Chạy thận nhân tạo và Lọc máu có khác nhau không?

Thứ năm, 14/11/2024

Lọc máu và chạy thận nhân tạo – Đây là hai khái niệm thường được sử dụng đồng nghĩa trong lĩnh vực y tế, nhưng thực chất lại mang tính chất khác nhau. Lọc máu không chỉ đơn thuần là một phương pháp, mà bao gồm rất nhiều kỹ thuật khác nhau. Trong đó chạy thận nhân tạo chỉ là một phần nhỏ? Hãy cùng tìm hiểu và phân biệt rõ sự khác nhau giữa lọc máu và chạy thận nhân tạo, cũng như vai trò của chúng trong việc cứu sống bệnh nhân suy thận.

Chạy thận nhân tạo và lọc máu có khác nhau không, nếu khác thì khác như thế nào?
Chạy thận nhân tạo và lọc máu có khác nhau không, nếu khác thì khác như thế nào?

Lọc máu và chạy thận nhân tạo là gì, có khác nhau không?

Ở một người có thận khỏe mạnh, mỗi ngày lọc khoảng 120 – 150 lít máu. Nhưng khi thận không hoạt động hiệu quả, các chất thải có thể sẽ tích tụ trong máu, gây nguy cơ hôn mê, thậm chí dẫn đến tử vong.

Lúc này, việc lọc máu và chạy thận nhân tạo có vai trò cực kỳ quan trọng. Chúng giúp ngăn ngừa các chất thải trong máu đạt ngưỡng nguy hiểm và loại bỏ các độc tố, thuốc ở trong máu đối với trường hợp cấp cứu.

  • Lọc máu là thuật ngữ chung để chỉ các phương pháp loại bỏ chất cặn bã và chất độc khỏi máu khi thận không thể thực hiện chức năng này, bao gồm nhiều phương pháp khác nhau. Mục đích là loại bỏ các chất cặn bã, chất độc và nước dư thừa ra khỏi máu, giúp duy trì cân bằng nội môi trong cơ thể.
  • Chạy thận nhân tạo là một phương pháp cụ thể của lọc máu. Trong đó, quá trình lọc máu diễn ra ngoài cơ thể thông qua một máy lọc máu. Đây là phương pháp phổ biến nhất trong các phương pháp lọc máu.

Vậy, lọc máu (dialysis) và chạy thận nhân tạo (hemodialysis) đều là các phương pháp điều trị nhằm thay thế chức năng của thận khi thận bị suy giảm hoặc không hoạt động. Tuy nhiên, lọc máu bao gồm rất nhiều phương pháp khác nhau và chạy thận nhân tạo chỉ là 1 trong những phương pháp đó.

Các phương pháp trong lọc máu

Hiện nay, lọc máu có rất nhiều phương pháp khác nhau, trong đó có 3 phương pháp chính là:

  • Chạy thận nhân tạo chu kỳ (ngắt quãng)
  • Lọc màng bụng
  • Liệu pháp thay thế thận liên tục.

1. Chạy thận nhân tạo chu kỳ (ngắt quãng)

Chạy thận nhân tạo là hình thức lọc máu ngoài cơ thể ở những bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối. Máu từ cơ thể bệnh nhân qua màng lọc với chất thẩm tách để lọc nước dư thừa và các độc tố khác. Máu sau khi lọc sạch sẽ được truyền trở lại cơ thể bệnh nhân.

Chạy thận nhân tạo thường được thực hiện 3 lần/tuần tại bệnh viện, mỗi lần chạy thận kéo dài khoảng 4 tiếng. Đội ngũ bác sĩ và điều dưỡng sẽ phụ trách thực hiện thủ thuật này. Người sắp chạy thận nhân tạo cần phẫu thuật AVF để mở rộng mạch máu, thường là ở cánh tay. Việc mở rộng tĩnh mạch giúp việc chèn ống thông được dễ dàng hơn.

Trong đó, chạy thận có 2 phương pháp là chạy thận thường quy (HD) và thẩm tách siêu lọc máu (HDF Online). Điều trị phối hợp giữa phương pháp này giúp kéo dài thời gian sống và cải thiện chất lượng sống của bệnh nhân suy thận mạn.

Chạy thận nhân tạo thường được thực hiện 3 lần/ tuần tại bệnh viện.
Chạy thận nhân tạo thường được thực hiện 3 lần/ tuần tại bệnh viện.

2. Phương pháp lọc màng bụng

Lọc màng bụng hay còn gọi là thẩm phân phúc mạc. Phương pháp này sẽ sử dụng chính màng bụng của người bệnh làm màng lọc thay thế cho thận đã suy yếu. Giúp lọc các chất chuyển hóa, nước điện giải ra khỏi cơ thể người bệnh và tạo ra cân bằng nội môi.

Màng bụng có diện tích gần bằng diện tích cơ thể (1-2 m2). Bình thường khoang ổ bụng chứa khoảng 100ml dịch sinh lý, 2l lọc màng bụng mà không gây khó chịu hoặc ảnh hưởng đến chức năng hô hấp.

