏi
- Chán ăn dẫn đến sụt cân
Ở giai đoạn đầu ung thư phổi, người bệnh có thể bị nhiễm trùng đường hô hấp tái phát như viêm phổi hoặc viêm phế quản kèm theo. Khi khối u lan rộng, một loạt các triệu chứng khác sẽ xuất hiện, phụ thuộc vào vị trí khối u mới hình thành.
Nếu khối u xuất hiện ở hạch bạch huyết, người bệnh có hiện tượng nổi u, đặc biệt là ở cổ hoặc xương đòn; hay ở não, cột sống thì sẽ xuất hiện các triệu chứng như nhức đầu, chóng mặt, dễ mất thăng bằng hoặc tê bì tay chân, hoặc thực quản gây khó nuốt,…
Biến chứng của ung thư phổi
Ung thư đường hô hấp có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng như:
- Khó thở: Do tế bào ác tính phát triển làm tắc nghẽn các đường hô hấp chính. Ung thư phổi khiến các chất lỏng tích tụ xung quanh phổi, làm cơ quan này khó giãn nở hoàn toàn khi hít vào.
- Ho ra máu: Bệnh có thể gây chảy máu đường hô hấp, gây ra tình trạng ho ra máu
- Tràn dịch màng phổi: Do chất lỏng tích tụ quá mức trong khoang màng phổi, tràn ra cả không gian bao quanh phổi.
- Di căn: Khối u di căn đến các bộ phận khác của cơ thể khiến các bộ phận như não, xương,.. bị tổn thương nặng nề gây ra những cơn đau, buồn nôn,…Mọi phương pháp điều trị chỉ nhằm làm giảm triệu chứng, kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân.
Các giai đoạn của Ung thư phổi
Trong thực hành lâm sàng, ung thư phổi tế bào nhỏ được chia làm 2 giai đoạn chính:
- Giai đoạn khu trú: Tế bào ung thư xuất hiện ở một bên phổi và các hạch bạch huyết cùng bên với phổi có u.
- Giai đoạn lan tràn: Tế bào ugn thư lan sang đối bên phổi có u, lan rộng ra ngoài phổi, di căn đến các cơ quan khác: não, gan, xương,…
Giai đoạn bệnh ung thư phổi không tế bào nhỏ:
- Giai đoạn 0 – tại chỗ: Ung thư nằm ở lớp lót trong cùng của phổi, phế quản, chưa lan sang các phần khác.
- Giai đoạn I: Ung thư khu trú 1 bên của phổi, chưa lan ra ngoài, có thể tiến hành phẫu thuật cắt bỏ.
- Giai đoạn II: Tế bào ung thư lan đến các hạch bạch huyết cùng bên có u hoặc nhiều u trong cùng 1 thùy của phổi, chưa ghi nhận di căn cơ quan khác
- Giai đoạn III: Tế bào ung thư đã lan đến các hạch hoặc cấu trúc lân cận, có nhiều khối u ở một thùy khác của cùng một phổi.
- Giai đoạn IV: Ung thư đã lan sàng phổi còn lại, tràn dịch màng phổi, tràn dịch màng tim, hoặc di căn các cơ quan khác ở xa.
Tiên lượng sống của ung thư phổi
Có sự khác biệt giữa tỷ lệ sống sau 5 năm của ung thư phổi tế bào nhỏ và ung thư phổi tế bào không nhỏ.
- Theo thống kê, tỷ lệ sống sau 5 năm ở bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ khoảng 22,9%. Ung thư phổi phát hiện càng sớm, cơ hội sống sau 5 năm từ lúc chẩn đoán càng cao. Tuy nhiên, chỉ khoảng 20,7% bệnh nhân được chẩn đoán ở giai đoạn ung thư khu trú. Tỷ lệ sống sau 5 năm đối với những bệnh nhân phát hiện ở giai đoạn này lên tới 62,8%.
- Trong khi đó, tiên lượng sống sau 5 năm đối với bệnh nhân ung thư phổi tế bào nhỏ chỉ từ 6-8% (ở Hoa kỳ). Nếu tế bào ung thư khu trú tại phổi thì tỷ lệ sống sau 5 năm là 30%. Khi bệnh ở giai đoạn tiến xa, tiên lượng sống sau 5 năm giảm dần từ 18% xuống chỉ còn 3%.
Chẩn đoán Ung thư phổi
Các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh giúp xác định bệnh nhân mắc ung thư phổi bao gồm:
- Sinh thiết
- Chụp X-quang phổi: Đây là phương pháp đơn giản nhất, có thể thực hiện để đánh giá các nốt – khối bất thường trong phổi.
- Chụp cắt lớp vi tính CT-Scan: Danhd giá kích thước, vị trí của khối u. mức độ xâm lấn của các cơ quan lân cận, phát hiện sự lan rộng đến các hạch bạch huyết và các cơ quan.
- Chụp PET-CT: Kỹ thuật nhằm đánh giá hoạt động các tế bào ung thư bằng sử dụng một chất phóng xạ. Các tế bào ung thư sẽ hấp thụ nhiều chất phóng xạ hơn tế bào bình thường, sáng hơn trên hình ảnh PET-CT.
Phương pháp điều trị ung thư phổi
Hiện nay có nhiều phương pháp điều trị ung thư phổi. Tuy nhiên việc điều trị theo phương pháp nào còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như loại ung thư, giai đoạn bệnh, tình hình phát triển,…
-
Phẫu thuật:
Đây là phương pháp điều trị để triệt căn, đặc biệt là với những trường hợp được chẩn đoán ung thư phổi ở giai đoạn sớm. Tuy nhiên ở nước ta, số trường hợp được phát hiện sớm là rất ít. Nên phương pháp này thường ít được thực hiện, hiệu quả không tốt như kỳ vọng.
-
Xạ trị:
Đây là phương pháp khá phổ biến, thường được sử dụng điều trị ung thư phổi trong trường hợp khối u to, nhưng chưa lan sang các cơ quan khác. Xạ trị sử dụng các máy chiếu tia năng lượng cao (tia X, tia gamma, proton,…) để tiêu diệt tế bào ung thư, phá hủy khối u và khiến cho khối u phát triển chậm hơn.
-
Hóa trị:
Điều trị hóa chất chủ yếu được áp dụng cho những bệnh nhân đã bước sang giai đoạn muộn, khi tế bào lây lan rộng. Hóa trị giúp tiêu diệt tế bào ung thư và ngăn chặn di căn ung thư. Ngoài ra, hóa trị cũng được sử dụng kết hợp với một vài liệu pháp khác như phẫu thuật, xạ trị,…
-
Điều trị đích:
Ung thư phổi không tế bào nhỏ liên quan tới các đột biến gen, được xác định thông qua các xét nghiệm sinh học phân tử. Từ đó, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân sử dụng thuốc điều trị nhắm trúng đích để tiêu diệt các tế bào ung thư và ít ảnh hưởng tới tế bào lành, ít gây tác dụng phụ.
-
Điều trị miễn dịch:
Phương pháp này giúp tạo miễn dịch chủ động cho cơ thể, có khả năng tiêu diệt các tế bào ung thư nhờ phát hiện ra các điểm kiểm soát tế bào ung thư.
——————————————–