Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, hàng năm có hơn 17 triệu người tử vong vì bệnh lý tim mạch, trong đó thường gặp nhất là các vấn đề về huyết áp, bệnh mạch vành và đột quỵ. Con số trên nói lên mức độ phổ biến và đáng báo động của bệnh lý tim mạch. Vậy những yếu tố nào làm ảnh hưởng tới bệnh lý tim mạch? Dấu hiệu nhận biết thường gặp của bệnh tim mạch? Chế độ ăn uống sinh hoạt làm sao để tốt cho tim mạch? Hãy cùng Bệnh viện hữu nghị Lạc Việt tìm hiểu!
1. Bệnh lý tim mạch là gì? Những yếu tố ảnh hưởng đến bệnh lý tim mạch?
Bệnh lý tim mạch là gì?
Bệnh tim mạch là tên gọi chung cho các bệnh của tim và mạch máu.Bệnh tim mạch bao gồm các bệnh động mạch vành như đau thắt ngực và nhồi máu cơ tim (thường được gọi là đau tim). Các bệnh tim mạch khác bao gồm đột quỵ, suy tim, bệnh tim tăng huyết áp, bệnh thấp tim, bệnh cơ tim, rối loạn nhịp tim, dị tật tim bẩm sinh, bệnh van tim, viêm tim, phình động mạch chủ, bệnh động mạch ngoại biên, bệnh huyết khối và huyết khối tĩnh mạch…
Những yếu tố ảnh hưởng đến bệnh lý tim mạch
Các yếu tố ảnh hưởng đến các bệnh lý tim mạch bao gồm:
❊ Các yếu tố nguy cơ không thể thay đổi:
Giới tính
Nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch của nam giới nhiều hơn so với nữ giới. Tuy nhiên, phụ nữ ở thời kỳ mãn kinh, nguy cơ các bệnh lý tim mạch sẽ tăng cao hơn. Sau độ tuổi 65, nguy cơ mắc bệnh tim mạch ở nam giới và phụ nữ là như nhau.
Di truyền
Nêu gia đình bạn có tiền sử về bệnh lý tim mạch, bạn sẽ có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn bình thường. Ngoài ra những yếu tố khác dẫn đến nguy cơ tim mạch như cao huyết áp, tiểu đường và béo phì cũng có thể mang tính di truyền.
Tuổi tác
Tuổi già là một trong những yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch. Càng lớn tuổi, hoạt động của tim càng kém hiệu quà. Thành tim dày lên, các động mạch cứng lại khiến cho quá trình bơm máu cũng trở nên khó khăn. Đó là lý do vì sao nguy cơ mắc bệnh tim mạch gia tăng theo tuổi.
❊ Các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi
Béo phì và thừa cân
Việc thừa cân làm gia tăng tổng mức cholesterol trong máu. Điều đó dẫn tới nguy cơ huyết áp cao và bệnh mạch vành. Khi lượng cholesterol sẽ tăng vọt, huyết áp cao sẽ dẫn đến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Nghiện thuốc lá
Hút thuốc là nguyên nhân gây ung thư phổi, ngoài ra chúng còn dẫn tới các bệnh lý tim mạch. Việc hút thuốc làm tăng nhịp tim, thắt chặt các động mạch lớn có thể dẫn đến loạn nhịp tim. Điều đó dẫn tới hoạt động của tim kém hiệu quả và trở nên khó khăn hơn.
Ngoài nicotine, các hóa chất khác có trong khói thuốc như carbon monoxide cũng có hại cho tim. Những chất này dẫn đến tích tụ mảng bám trong động mạch, ảnh hưởng đến cholesterol và mức fibrinogen (một yếu tố làm đông máu), điều này khiến cho nguy cơ đông máu tăng và có thể dẫn đến đau tim.
Thiếu vận động thể chất
Người ít vận động có nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch cao hơn người tập thể dục thường xuyên. Việc hoạt động và luyện tập sẽ đốt cháy calo giúp kiểm soát mức Cholesterol, tiểu đường, hạ huyết áp. Luyện tập thể chất, vận động giúp tăng cường sự dẻo dai cho cơ tim, làm các động mạch linh hoạt hơn.
