Ngộ độc thực phẩm là vấn đề bất cứ ai cũng có thể gặp trong cuộc sống hàng ngày. Có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe ở nhiều mức độ. Chính vì thế, mọi người cần nhận biết sớm và có cách xử trí phù hợp, tránh xảy ra tình huống đáng tiếc.
1.Ngộ độc thực phẩm là gì?
Ngộ độc thực phẩm hay còn gọi là ngộ độc thức ăn là hiện tượng do ăn phải những loại thực phẩm nhiễm khuẩn, nhiễm độc, có chứa chất gây ngộ độc, thức ăn bị biến chất, ôi thiu, vượt quá nồng độ chất bảo quản, chất phụ gia cho phép.
Người bị ngộ độc thực phẩm sẽ có những biểu hiện bệnh lý, có thể dựa vào những biểu hiện này để nhận biết và đưa ra xử trí nhanh chóng, phù hợp.
Có thể nghĩ đến nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm khi xảy ra những tình huống sau:
- Người vừa mới ăn xong và khởi phát triệu chứng bệnh ngay sau đó.
- Có từ hai người trở lên có biểu hiện bệnh tương tự nhau sau khi cùng sử dụng một loại thực phẩm nào đó, trong khi những người không ăn không bị.
- Các dấu hiệu ngộ độc thực phẩm: Đau bụng, nôn, tiêu chảy.
- Có dấu hiệu nghi ngờ về chất lượng thực phẩm: Ôi thiu, có mùi lạ, có sán…
2. Nguyên nhân gây ra ngộ độc thực phẩm
Ngộ độc thực phẩm do ký sinh trùng: Do vi khuẩn và độc tố của vi khuẩn, do virus, do ký sinh trùng: Rota, salmonella, ecoli, tụ cầu vàng…, do nấm mốc và nấm men;
Ngộ độc do thức ăn bị biến chất, ôi thiu: Một số loại thực phẩm khi để lâu hoặc bị ôi thiu thường phát sinh ra các loại chất độc (dầu, mỡ dùng đi dùng lại nhiều lần…..). Các chất này thường không bị phá hủy hay giảm khả năng gây độc khi được đun sôi;
Ngộ độc do ăn phải thực phẩm có sẵn chất độc: Khi ăn phải các thực phẩm có sẵn chất độc rất có thể bị ngộ độc như cá nóc, cá cóc, mật cá trắm, nấm độc, khoai tây mọc mầm, một số loại hạt đậu, lạc bị mốc…;
Ngộ độc do nhiễm các chất hóa học: Do ô nhiễm kim loại nặng (thực phẩm được nuôi trồng, chế biến tại các khu vực mà nguồn nước, đất bị ô nhiễm các loại kim loại nặng); do dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y; do phụ gia thực phẩm; do các chất phóng xạ…
3. Dấu hiệu, triệu chứng thường gặp khi bị ngộ độc thực phẩm
Triệu chứng
Các triệu chứng có thể xuất hiện khoảng vài phút, vài giờ hoặc khoảng từ 1 đến 2 ngày sau khi ăn. Trong đó, những triệu chứng này sẽ ở mức độ nặng hay nhẹ hay kéo dài trong thời gian bao lâu còn phụ thuộc vào các yếu tố như: Loại tác nhân gây ra, lượng thực phẩm được sử dụng và hệ miễn dịch của người bệnh.
Dấu hiệu thường gặp khi ngộ độc thực phẩm
- Đau bụng, buồn nôn, nôn mửa
- Tiêu chảy phân lỏng nhiều nước, nhiều lần trong ngày
- Trong phân hoặc chất nôn có xuất hiện máu
- Sốt, chán ăn, cơ thể yếu ớt, mệt mỏi
- Đau đầu, choáng váng, chóng mặt, ớn lạnh, rùng mình, đau mỏi cơ và khớp. Nặng hơn có thể tử vong rất nhanh như nuốt phải các chất độc như: Nấm độc, lá ngón…
Lưu ý:
Ngộ độc thực phẩm sẽ rất nguy hiểm nếu bệnh nhân có các dấu hiệu nặng ở đường tiêu hoá hoặc bị mất nước, nhiễm trùng, hoặc xuất hiện thêm các triệu chứng:
- Rối loạn thần kinh: Đặc biệt là nhìn mờ, nhìn đôi, nói khó, giọng nói ngọng, tê liệt cơ, co giật, đau đầu, chóng mặt.
