Nhiều trường hợp trẻ bị bỏng nghiêm trọng

Thứ Sáu, 03/05/2024

Thời gian gần đây, Khoa Nhi – Bệnh viện Hữu nghị Lạc Việt đã tiếp nhận điều trị nhiều trường hợp trẻ bị bỏng nặng. 

Trường hợp đầu tiên là một bé gái 2,5 tuổi bị bỏng nước sôi

Theo lời kể, trong lúc chuẩn bị cho con tắm, mẹ bất cẩn đổ phích nước sôi vào người khiến con bị bỏng vùng cổ, toàn bộ vùng lưng, mông, đùi,… Mẹ của bé đã tự sơ cứu bằng cách bôi lòng đỏ trứng gà lên các vị trí bị bỏng theo kinh nghiệm dân gian, nhưng không đỡ. Trẻ quấy khóc nhiều nên người nhà đã đưa bé vào Bệnh viện hữu nghị Lạc Việt để điều trị.

Vào viện, bé trong tình trạng đau, quấy khóc nhiều, bỏng, phồng rộp nhiều vị trí, loét, chảy dịch, mất da. Nhiều lòng đỏ trứng gà trên người khiến bụi bẩn bám nhiều hơn ở các vết thương. Bệnh nhi được các bác sỹ bù dịch, giảm đau, dùng kháng sinh,.. Sau hơn 30 phút tiêm giảm đau, các bác sỹ bắt đầu lau rửa lại vết thương cho bé.

Hình ảnh vết bỏng của bé sau khi đã được bệnh viện xử trí
Hình ảnh vết bỏng của bé sau khi đã được bệnh viện xử trí

Và một trường hợp bé gái B.N, 25 tháng tuổi (Tam Dương, Vĩnh Phúc) vào viện do bị bỏng acid

Tối 26/4, trước khi vào viện 30 phút, trong lúc chơi đùa, bé vô tình bị chai dung dịch nước thông cống có thành phần là Acid Sulfuric (một loại có tính acid rất mạnh – H2SO4) đổ vào người gây bỏng nặng.

Mẹ bệnh nhi cho biết: Chị có mua chai nước thông cống về để dưới gầm bàn và cũng không biết trong chai thông cống lại có thành phần acid mạnh như vậy. Trong lúc chơi, ba mẹ không để ý nên bé thấy, mở nắp được và bị đổ cả chai dung dịch thông cống lên người.

Trước khi đưa vào Bệnh viện Lạc Việt, gia đình đã xử trí bằng cách bôi thuốc bỏng gia truyền có thành phần mỡ trăn.

Hình ảnh bé sau khi được các bác sỹ xử trí và chai thông cống gây bỏng cho bé

Đến viện, các bác sỹ đánh giá trẻ có tình trạng sốc do đau, mất dịch, mạch nhanh, quấy khóc nhiều, bị bỏng độ II, tổn thương 10% diện tích da do ăn mòn ở vùng lưng, mông, chân trái, phồng rộp, cháy sạm. Kết quả xét nghiệm còn có bạch cầu tăng cao, cô đặc máu, rối loạn điện giải,…

Các bác sỹ đã xử trí bằng cách xịt thuốc bỏng, bù dịch, giảm đau, kháng sinh chống bội nhiễm. Sau 2 giờ tình trạng bé ổn định.

Cha mẹ cần luôn chú ý giám sát trẻ, không cho trẻ đến gần những nơi có nguy cơ gây bỏng

Bỏng là tai nạn thường gặp ở trẻ em, nhất là ở trẻ có độ tuổi từ 1 – 12. Bỏng không chỉ gây đau đớn, ảnh hưởng đến thẩm mỹ, tâm lý mà còn có thể dẫn đến tử vong.

Cha mẹ cần luôn chú ý giám sát trẻ, không cho trẻ đến gần những nơi có nguy cơ gây bỏng như bếp lửa, gần than củi đốt, nước sôi, thức ăn mới nấu, bàn là đang nóng, bật lửa,… Sắp xếp đồ đạc mọi thứ quanh nhà hợp lý, tất cả đồ vật dễ gây cháy nổ, bỏng phải để xa tầm tay trẻ em. Bố trí bếp và nơi nấu ăn phẳng, cao để trẻ không với tới được hoặc có vách ngăn không cho trẻ tới gần. Khi nấu ăn luôn quay cán xoong, chảo vào phía trong.

Không để trẻ nhỏ tự ăn, tự tắm vòi nước nóng lạnh, luôn kiểm tra nhiệt độ nước trước khi tắm cho trẻ. Khi bê nước nóng, thức ăn mới nấu tránh xa trẻ để không va đụng. Kiểm tra nhiệt độ của thức ăn, đồ uống trước khi cho trẻ ăn, uống,…

Khi trẻ bị bỏng cần sơ cứu đúng cách ngay từ những giây phút đầu tiên, bởi nếu xử trí sai thì về sau có thể khiến vết bỏng sâu hơn, gây nhiễm trùng, lâu lành và để lại các di chứng như sẹo xấu, co rút cơ… thậm chí để lại thương tật vĩnh viễn cho người bệnh. Sau sơ cứu, trẻ cần được đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu và điều trị kịp thời. Tuyệt đối không tự ý sử dụng thảo dược để tự chữa bỏng cho trẻ.

Khi nào nên đưa trẻ tới bác sỹ

Có thể theo dõi trẻ ở nhà kiểm tra khi:

– Vết bỏng của trẻ giới hạn ở lớp da bên ngoài (vết bỏng nông).

– Vết bỏng của trẻ giới hạn trong một diện tích hẹp.

– Vết bỏng có thể dễ dàng xử trí và cơn đau do bỏng có thể giải quyết được bằng thuốc giảm đau.

Hãy đưa trẻ đi cấp cứu ngay nếu:

– Vết bỏng sâu, lan rộng trên một diện tích da lớn, hay vết bỏng trên mặt, tay, chân hoặc ở háng.

– Trẻ bị đau dữ dội sau khi bị bỏng.

– Bạn không biết cách xử trí như thế nào.

——————————————–

Hệ thống Bệnh viện Lạc Việt

 LVFH Vĩnh Yên: Đường Nguyễn Tất Thành, Định Trung, TP. Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc.

 𝐇𝐨𝐭𝐥𝐢𝐧𝐞: 1900 1269 hoặc 0949 232 115

 LVFH Phúc Yên: Đường Hai Bà Trưng, Hùng Vương, TP. Phúc Yên, Vĩnh Phúc.     

 𝐇𝐨𝐭𝐥𝐢𝐧𝐞: 0837 732 115