Với phương pháp này, màng bụng được sử dụng như một màng bán thấm ngăn cách giữa 2 khoang. Một bên là khoang chứa dịch lọc màng bụng, một bên là các mao mạch quanh màng bụng. Khi dịch lọc màng bụng lưu trong khoang bụng, các quá trình khuếch tán, siêu lọc và hấp thu được xảy ra đồng thời.

Lọc màng bụng có thể thực hiện tại nhà, phù hợp với bệnh nhân vùng sâu, vùng xa
Lọc màng bụng có thể thực hiện tại nhà, phù hợp với bệnh nhân vùng sâu, vùng xa

Các chất hòa tan di chuyển từ nơi có nồng độ cao trong máu như ure, creatinin, kali,.. qua màng bán thấm (màng bụng) sang khoang chứa dịch lọc.

Sự chênh lệch áp lực thẩm thấu giữa dịch lọc và mạch máu giúp nước thẩm thấu từ khoang máu sang khoang dịch lọc. Qua đó giúp loại bỏ nước thừa trong cơ thể.

Lọc màng bụng là phương pháp rất thuận tiện cho bệnh nhân. Vì người bệnh có thể thực hiện tại nhà. Một tháng người bệnh chỉ cần đến bệnh viện một lần để bác sĩ khám, kiểm tra và nhận dịch lọc thực hiện trong tháng tiếp theo.

Phương pháp lọc màng bụng đặc biệt phù hợp với những bệnh nhân ở vùng sâu, vùng xa. Họ không thể tiếp cận được với máy chạy thận nhân tạo, hoặc để được chạy thận, người bệnh phải vượt qua một quãng đường di chuyển rất dài.

3. Liệu pháp thay thế thận liên tục

Liệu pháp thay thế thận liên tục (Continuous Renal Replacement Therapy – CRRT) là một phương pháp lọc máu đặc biệt được sử dụng chủ yếu trong các đơn vị chăm sóc đặc biệt (ICU) để điều trị cho những bệnh nhân bị suy thận cấp tính hoặc bệnh nhân nặng không thể điều trị được bằng các phương pháp lọc máu truyền thống khác như chạy thận nhân tạo. Điều này giúp loại bỏ chất cặn bã và nước dư thừa từ từ và ổn định, tránh gây sốc cho cơ thể.

Liệu pháp thay thế thận liên tục chủ yếu được sử dụng trong các đơn vị chăm sóc đặc biệt ICU
Liệu pháp thay thế thận liên tục chủ yếu được sử dụng trong các đơn vị chăm sóc đặc biệt ICU

CRRT diễn ra liên tục, thường kéo dài 24 giờ mỗi ngày. Điều này giúp loại bỏ chất cặn bã và nước dư thừa từ từ và ổn định, tránh gây sốc cho cơ thể. Trái ngược với chạy thận nhân tạo chỉ diễn ra vài giờ mỗi phiên và chỉ một vài lần mỗi tuần.

Bảng so sánh chi tiết giữa lọc máu và chạy thận nhân tạo

Lọc máu

Chạy thận nhân tạo

Gồm nhiều phương pháp khác nhau nhằm loại bỏ chất cặn bã, chất độc và nước dư thừa ra khỏi máu khi thận không thể thực hiện chức năng này. Là một trong các phương pháp của lọc máu.
Quy trình Đa dạng, tùy thuộc vào phương pháp cụ thể Máu được dẫn ra khỏi cơ thể qua một cây kim đặt vào mạch máu, qua máy lọc máu để loại bỏ chất cặn bã và nước dư thừa và máu sạch được đưa trở lại cơ thể.
Tần suất Tùy thuộc vào phương pháp: màng bụng có thể hàng ngày, CRRT liên tục 24 giờ mỗi ngày,… Thường 3 lần / tuần, mỗi lần 3-5 giờ.
Đối tượng Rộng rãi, tùy vào tình trạng bệnh và môi trường điều trị Thường cho bệnh nhân suy thận mãn tính hoặc suy thận cấp nặng
Chi phí Chi phí khác nhau tùy thuộc vào phương pháp và tần suất điều trị. Thường có chi phí cố định cho mỗi lần điều trị. Tổng chi phí có thể cao do tần suất điều trị thường xuyên.
Giám sát y tế Tùy thuộc vào phương pháp, có thể cần giám sát chặt chẽ trong ICU (CRRT) hoặc ít giám sát hơn (lọc màng bụng tại nhà). Cần giám sát y tế chặt chẽ trong mỗi buổi điều trị tại trung tâm y tế hoặc bệnh viện.

——————————————–

Hệ thống Bệnh viện Lạc Việt

🏥 LVFH Vĩnh Yên: Đường Nguyễn Tất Thành, Định Trung, TP. Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc.
☎ 𝐇𝐨𝐭𝐥𝐢𝐧𝐞: 1900 1269 hoặc 0949 232 115
🏥 LVFH Phúc Yên: Đường Hai Bà Trưng, Hùng Vương, TP. Phúc Yên, Vĩnh Phúc.     
☎ 𝐇𝐨𝐭𝐥𝐢𝐧𝐞: 0837 732 115