- Rối loạn tim mạch: Tụt huyết áp, loạn nhịp tim, khó thở.
- Có lẫn máu hoặc chất nhầy trong phân, tiểu ít, đau ở các vị trí khác ngoài bụng (như đau ngực, cổ, hàm, họng).
- Sức đề kháng của cơ thể kém: Nhất là ở các đối tượng trẻ em dưới 2 tuổi, người cao tuổi, người đang dùng các thuốc gây ức chế miễn dịch (thường dùng trong bệnh về khớp, ung thư, dị ứng), người bị suy dinh dưỡng, mắc bệnh dạ dày tá tràng, bệnh gan, rối loạn sắc tố.
4. Xử lý khi bị ngộ độc thực phẩm
Khi thấy bản thân hoặc người xung quanh có các triệu chứng của ngộ độc thực phẩm như trên, cần bình tĩnh thực hiện các bước sơ cứu sau:
-
Gây nôn
Trong trường hợp người bệnh không có biểu hiện nôn, để hạn chế độc tố từ thức ăn ngấm vào cơ thể, biện pháp sơ cứu ngộ độc thực phẩm đầu tiên là kích thích để người bị ngộ độc nôn thức ăn trong dạ dày ra ngoài.
Có thể rửa sạch tay rồi đặt vào lưỡi người bệnh để kích thích gây nôn. Người bệnh cần nôn càng nhiều thức ăn trong dạ dày ra càng tốt. Trong lúc gây nôn, cần đặt người bệnh nằm nghiêng, phần đầu kê hơi cao để khi nôn ra chất thải không trào ngược vào phổi. Không kích thích quá mức gây sặc cho người bệnh.
Nếu người bị ngộ độc thực phẩm đã hôn mê thì không nên kích thích gây nôn vì sẽ dễ gây sặc, ngạt thở.
-
Cho người bệnh uống nhiều nước, nghỉ ngơi
Sau khi người bệnh nôn và đi ngoài liên tục thì cơ thể sẽ bị mất nhiều nước. Cần bù nước cho người bệnh bằng cách cho người bệnh uống nước lọc, dung dịch oresol hoặc uống nước gạo rang. Tuyệt đối không cho người bị ngộ độc uống thuốc cầm tiêu chảy vì việc nôn mửa và tiêu chảy để cơ thể loại bỏ độc tố.
- Sau khi sơ cứu, hãy gọi cấp cứu hoặc đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và xử trí kịp thời, phù hợp.
Lưu ý:
- Cần giữ lại mẫu thực phẩm nghi ngờ là tác nhân gây ngộ độc. Gồm cả nhãn mác, thậm chí cả bệnh phẩm nôn ra từ người bệnh. Giúp xác định nguyên nhân gây ra ngộ độc, từ đó có phương án điều trị đúng hướng.
- Trường hợp có nhiều người cùng bị ngộ độc: Cần thông báo đến cơ sở y tế gần nhất, cơ quan y tế dự phòng hoặc chính quyền địa phương nơi xảy ra vụ việc để các cơ sở y tế có thể kịp thời chuẩn bị đầy đủ nhân lực đối phó, ngăn chặn ngộ độc tiếp diễn.
- Cần vệ sinh, tẩy rửa khu vực có chất nôn, phân, nước tiểu của người bị ngộ độc và thực hiện chế độ cách ly (nếu cần thiết) đề phòng sự lây lan của dịch bệnh.
5. Cách phòng tránh ngộ độc thực phẩm
-
Chọn thực phẩm tươi sạch, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng
Rau quả chọn các loại rau, quả tươi, không bị dập nát, không có mùi lạ.Thịt ,cá và thủy sản phải còn tươi, giữ nguyên màu sắc bình thường
Không sử dụng các loại thực phẩm lạ chưa biết rõ nguồn gốc.
