Đột quỵ: Tầm quan trọng trong phát hiện sớm, dấu hiệu và cách phòng tránh

Thứ năm, 11/04/2024

Theo số liệu thống kê của tổ chức đột quỵ thế giới, đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong thứ 2 trên thế giới và nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế. Trên thế giới mỗi năm có tới 17 triệu người bị đột quỵ. Trung bình khoảng 6 giây lại có một người chết vì đột quỵ. Đặc biệt, trong những năm gần đây đột quỵ ngày càng trẻ hóa. Số lượng bệnh nhân trẻ mắc ngày càng tăng đến mức báo động.

Đột quỵ là gì?

Đột quỵ hay còn được gọi với cái tên khác là tai biến mạch máu não. Bệnh thường xảy ra một cách đột ngột do quá trình cấp máu não bị gián đoạn hoặc bị giảm nhiều. Điều này khiến não bộ bị thiếu oxy, không đủ dinh dưỡng để nuôi các tế bào. Dẫn đến não bộ bị tổn thương nghiêm trọng. Nếu không được cung cấp đủ máu, trong vòng vài phút các tế bào não có thể sẽ bắt đầu chết.

Khi đó đột quỵ sẽ gây ra những triệu chứng nghiêm trọng. Như mất cảm giác, mất khả năng di chuyển, nói chuyện, hoặc tê liệt một phần cơ thể. Đây là một căn bệnh cực kỳ nguy hiểm, yêu cầu sự can thiệp ngay lập tức để cứu sống và giảm thiểu tổn thương não. 

Trong đó, người lớn tuổi có nguy cơ mắc đột quỵ cao nhất. Tuy nhiên theo thống kê thì người bệnh ngày càng có xu hướng trẻ hóa do môi trường và thói quen sinh hoạt.

Đột quỵ thường xảy ra đột ngột do quá trình cấp máu não bị gián đoạn hoặc bị giảm nhiều.
Đột quỵ thường xảy ra đột ngột do quá trình cấp máu não bị gián đoạn hoặc bị giảm nhiều. 

Tầm quan trọng trong phát hiện sớm đột quỵ

Gần 70% trường hợp đột quỵ không được cấp cứu kịp thời dẫn đến người bệnh gặp phải những biến chứng vô cùng nặng nề. Trong số đó có đến khoảng 50% ca đột quỵ tử vong. Điều này chứng tỏ tầm quan trọng của việc phát hiện sớm đột quỵ, cần cấp cứu kịp thời bệnh nhân trong thời gian vàng.

Thời gian vàng trong cấp cứu đột quỵ là 3,5 giờ đầu kể từ khi người bệnh có những dấu hiệu đột quỵ đầu tiên. Một số trường hợp có thể mở rộng lên từ 6-24 giờ. Tuy nhiên những trường hợp này xuất hiện không nhiều. Người bệnh nên được can thiệp càng sớm càng tốt.

Cấp cứu đột quỵ kịp thời trong thời gian vàng sẽ giúp nâng cao cơ hội sống sót cho người bệnh. Chỉ cần chậm 1 phút thì người bệnh đã có thể mất đi gần 2 triệu tế bào não. Nhất là các biện pháp can thiệp trong điều trị đột quỵ tốt nhất cũng cần phải áp dụng phù hợp trong đúng khung giờ:

  • Thuốc tiêu sợi huyết tan máu đông thường chỉ được sử dụng trong khoảng 3-4,5 giờ đầu.
  • Sau thời gian này, bệnh nhân thường sẽ phải áp dụng kỹ thuật can thiệp nội mạch để lấy huyết khối mà không thể dùng thuốc tiêu sợi huyết. 

