Basedow là nguyên nhân phổ biến nhất gây cường giáp, chiếm tỉ lệ hơn 90% các trường hợp cường giáp. Độ tuổi thường hay gặp nhất ở từ 20-50 tuổi, ở nữ giới. Theo nghiên cứu của Wickham, tỉ lệ mắc bệnh khoảng 100-200/100.000 dân mỗi năm. Hiện nay ở Việt Nam chưa có con số thống kê cụ thể.
1. Basedow là bệnh gì?
Basedow (Cường chức năng tuyến giáp) là một dạng bệnh nội tiết. Cơ chế gây nên bệnh Basedow là do hệ thống miễn dịch tạo ra các kháng thể Globulin miễn dịch kích thích tuyến giáp. Những kháng thể này sau khi được gắn vào các tế bào tuyến giáp khỏe mạnh khiến tuyến giáp tạo ra nhiều hormone tuyến giáp. Dẫn đến nhiều vấn đề trong cơ thể, như ảnh hưởng chức năng hệ thần kinh, phát triển não, nhiệt độ cơ thể và các chức năng khác của cơ thể.
Để xác định người bệnh có mắc bệnh Basedow không, các bác sĩ thường chỉ định làm xét nghiệm TRAb. Đây là phương pháp xét nghiệm có độ chính xác cao nhằm chẩn đoán và điều trị bệnh Basedow.
- Xét nghiệm TRAb sẽ xác định nồng độ TRAb trong máu. Dựa vào nồng độ này để đánh giá bệnh nhân có tồn tại tự kháng thể TRAb không. Từ đó sẽ xác định được bệnh nhân mắc bệnh Basedow không.
2. Nguyên nhân gây bệnh
Với một cơ thể khỏe mạnh thì vùng dưới đồi và tuyến yên trong não làm việc cùng nhau để kiểm soát việc sản xuất hormone tuyến giáp. Khi hormone tuyến giáp ít, vùng dưới đồi “báo hiệu” cho tuyến yên tiết ra hormone kích thích tuyến giáp để luôn duy trì hormone tuyến giáp ở mức tốt nhất.
Nhưng khi người bệnh bị bệnh Basedow, cơ thể không thể phân biệt được sự khác biệt giữa cuộc tấn công và các thông điệp truyền đi qua các thụ thể giống nhau. Điều này dẫn đến, hệ thống miễn dịch tấn công lại các thụ thể hormone kích thích tuyến giáp tạo ra và không thể tạo ra đủ lượng hormone cần thiết.
Các nhà khoa học tìm thấy ở người bệnh Basedow tuyến giáp có sự hiện diện của các kháng thể kích thích tuyến giáp sản xuất hormone tuyến giáp quá mức.
3. Yếu tố nguy cơ gây bệnh Basedow
Bệnh Basedow không có nguyên nhân, song tồn tại một số yếu tố nguy cơ cho sự xuất hiện của bệnh:
- Yếu tố gen, di truyền:
Các thành viên trong gia đình người bệnh có thể mắc một số bệnh tự miễn như viêm tuyến giáp Hashimoto, đái tháo đường typ 1, bệnh thiếu máu,… Bệnh di truyền theo dòng gái. Người mắc bệnh Basedow và những người có quan hệ huyết thống trực hệ có nguy cơ mắc các bệnh tự miễn khác lên đến 11,6%. Đối với cặp sinh đôi, khi một trong hai đứa mắc bệnh Basedow thì đứa trẻ còn lại được chứng minh có nguy cơ mắc bệnh lên đến 20-30%.
- Stress: Yếu tố stress được xem như là yếu tố quan trọng trong khởi phát, kéo dài, tái phát bệnh thông qua việc ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống thần kinh – nội tiết và hệ thống miễn dịch.
- Nữ giới sau tuổi dậy thì: Nữ có tỉ lệ mắc bệnh cao hơn nam giới với tỷ lệ dao động 7-10 nữ/1 nam. Hormone sinh dục nam testoterone làm giảm nguy cơ mắc các bệnh lý tự miễn tuyến giáp. Trong khi estrogen có tác dụng kích thích hệ miễn dịch và tế bào lympho B.
- Thai sản: Có thai hoặc thời kỳ hậu sản là thời điểm thường thấy phát hiện các bệnh lý tự miễn tuyến giáp.
