Tuyến giáp: Các bệnh lý thường gặp, nguyên nhân và cách phòng tránh

Thứ Tư, 17/07/2024

Tuyến giáp, một tuyến nội tiết nhỏ nằm ở cổ, đóng vai trò thiết yếu trong việc điều hòa nhiều chức năng quan trọng của cơ thể thông qua việc sản xuất hormone. Tuy nhiên, tuyến giáp cũng dễ mắc phải nhiều bệnh lý khác nhau, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Từ các rối loạn chức năng như suy giáp và cường giáp đến các bệnh lý nghiêm trọng như ung thư tuyến giáp.

Tuyến giáp dễ mắc phải nhiều bệnh lý khác nhau, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Tuyến giáp dễ mắc phải nhiều bệnh lý khác nhau, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh.

1. Vị trí và cấu tạo của tuyến giáp

Tuyến giáp nằm ở phía trước cổ, bên dưới thanh quản và bên trên khí quản. Hình dạng của tuyến giáp giống như hình con bướm, với 2 thùy quấn trái và phải, được nối với nhau bởi eo tuyến giáp.

Biểu mô tuyến giáp có hình lập phương hoặc hình trụ, giúp hình thành các nang chứa đầy chất keo – một kho chứa protein và các nguyên liệu cần thiết cho quá trình sản xuất hormon tuyến giáp. Các nang có kích thước từ 0,02-0,3mm. Khoảng trống giữa các nang có thể tìm thấy các tế bào cận nang.

2. Chức năng của tuyến giáp

Tuyến giáp tạo và tiết ra 4 kích thích tố quan trọng

  • Thyroxine (T4): Hormon chính được tuyến giáp tạo ra và giải phóng vào máu. T4 có thể chuyển thành T3 thông qua quá trình khử Iod.
  • Triiodothyronine (T3): Tuyến giáp sản xuất lượng T3 ít hơn so với T4, nhưng T3 ảnh hưởng nhiều hơn đến quá trình trao đổi chất.
  • Triiodothyronine đảo ngược (RT3): làm đảo ngược tác dụng T3, tuy nhiên tuyến giáp tạo ra một lượng rất nhỏ RT3.
  • Calcitonin: Hormon giúp điều chỉnh lượng canxi trong máu.

Hormone tuyến giáp tác động trên nhiều cơ quan

Hormone tuyến giáp là một dạng ngôn ngữ chứa thông điệp di chuyển theo máu đến các cơ quan nhằm điều phối chức năng hoạt động của cơ thể.

  • Ảnh hưởng đến hầu hết mọi hệ thống cơ quan trong cơ thể: tim, hệ thống thần kinh trung ương, xương, chỉ số đường huyết, trao đổi chất,…
  • Điều chỉnh tốc độ sử dụng calo của cơ thể, ảnh hưởng đến tỷ lệ trao đổi chất, ảnh hưởng lớn đến việc tăng, giảm cân;
  • Làm tăng hoặc chậm nhịp tim;
  • Làm tăng hoặc giảm nhiệt độ cơ thể;
  • Quyết định tốc độ di chuyển của thức ăn qua đường tiêu hóa;
  • Ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ;
  • Kiểm soát cách cơ bắp co lại;
  • Kiểm soát tốc độ tái tạo tế bào mới thay thế cho tế bào chết, ảnh hưởng lớn đến tình trạng sức khỏe của da và xương.

3. Các bệnh lý thường gặp về tuyến giáp

  • Suy giáp

Suy giáp là tình trạng giảm chức năng tuyến giáp dẫn đến sự thiếu hụt tổng hợp và giải phóng hormon tuyến giáp.

Phụ nữ mắc bệnh rất khó mang thai, do quá trình rụng trứng bị rối loạn vì thiếu hoormon. Nó có thể làm tăng nguy cơ phát triển U nang buồng trứng. Nếu đang trong thời gian mang bầu thì người bệnh có thể bị sảy thai, thai lưu, băng huyết sau sinh.

  • Cường giáp (Cường chức năng tuyến giáp)

Ngược lại với suy giáp, cường giáp là tình trạng tuyến giáp tăng tổng hợp và giải phóng hormone. Khi nồng độ hormon tuyến giáp lưu hành trong máu tăng cao sẽ tác động gây rối loạn chức năng của các cơ quan và tổ chức trong cơ thể dẫn đến nhiễm độc hormon tuyến giáp.