=> Khi cấp cứu đột quỵ, các bác sỹ cần phải chạy đua với thời gian để cứu sống bệnh nhân. và hạn chế tối đa các biến chứng có thể xảy ra như yếu, liệt nửa người, lú lẫn, xẹp phổi, mất khả năng vận động,…

Dấu hiệu của đột quỵ

Việc nhận biết dấu hiệu khởi phát đột quỵ não có thể cứu sống người bệnh, hạn chế biến chứng, tổn thương nghiêm trọng. Quy tắc BEFAST là một trong những cách giúp mọi người có thể dễ dàng nhớ, có thể nhanh chóng nhận biết các dấu hiệu đột quỵ sớm: 

  • B (Balance): Bệnh nhân đột ngột bị mất thăng bằng, chóng mặt, đau đầu dữ dội, mất khả năng phối hợp vận động. 
  • E (Eyesight): Bệnh nhân bị mờ mắt hoặc mất hoàn toàn thị lực 1 bên hoặc cả 2 bên. 
  • F (Face): Bệnh nhân bị liệt, miệng méo sang một bên, nhân trung lệch, liệt mặt, gương mặt không cân đối. Nhất là khi bệnh nhân cười mở miệng lớn. 
  • A (Arm): Bệnh nhân cử động khó, không thể cử động tay chân, tê liệt 1 bên. Đặc biệt là khi yêu cầu bệnh nhân giơ 2 tay lên và giữ lại cùng 1 lúc.  
  • S (Speech): Bệnh nhân bị khó nói, phát âm không rõ, nói dính chữ, nói ngọng bất thường
  • T (Time): Khi thấy xuất hiện một trong những dấu hiệu bất thường trên thì hãy nhanh chóng gọi cấp cứu ngay lập tức. Hoặc ngay lập tức đưa bệnh nhân đến CSYT gần nhất để được cấp cứu kịp thời. 
6 dấu hiệu nhận biết sớm Đột quỵ theo quy tắc BEFAST
6 dấu hiệu nhận biết sớm Đột quỵ theo quy tắc BEFAST

Nguyên nhân đột quỵ 

Tắc nghẽn động mạch (thiếu máu cục bộ) và vỡ mạch não (xuất huyết não) là 2 nguyên nhân chính gây nên đột quỵ. 

Các yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến hiện tượng đột quỵ:

  • Những người có độ tuổi từ 55 trở lên có nguy cơ đột quỵ cao hơn
  • Theo thống kê, tỷ lệ nam giới bị đột quỵ cao hơn nữ giới
  • Gia đình có tiền sử người nhà bị đột quỵ thì người thân cũng sẽ có khả năng mắc cao hơn
  • Thừa cân, béo phì, ít vận động thể dục thể thao, dễ mắc các bệnh lý như mỡ máu, huyết áp cao, tim mạch,…
  • Thói quen sinh hoạt thiếu lành mạnh: thường xuyên thức khuya, ăn uống không điều độ, thường xuyên tắm đêm
  • Mắc các bệnh lý: Tiểu đường, tim mạch, cao huyết áp, rối loạn mỡ máu,…
  • Hút thuốc: Khói thuốc sẽ làm các thành mạch máu tổn thương, dẫn đến nguy cơ đột quỵ tăng gấp đôi.

Cách phòng ngừa đột quỵ

Việc kiểm soát các yếu tố nguy cơ và có một thói quen sinh hoạt lành mạnh sẽ là một trong những cách hiệu quả giúp phòng ngừa bệnh đột quỵ não hiệu quả. 

  1. Chế độ dinh dưỡng: Cần tuân thủ một chế độ ăn uống lành mạnh, cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể để giảm nguy cơ đột quỵ. Giảm tiêu thụ chất béo bão hòa, tăng cường tiêu thụ chất xơ, hạn chế thức ăn mặn,…
  2. Tập thể dục đều đặn thường xuyên để duy trì mức độ cân nặng lý tưởng và kiểm soát mức đường trong máu.
  3. Tránh thừa cân, béo phì.
  4. Sống lạc quan.
  5. Không hút thuốc lá.
  6. Hạn chế rượu bia.
  7. Kiểm soát huyết áp, nhất là ở những người bị huyết áp cao.
  8. Kiểm soát cholesterol.
  9. Điều trị các bệnh liên quan: cao huyết áp, béo phì, tiểu đường, bệnh tim mạch,…
  10. Kiểm tra sức khỏe định kỳ và tầm soát đột quỵ để phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ cũng như những bệnh lý liên quan đến đột quỵ. 
Chế độ dinh dưỡng lành mạnh, đầy đủ dưỡng chất giúp cơ thể khỏe mạnh là một cách phòng ngừa bệnh đột quỵ hiệu quả
Chế độ dinh dưỡng lành mạnh, đầy đủ dưỡng chất giúp cơ thể khỏe mạnh là một cách phòng ngừa bệnh đột quỵ hiệu quả

