Cấp cứu kịp thời thai phụ có thai ngôi phức tạp

Thứ năm, 28/10/2021

Ngôi chỏm sa chi hay còn gọi là ngôi đầu nhưng kèm theo tay thai nhi trình diện cùng lúc khi khám sờ thấy qua lỗ cổ tử cung. Là một trong các loại ngôi thai đẻ khó qua đường âm đạo, nếu không xử trí cấp cứu kịp thời thai nhi có thể sẽ tử vong.

Sáng ngày 24/09/2021, khoa Phụ sản của Bệnh viện hữu nghị Lạc Việt tiếp nhận thai phụ N.T.P (24 tuổi) mang thai 38 tuần, con lần 1, có dấu hiệu chuyển dạ vào sinh.

Thăm khám lúc vào viện, sản phụ có cơn co tử cung (TC) nhẹ, tim thai bình thường, cổ tử cung (CTC) đang xóa lọt ngón tay. Sản phụ được chỉ định nhập viện theo dõi tại khoa.

Đến 17h cùng ngày: cơn co tử cung tần số 3/30s, tim thai bình thường, cổ tử cung mở 2cm, vỡ ối vỡ tự nhiên, trong, thai nhi ngôi đầu cao. Sản phu được tiếp tục theo dõi chuyển dạ đến 18h30. Lúc này, cơn cơ tử cung tốt, tim thai đều dao động bình thường, cổ tử cung mềm mở 4m, ngôi đầu cúi tốt chúc, khi khám sờ thấy bàn tay thai nhi vùng đình chẩm bên trái, bác sĩ sản khoa đã tiến hành đẩy tay thai nhi lên nhưng khó khăn vì chật trội.

Ngay sau đó, khoa Phụ sản đã tiến hành hội chẩn cấp cứu bệnh viện, giải thích cho gia đình và thai phụ về nguy cơ nguy hiểm đến tính mạng cả hai mẹ con khi cổ tử cung mở hết. Sản phụ được tiến hành gây mê nội khí quản và mổ lấy thai cấp cứu.

Thai nhi là một bé trai nặng 2800gr, khỏe mạnh. Sau mổ mẹ và bé có sức khỏe ổn định, được tiếp tục theo dõi tại khoa Phụ sản, xuất viện sau 4 ngày.

Ngôi chỏm sa chi hay còn gọi là ngôi đầu nhưng kèm theo tay thai nhi trình diện cùng lúc khi khám sờ thấy qua lỗ cổ tử cung. Là một trong các loại ngôi thai đẻ khó qua đường âm đạo; Tùy thuộc vào phần tay thai nhi ở vị trí trước ngôi hay bên ngôi, sa chưa hoàn toàn hay sa hoàn toàn, phát hiện được sớm (khi mở được vài cm) hay muộn khi CTC đã mở hết. CTC mở càng rộng (hay mở hết <=> 10cm) thì tay thai nhi sa càng nhanh.

Hậu quả của ngôi chỏm sa chi: Khi tay thai nhi sa kèm theo đầu thai nhi hoặc sa ra ngoài sẽ làm tăng đường kính lọt của ngôi, ngôi thai xuống (lọt) khó khăn, đồng thời phần tay thai nhi sa ra ngoài bị kẹt, máu đến nuôi dưỡng giảm -> thiểu dưỡng tím đen dần thậm chí hoại tử. Hoặc có thể sa chi kèm sa dây rốn.

Xử trí: khi khám phát hiện thấy tay thai nhi sa thì đẩy tay thai nhi lên, nếu đẩy lên được tiếp tục theo dõi sinh đường âm đạo, nếu không được thì mổ lấy thai; hoặc tay thai nhi sa hoàn toàn hoặc kèm sa dây rốn thì xử trí là tối khẩn cấp bằng mổ cấp cứu lấy thai khi thai còn sống, nếu không xử trí cấp cứu kịp thời thai nhi sẽ tử vong.

Khuyến cáo với các thai phụ: thai nhi ở trong tử cung khi chuyển dạ, phần thai nhi trình diện thấp nhất khi thăm khám qua cổ tử cung GỌI LÀ NGÔI. Không phải lần thai nghén nào cũng có thể sinh được đường âm đạo. Nên nếu Bác sỹ thăm khám hoặc siêu âm phát hiện các dấu hiệu bất thường, nguy cơ cao đến tính mạng thai nhi hay bản thân thai phụ thì cần phẫu thuật lấy thai để hạn chế tối đa những rủi ro đến tính mạng của mẹ và thai nhi.