Bệnh trong nhóm cường giáp thường gặp phải là bệnh Basedow:

– Basedow là thể điển hình, hay gặp nhất trong số các bệnh cường chức năng tuyến giáp, chiếm khoảng 10-30% các bệnh lý tuyến giáp.

– Đây là căn bệnh tự miễn, với biểu hiện đặc trưng là tuyến giáp to lan tỏa, nhiễm độc hormone giáp, bệnh mắt, thâm nhiễm hốc mắt, đôi khi có thâm nhiễm da.

– Ngoài ra, bệnh có các biểu hiện khác như: Tăng thân nhiệt, giảm cân, khó ngủ, da nóng, ẩm, tăng tiết mồ hôi, sợ nóng, tiêu chảy, run, nhịp tim nhanh, huyết áp tăng, dễ cáu gắt,… Nếu không điều trị kịp thời bệnh sẽ để lại nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe người bệnh.

  • Bướu giáp đơn

Bướu giáp đơn thuần không độc, được định nghĩa là tình trạng tuyến giáp lớn nhưng không kèm suy giáp hay cường giáp, không bị viêm hoặc u. Trong đó bệnh thường gặp ở nữ giới, nhất là trong giai đoạn dậy thì, thai kỳ, tuổi mãn kinh.

Có 3 thể bướu giáp đơn là thể lan tỏa, thể nhiều nốt và thể một nốt. Ở bệnh nhân tuổi cao thì thường gặp thể nhiều nốt thường hơn thể lan tỏa.

Trong đó triệu chứng không rõ ràng, đa số không cần điều trị. Tuy nhiên cần phải sinh thiết xét nghiệm tế bào để loại trừ ung thư biểu mô.

Nguyên nhân có thể do thiếu Iod, do tác dụng của các chất làm phì đại tuyến giáp: thiocyanat, acid para-amino-salicylic, muối lithium, cobalt, thuốc kháng giáp tổng hợp,…

  • Viêm tuyến giáp

Bệnh viêm tuyến giáp có nhiều dạng khác nhau. Trong đó thường gặp nhất là viêm giáp Hashimoto – một bệnh miễn dịch, có sự phối hợp giữa miễn dịch tế bào và miễn diện thể dịch.

  • Ung thư tuyến giáp

Ung thư là căn bệnh có tỷ lệ tử vong cao. Tuy nhiên với ung thư tuyến giáp thì lại là căn bệnh có tiên lượng rất tốt, có thể chữa khỏi hoàn toàn. Người bệnh có thể phát hiện sớm thông qua siêu âm tuyến giáp, khám sức khỏe định kỳ.

Một số triệu chứng lầm sàng của ung thư tuyến giáp như:

– Khối U trước cổ di động theo nhịp nuốt với một số tính chất gợi ý: nhân to nhanh, mật độ cứng, không đau

– Nổi hạch cổ: Hạch lớn nhưng không đau, có thể xuất hiện đồng thời với một nhân giáp sờ thất mà trước đó không để ý, thường cùng ở một bên với nhân giáp.

Phương pháp xét nghiệm FNA

Đây là phương pháp giúp hỗ trợ phát hiện bệnh hạch lympho: hạch ác tính, hạch di căn do ung thư hoặc một số hạch viêm. Sinh thiết chọc kim hỗ trợ chẩn đoán bệnh ung thư tuyến giáp nhanh chóng, chính xác, đảm bảo an toàn.

– Nếu nhân tuyến giáp có kích thước lớn hơn 1cm trở đi nên dùng sinh thiết chọc kim.

– Nếu kích thước nhân tuyến giáp quá nhỏ, bác sĩ chỉ thực hiện FNA trong trường hợp phát hiện những đặc điểm nghi ngờ dạng ác tính.

– Tuy nhiên, phương pháp FNA này không nên thực hiện với người có chỉ số hormone TSH trong máu giảm mạnh vì sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe mà không mang lại kết quả chính xác.

