Bộ Y tế cho biết, theo hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, từ đầu năm 2023 đến nay cả nước ghi nhận 8.995 trường hợp mắc tay chân miệng, trong đó có 03 trường hợp tử vong. Số ca mắc tay chân miệng có xu hướng tăng nhanh trong các tuần gần đây. Đồng thời đã ghi nhận sự xuất hiệu của virus Enterovirus (EV71) có khả năng gây bệnh nặng. (Nguồn: https://moh.gov.vn)
Vậy, bệnh tay chân miệng là gì?
Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus đường ruột gây ra. Bệnh lây lan từ người sang người qua đường tiêu hóa hoặc tiếp xúc với nước bọt, dịch tiết mũi họng, các bọng nước vỡ của người bệnh.
Ai có nguy cơ mắc bệnh tay chân miệng?
Tất cả những người chưa từng mắc tay chân miệng đều là đối tượng có ngguy cơ nhiễm bệnh (tuy nhiên không phải ai bị nhiễm bệnh cũng biểu hiện triệu chứng). Trong đó độ tuổi mắc chủ yếu là trẻ em dưới 10 tuổi, thường gặp nhất là trẻ dưới 5 tuổi.
Biểu hiện của bệnh tay chân miệng?
Sốt, đau họng, loét miệng lợi lưỡi, phỏng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, gối, mông.
Tuy nhiên bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được chăm sóc và điều trị kịp thời, đúng cách với các biểu hiện như:
– Giật mình, ngủ gà, bứt rứt, đi loạng choạng, run chi, mắt nhìn ngược, rung giật nhãn cầu, yếu liệt chi, co giật, hôn mê… (biến chứng về não bộ)
– Biến chứng tim mạch, hô hấp: Viêm cơ tim, phù phổi cấp, tăng huyết áp, suy tim, trụy mạch có thể gây tử vong nhanh chóng nếu không được xử lý kịp thời.
Phòng bệnh bằng cách nào?
Hiện nay chưa có vắc-xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, các biện pháp phòng bệnh là vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, cụ thể:
– Rửa tay với xà phòng trước khi nấu ăn và ăn uống, trước khi cho trẻ ăn, sau khi đi vệ sinh và sau khi vệ sinh cho trẻ. Đặc biệt chú ý vệ sinh sau khi tiếp xúc với các bọng nước;
– Làm sạch môi trường, khử khuẩn, vệ sinh nhà cửa, nơi vui chơi của trẻ, các vật dụng dễ ô nhiễm (đồ chơi, bàn ghế…)
– Cho trẻ đi khám với bác sĩ chuyên khoa khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe. Theo dõi sát sao tình trạng bệnh, đưa trẻ đến bệnh viện để được chăm sóc y tế kịp thời nếu có dấu hiệu sốt cao, li bì, mệt mỏi…
– Tránh tiếp xúc gần (ôm, hôn, dùng chung đồ) với người bệnh/bệnh nhi khác
– Khi đã mắc bệnh, tạm thời cho trẻ nghỉ học, không đến nơi đông người cho tới khi trẻ khỏi bệnh.
– Chú ý che miệng, mũi khi hắt hơi, ho, vệ sinh tay sạch bằng xà phòng
– Xử lý rác thải của người bệnh đúng cách, tránh vứt bừa bãi…
– Đảm bảo trong ăn uống: Đủ chất, ăn chín, uống chín, vật dụng ăn uống sạch sẽ, không mớm thức ăn cho trẻ, không cho trẻ ăn bốc, không mút tay, không ngậm mút đồ chơi…
Trong thời gian vừa qua, Bệnh viện hữu nghị Lạc Việt đã nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng chống các bệnh truyền nhiễm.
– Tiếp nhận thăm khám (24/7) và hướng dẫn, tuyên truyền về bệnh truyền nhiễm nói chung, đặc biệt là bệnh tay chân miệng cho gia đình các bệnh nhi.
– Chuẩn bị sẵn sàng các phương pháp phân luồng, thu dung, cấp cứu, điều trị, phòng bệnh cách ly dành cho bệnh nhi mắc bệnh, đảm bảo cung cấp đầy đủ thuốc, vật tư y tế…
– Tại các hành lang khoa, phòng luôn đầy đủ dung dịch sát khuẩn tay cho người bệnh và người nhà.
Bệnh tay chân miệng có thể diễn biến nặng rất nhanh và phức tạp, chính vì thế các bậc phụ huynh cần cẩn trọng và đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn, không tự ý áp dụng các bài thuốc dân gian truyền miệng để chăm sóc trẻ bị tay chân miệng.