- Nhiễm phóng xạ
- Sử dụng Iod hoặc thuốc có chứa Iod như amiodaron
4. Biểu hiện lâm sàng khi mắc bệnh Basedow
Bệnh Basedow thường diễn tiến âm thầm, không đặc trưng. Thường khởi bệnh sau 6-12 tháng trước khi được chẩn đoán. Các triệu chứng thường tỉ lệ với nồng độ Hormone tuyến giáp.
Trong số các cơ quan bị ảnh hưởng, rõ nét nhất là hệ thần kinh, tim mạch, tuyến giáp, mắt, da và cơ, một số tuyến nội tiết và rối loạn chuyển hóa, điều hòa thân nhiệt.
Rối loạn chuyển hóa và điều hòa thân nhiệt
- Người bệnh thường có biểu hiện uống nhiều, khát, ăn nhiều, mau đói, gầy sút cân. Luôn có cảm giác nóng bức, ra nhiều mồ hôi, có thể sốt nhẹ 37,5 – 38 độ C. Lòng bàn tay ấm, ẩm ướt, mọng nước.
- Khoảng 50% trường hợp tiêu chảy không kèm đau quặn với số lượng 5-10 lần/ngày do tăng nhu động ruột và giảm tiết các tuyến của ống tiêu hóa.
Biểu hiện về tim mạch
- Hội chứng tim tăng động: Hồi hộp đánh trống ngực, nhịp tim nhanh, thường xuyên gặp ở hầu hết người bệnh.
- Hội chứng suy tim: Thường xuất hiện ở người bệnh cao tuổi, có bệnh tim mạch trước đó, nhiễm độc hormone nặng.
- Rung nhĩ: biến chứng hay gặp do nhiễm độc giáp, có thể khiến người bệnh Basedow hình thành huyết khối nhĩ trái gây tắc mạch não.
- Hội chứng suy vành: thường gây ra cơn đau thắt ngực
Biểu hiện thần kinh – tinh thần – cơ
- Thường biểu hiện bằng tình trạng bồn chồn, tính tình thay đổi, dễ cáu gắt, xúc động, giận dữ.
- Có thể đau đầu, chóng mặt, sợ ánh sáng, rối loạn giấc ngủ, mệt mỏi, giảm khả năng lao động.
- Rối loạn vận mạch như đỏ mặt từng lúc, toát mồ hôi.
- Run tay tần số cao, biên độ nhỏ, thường ở đầu ngón, có thể run lưỡi, môi, đầu, chân.
- Rối loạn tâm thần có thể xảy ra nhưng rất hiếm, có thể có cơn kích động hoặc lú lẫn, hoang tưởng.
- Tổn thương cơ biểu hiện ở các mức độ khác nhau như mỏi cơ, yếu cơ, nhược cơ hoặc liệt cơ chu kì. Tổn thương cơ hay gặp ở người bệnh nam, tiến triển từ từ, nặng dần. Khi kết hợp với bệnh nhược cơ thì yếu cơ xuất hiện ở các cơ vận động nhãn cầu, cơ nhai, nuốt, nói. Nếu bệnh nặng có thể liệt cơ hô hấp. Liệt cơ chu kì có thể xuất hiện từ vài giờ đến vài ngày, có thể kèm theo giảm nồng độ kali huyết.
Bướu tuyến giáp
- Tuyến giáp to ở các mức độ khác nhau, có đặc điểm bướu lan tỏa (đôi khi hỗn hợp), mật độ mềm, thùy phải thường lớn hơn thùy trái, không có biểu hiện của viêm tuyến giáp trên lâm sàng
Bệnh mắt do Basedow
Khoảng 50% người bệnh Basedow có biểu hiện bệnh mắt trên lâm sàng. Bệnh mắt là biểu hiện điển hình, đặc trưng của cơ chế tự miễn ở người bệnh Basedow. Lồi mắt có thể xuất hiện cả hai bên, cân xứng hoặc không. 10-20% trường hợp lồi mắt một bên. Triệu chứng bệnh mắt do Basedow:
- Cảm giác chói mắt, cộm như có bụi bay vào mắt hoặc đau nhức hố mắt, chảy nước mắt.
- Lồi mắt có thể kèm theo phù nề mi mắt, kết mạc, giác mạc, sung huyết giác mạc, đau khi liếc mắt hoặc xuất hiện nhìn đôi (song thị).
- Nếu lồi mắt mức độ nặng có thể tổn thương giác mạc, dây thần kinh thị giác gây mất thị lực (mù).