Cách sơ cứu đột quỵ

Mục tiêu quan trọng nhất của sơ cứu đột quỵ là giảm nguy cơ tử vong và giảm thiểu tối đa những di chứng có thể để lại cho người bệnh. Nếu bạn nhận thấy bản thân hoặc người xung quanh mình bị đột quỵ, hãy làm theo ngay lập tức xử trí theo 3 bước sau:

Bước 1: Ngay lập tức gọi dịch vụ cấp cứu khẩn cấp

  • Nếu bạn đang có triệu chứng đột quỵ thì hãy ngay lập tức nhờ người xung quanh hỗ trợ, giữ bình tĩnh nhất trong khi chờ đợi sự trợ giúp khẩn cấp.
  • Nếu bạn thấy người xung quanh bị đột quỵ, hãy ngay lập tức gọi cấp cứu. Hãy đảm bảo người bệnh ở một vị trí an toàn, không gian thoáng, thoải mái. Nếu là trẻ nhỏ hãy đặt trẻ ở tư thế nằm nghiêng sang một bên, đầu hơi nâng và đề phòng trường hợp trẻ bị nôn mửa.

Bước 2: Sơ cứu trong lúc chờ cấp cứu

  • Kiểm tra hơi thở của người bệnh. Nếu không thấy nhịp thở hãy thực hiện hô hấp nhân tạo cho bệnh nhân.
  • Nếu người bệnh thấy khó thở thì hãy nới lỏng quần áo,phụ kiện bó sát như cà vạt, khăn quàng cổ, thắt lưng,… để người bệnh thấy dễ chịu hơn.
  • Nếu bệnh nhân ngừng tim, hãy thực hiện xoa bóp tim ngoài lồng ngực. Ngoài ra có thể dùng khăn tay quấn vào ngón trỏ để có thể lấy sạch đờm trong miệng bệnh nhân.
  • Tuyệt đối không đưa bất cứ vật gì vào trong miệng bệnh nhân. Nếu trong trường hợp bệnh nhân có răng giả thì hãy thao giúp bệnh nhân ra để đề phòng bệnh nhân bị hóc, sặc.
  • Trấn an bệnh nhân, quan sát kỹ để nhận ra bất kỳ sự thay đổi nào ở người bệnh
  • Nếu người bệnh có biểu hiện yếu ở tay chân thì hãy nhờ thêm người xung quanh để có thể hỗ trợ di chuyển người bệnh.

Bước 3: Ghi nhớ và cung cấp thông tin về tình trạng người bệnh cho nhân viên y tế

  • Hãy ghi nhớ nguyên nhân, biểu hiện, tình trạng của bệnh nhân để cung cấp cho nhân viên y tế để có phương pháp điều trị tốt nhất, hiệu quả nhất cho bệnh nhân. 

——————————————–

Hệ thống Bệnh viện Lạc Việt

🏥 LVFH Vĩnh Yên: Đường Nguyễn Tất Thành, Định Trung, TP. Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc.
☎ 𝐇𝐨𝐭𝐥𝐢𝐧𝐞: 1900 1269 hoặc 0949 232 115
🏥 LVFH Phúc Yên: Đường Hai Bà Trưng, Hùng Vương, TP. Phúc Yên, Vĩnh Phúc.     
☎ 𝐇𝐨𝐭𝐥𝐢𝐧𝐞: 0837 732 115