5 bệnh lý thường gặp về tuyến giáp người bệnh nên lưu ý
5 bệnh lý thường gặp về tuyến giáp người bệnh nên lưu ý

4. Nguyên nhân gây bệnh tuyến giáp

  • Viêm vùng tuyến giáp: Rối loạn tự miễn, hoặc do virus, vi khuẩn tấn công các tế bào tuyến giáp.
  • Rối loạn tuyến yên: Tuyến yên sản xuất hormon kích thích tuyến giáp hoạt động. Bất cứ thay đổi nào ở tuyến yên cũng sẽ ảnh hưởng tới chức năng tuyến giáp.
  • Thiếu hoặc thừa Iod
  • Viêm tuyến giáp sau sinh
  • Bệnh tự miễn: Bệnh Hashimoto gây suy giáp, bệnh Basedow gây cường giáp.
  • Phẫu thuật, xạ trị vùng cổ: Gây tổn thương tuyến giáp, dẫn đến suy giảm kích thước và chức năng.

5. Biến chứng của bệnh tuyến giáp

Tình trạng “Cường giáp kéo dài” có thể dẫn đến:

  • Rung nhĩ: Nhịp tim không đều dẫn đến hình thành cục máu đông, có thể gây đột quỵ hoặc thiếu máu cơ tim.
  • Suy tim sung huyết: Nhịp tim nhanh làm giảm khả năng dự trữ co bóp cơ tim.
  • Loãng xương: Hormone giáp tăng cao cản trở việc đưa Canxi vào xương.
  • Mắt: Lồi mắt, nhạy cảm với ánh sáng, có thể nhìn mờ hoặc nhìn đôi.
  • Trong thai kỳ: Gặp tình trạng tiền sản giật, sinh non, sảy thai,…
  • Cơn bão giáp: Tình trạng cấp cứu với một số đặc điểm: loạn nhịp tim, suy tim tiến triển, lú lẫn,…
Lồi mắt là một trong những biến chứng của bệnh tuyến giáp
Lồi mắt là một trong những biến chứng của bệnh tuyến giáp

Tình trạng “Suy giáp kéo dài” có thể dẫn đến:

  • Rối loạn lipid máu: Suy giáp làm tăng cholesterol
  • Rối loạn thần kinh ngoại biên: Gây đau, tê, ngứa cánh tay,…
  • Ảnh hưởng đến cơ quan nội tiết khác: làm tăng nguy cơ Đái tháo đường, Hạ đường huyết, vô sinh, suy vỏ thượng thận,…

6. Cách phòng tránh bệnh tuyến giáp

Để giúp kiểm soát tình trạng viêm, người bệnh cần tuân theo chế độ ăn cân bằng dinh dưỡng:

  • Tránh xa tác hại của bức xạ: Hãy cố gắng sống xa nhà máy điện hạt nhân, hạn chế không chụp CT để tránh tổn hại do bức xạ gây ra và giảm bớt rủi ro sức khỏe.
  • Thay đổi lối sống, thói quen sinh hoạt: Đi ngủ sớm, thức dậy sớm, ăn ít đồ ăn vặt, ăn nhiều trái cây, rau, uống nhiều nước.
  • Kiểm soát cân nặng hợp lý: Thừa cân, béo phì có hại cho sức khỏe, nên tập thể dục và cố gắng đưa cân nặng trở lại bình thường.
  • Sử dụng lượng I-ốt thích hợp: Nạp quá nhiều hoặc quá ít Iod có thể gây bệnh tuyến giáp, chúng sẽ hình thành từ từ. Hằng ngày nên ăn I-ốt theo đúng tiêu chuẩn quy định, không nên ăn quá nhiều hoặc quá ít.

——————————————–

Hệ thống Bệnh viện Lạc Việt

🏥 LVFH Vĩnh Yên: Đường Nguyễn Tất Thành, Định Trung, TP. Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc.
☎ 𝐇𝐨𝐭𝐥𝐢𝐧𝐞: 1900 1269 hoặc 0949 232 115
🏥 LVFH Phúc Yên: Đường Hai Bà Trưng, Hùng Vương, TP. Phúc Yên, Vĩnh Phúc.     
☎ 𝐇𝐨𝐭𝐥𝐢𝐧𝐞: 0837 732 115