Biến đổi chức năng một số tuyến nội tiết
- Rối loạn chức năng tuyến nội tiết sinh dục ở nữ gây rối loạn chu kì kinh nguyệt. Bệnh nặng có thể teo tử cung, buồng trứng hoặc tuyến sữa. Có thể sảy thai hoặc vô sinh. Nếu bệnh xuất hiện ở tuổi dậy thì thì người bệnh thường chậm xuất hiện kinh nguyệt và các biểu hiện sinh dục thứ phát. Ở người bệnh nam xuất hiện giảm ham muốn tình dục, vú to hoặc chảy sữa.
- Rối loạn chức năng tuyến thượng thận. Nếu bệnh nặng, kéo dài có thể gây giảm chức năng tuyến thượng thận với biểu hiện giảm tổng hợp, giải phóng hormon corticoid dẫn đến cảm giác mệt mỏi, vô lực, xạm da, hạ huyết áp.
- Cường sản tuyến ức và hệ thống lympho (hạch, lách) hay gặp ở người bệnh tuổi thiếu niên, dậy thì hoặc bệnh mức độ nặng.
Một số biểu hiện khác hiếm gặp
- Phù niêm trước xương chày gặp ở 5-10% trường hợp do thâm nhiễm da.
- Bệnh to đầu chi do tuyến giáp – thyroid acropachy, biểu hiện bằng phì đại đầu ngón chân, tay, đôi khi có ngón tay dùi trống, thường gặp ở người bệnh có phù niêm trước xương chày hoặc lồi mắt.
- Vết bạch biến ở da, viêm quanh khớp vai.
5. Biến chứng của bệnh Basedow
Basedow là căn bệnh nguy hiểm, có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh. Nhất là biến chứng liên quan đến tim mạch và thai kỳ.
– Về chu kỳ kinh nguyệt, khả năng sinh sản và mang thai, đặc biệt là vấn đề thai kỳ:
Các biến chứng có thể xảy ra của bệnh Basedow khi mang thai bao gồm: sảy thai, sinh non, rối loạn chức năng tuyến giáp của thai nhi, thai nhi phát triển kém, suy tim ở mẹ và tiền sản giật. Tiền sản giật là một tình trạng của người mẹ dẫn đến huyết áp cao và các dấu hiệu, triệu chứng nghiêm trọng khác.
– Về vấn đề tim mạch:
Nếu không được điều trị, bệnh Basedow có thể dẫn đến rối loạn nhịp tim, thay đổi cấu trúc, chức năng của cơ tim, khiến tim không bơm đủ máu để nuôi dưỡng cơ thể. Nhịp tim nhanh, không đều có thể dẫn đến cục máu đông, đột quỵ, suy tim và các vấn đề khác liên quan đến tim. Đặc biệt là xuất hiện cơn bão giáp trạng đây là một biến chứng ít gặp nhưng rất nguy hiểm, có thể đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng của người bệnh.
Ngoài ra còn có một số biến chứng khác:
- Viêm gan do loạn dưỡng sau đó có thể xơ gan.
- Song thị, mất thị lực (mù) do lồi mắt.
- Suy giáp hoặc ung thư hóa liên quan đến điều trị.
6. Cách phòng tránh bệnh Basedow
Hiện nay, không có phương pháp nào có thể ngăn chặn tình trạng này. Tuy nhiên, người bệnh đã được chẩn đoán mắc bệnh Basedow nên tuân thủ một số biện pháp sau để làm giảm nguy cơ tái phát bệnh:
– Thường xuyên tập thể dục, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng nâng cao thể trạng sức khỏe, tăng cường sức đề kháng và miễn dịch cơ thể;
– Hạn chế thực phẩm chứa nhiều iod, không sờ nắn, tác động nhiều ở vùng tuyến giáp;
– Không hút thuốc lá, tránh sử dụng chất kích thích hay hóa chất độc hại ảnh hưởng tới hệ hô hấp;
– Giữ tinh thần thoải mái, suy nghĩ tích cực, tránh căng thẳng mệt mỏi, buồn phiền về cả thể chất và tinh thần.
– Điều trị bệnh dứt điểm trước khi mang thai vì thai sản là yếu tố nguy cơ làm bệnh nặng thêm;
– Tuân thủ điều trị và tái khám thường xuyên theo lịch hẹn.
——————————————–