Giữ vệ sinh cá nhân, ăn chín, uống sôi, tẩy giun định kỳ góp phần hạn chế ấu trùng giun sán xâm nhập qua da, cơ thể gây bệnh.
Vào thời điểm giao mùa (giao thời giữa nóng và lạnh, khô và ẩm, nhiệt độ thay đổi), trẻ có thể bị giảm sức đề kháng, rối loạn tiêu hóa, nhiễm siêu vi, tay chân miệng, sốt xuất huyết… Trẻ còn dễ nhiễm giun sán, nhất là lứa tuổi mầm non. Để bảo vệ sức khỏe cho trẻ, các bác sĩ đưa ra những lưu ý quan trọng trong thói quen hàng ngày, giúp phụ huynh chủ động phòng tránh giun sán như sau:
Rèn luyện thói quen giữ vệ sinh cá nhân
Giữ vệ sinh thân thể cần thiết để bảo vệ sức khỏe trẻ, không để giun sán có cơ hội xâm nhập. Phụ huynh dạy con rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, không đi chân đất, không dùng tay tiếp xúc vật bẩn, tránh cho tay bẩn vào miệng. Cha mẹ cũng đừng quên hướng dẫn và giúp trẻ làm vệ sinh đúng cách như thường xuyên tắm gội, cắt móng tay, móng chân, rửa mặt sạch sẽ và dùng khăn mặt riêng để lau.
Thường xuyên vệ sinh đồ dùng của trẻ
Đồ chơi, quần áo, vật dụng cá nhân… của bé có thể là môi trường trứng giun sán ký sinh. Trẻ cầm nắm, chơi đùa hay cho vào miệng khiến giun sán dễ dàng xâm nhập vào cơ thể. Đồ dùng của trẻ cần được tẩy rửa sạch sẽ và khử trùng thường xuyên ít nhất mỗi tuần một lần bằng dung dịch chuyên dụng.
Giữ vệ sinh ăn uống
Trẻ nhỏ ăn uống thụ động theo thực đơn cha mẹ chuẩn bị sẵn. Do đó, thức ăn và nước uống cho trẻ cần đảm bảo nấu chín kỹ, tránh ăn hàng quán bên ngoài không đảm bảo vệ sinh. Rau củ cho bé ăn rửa qua máy khử độc thực phẩm hoặc nước sạch nhiều lần. Khi đến trường, mẹ nhắc nhở con uống nước chín, nước sạch để tránh nhiễm trứng giun.
Tẩy giun định kỳ
Cha mẹ rất khó bên cạnh để bảo vệ con mọi lúc mọi nơi. Để tăng cường phòng bệnh, phụ huynh có thể lưu ý cho bé và các thành viên trong gia đình uống thuốc tẩy giun định kỳ 2 lần mỗi năm. Tẩy giun đồng loạt cho cả nhà góp phần giảm tình trạng lây nhiễm chéo.