-
Giữ vệ sinh nơi ăn uống và chế biến thực phẩm
Khu vực chế biến thực phẩm không có nước đọng, xa các khu khói, bụi bẩn, nhà vệ sinh hoặc khu chăn nuôi gia súc, rác thải gây ô nhiễm môi trường.
-
Sử dụng đồ dùng nấu nướng và ăn uống sạch sẽ
Không để dụng cụ bẩn qua đêm. Bát đĩa dùng xong phải rửa ngay. Không dùng khăn ẩm mốc, nhờn mỡ để lau khô bát đĩa. Nếu dụng cụ vừa rửa xong cần dùng ngay thì nên tráng lại bằng nước sôi.
-
Chuẩn bị thực phẩm sạch sẽ và nấu chín kỹ
Rau, quả phải ngâm trong nước sạch rồi rửa kỹ dưới vòi nước chảy hoặc rửa trong chậu, thay nước 3- 4 lần.
Không nên ăn các thức ăn sống như gỏi cá, thịt bò tái, gỏi …
-
Ăn ngay sau khi thức ăn vừa nấu xong hoặc vừa chuẩn bị xong
Để đảm bảo an toàn nên ăn ngay khi thức ăn còn nóng vừa nấu chín xong.
-
Bảo quản cẩn thận thức ăn đã nấu chín và đun kỹ lại trước khi ăn
Nếu thức ăn phải chuẩn bị trước hoặc phải đợi sau 3 giờ thì cần giữ nóng ở nhiệt độ 60 độ C hoặc bảo quản trong tủ lạnh.
Không dùng tay để bốc thức ăn chín hay đá để pha nước uống.
Đun lại thức ăn ở nhiệt độ sôi đồng đều ngay trước khi ăn là biện pháp tốt nhất để phòng ngừa các vi khuẩn phát triển trong quá trình bảo quản.
-
Giữ vệ sinh cá nhân tốt
Rửa sạch tay trước và sau khi chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi tiếp xúc với thực phẩm tươi sống. Giữ vệ sinh trong quá trình chế biến.
Sử dụng dao và thớt khác nhau khi chế biến thực phẩm sống và thực phẩm chín;
-
Sử dụng nước sạch trong ăn uống
Dùng các nguồn nước thông dụng như nước máy, nước giếng, đã qua xử lý để rửa thực phẩm. Chế biến đồ ăn uống và rửa dụng cụ.
-
Thực hiện các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, giữ gìn môi trường sống sạch sẽ
Thực hiện các biện pháp diệt ruồi, gián, chuột … Hướng dẫn vệ sinh phòng chống các dịch bệnh theo chỉ đạo của ngành Y tế.
Rác thải phải đựng vào thùng kín có nắp đậy, đổ đúng giờ và đúng nơi quy định
-
Thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm để giữ gìn sức khỏe gia đình
Thực phẩm là nguồn cung cấp các chất dinh dưỡng cho cơ thể. Nhưng nếu thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thì lại có thể là nguồn gây bệnh. Thực phẩm có thể gây bệnh ở nhiều khâu từ sản xuất đến vận chuyển, bảo quản, chế biến, nấu ăn và cách ăn.
Bữa ăn hợp lý, đảm bảo vệ sinh an toàn. Mọi người trong gia đình chú ý thực hiện phòng chống ngộ độc phẩm để bữa ăn không là nguồn gây bệnh.
——————————————–
Hệ thống Bệnh viện Lạc Việt
LVFH Vĩnh Yên: Đường Nguyễn Tất Thành, Định Trung, TP. Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc.
𝐇𝐨𝐭𝐥𝐢𝐧𝐞: 1900 1269 hoặc 0949 232 115
LVFH Phúc Yên: Đường Hai Bà Trưng, Hùng Vương, TP. Phúc Yên, Vĩnh Phúc.
𝐇𝐨𝐭𝐥𝐢𝐧𝐞: 0837 732 115