Cao huyết áp
Chứng cao huyết áp sẽ dẫn đến nguy cơ đau tim và đột quỵ. Huyết áp có thể thay đổi tùy theo điều kiện vận động và tuổi tác. Tuy nhiên về cơ bản, chỉ số huyết áp ở người lớn khi đang nghỉ ngơi nên ở mức 120/80.
Cholesterol trong máu cao
Cholesterol là một chất tương tự chất béo có sẵn trong máu. Gan sản xuất cholesterol để hình thành màng tế bào và tạo một số hormon nhất định. Ngoài ra, cơ thể còn nhận thêm một lượng cholesterol khác từ thực phẩm được dung nạp vào cơ thể. Khi Cholesterol tăng bo trong máu tạo ra những mảng bám trên thành động mạch và bắt đầu quá trình xơ vữa động mạch. Khi các mảng bám tích tụ trong các động mạch vành cung cấp máu cho tim, nguy cơ đau tim sẽ tăng cao.
Tiểu đường
Ước tính có đến 65% số người tiểu đường tử vong do các bệnh tim mạch. Tiểu đường làm tăng nguy cơ bệnh tim và đột quỵ. Một phần của nguyên nhân này là do bệnh tiểu đường làm ảnh hưởng đến cholesterol và triglyceride.
2. Triệu chứng của bệnh lý tim mạch
Dưới đây là những triệu chứng cần lưu ý của bệnh lý tim mạch
Khó thở
Khó thở, nhất là xảy ra trong khi nằm, khi hít thở sâu, cảm giác giống như có vật nặng đè lên ngực, triệu chứng bệnh tim ban đầu. Người bị bệnh tim thường khó thở dù cả khi gắng sức hoặc không cần phải gắng sức. Cảm giác này có thể đến trong mọi thời điểm, đặc biệt là khi đang ngủ. Đây là việc tim đột ngột giảm khả năng co bóp khiến quá trình bơm máu đến phổi gián đoạn.
Nặng, tức ngực
Cơn đau tức, nặng ngực cũng có thể là triệu chứng bệnh tim. Người được chẩn đoán mắc bệnh tim thường gặp tình trạng này. Người bệnh cảm thấy đau thắt ngực ở vùng dưới xương ức. Thời gian kéo dài cơn đau khoảng 10 phút và thường xuyên tái diễn. Cần lưu ý rằng đây có thể là triệu chứng cảnh báo nhồi máu cơ tim do tế bào cơ tim không được nhận đủ oxy vì lượng máu đến tim bị giảm, nên thăm khám ngay.
Khả năng gắng sức kém
Khi cảm thấy hụt hơi, mệt mỏi sau khi làm bất cứ hoạt động nào là triệu chứng điển hình của bệnh lý về tim. So với nam giới thì nữ giới thường gặp phải tình trạng giảm khả năng gắng sức này hơn.
Có cơn đau lan tới cánh tay
Bệnh nhân mắc bệnh lý về tim cũng có cơn đau từ tim, có xu hướng lan dần ra các khu vực ở bên trái cơ thể. Thường gặp nhất là cơn đau ở cánh tay trái.
Chóng mặt
Người bị bệnh tim cũng có thể cảm thấy nhìn mờ, chóng mặt hoặc mất thăng bằng trong giây lát. Lý do vì tim không đủ sức để bơm máu đi tới các cơ quan. Mặc dù đây cũng có thể là kết quả của những hoạt động như: ngủ không đủ giấc, ăn không đủ chất, đứng lên đột ngột… Tuy nhiên bệnh tim giai đoạn đầu cũng có triệu chứng này.
Ngủ ngáy
Việc ngủ ngáy một chút trong khi ngủ được xem là bình thường ở hầu hết mọi người. Nhưng nếu ngáy quá to hoặc bị thở khò khè thì có thể là do chứng ngưng thở khi ngủ. Tình trạng này dễ gây thêm áp lực lên tim và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển bệnh tim mạch.
Đổ mồ hôi
Sau khi vận động thể chất bị đổ mồ hôi là chuyện rất bình thường, nhưng nếu hiện tượng này xảy ra mà không rõ nguyên nhân, kèm theo đau tức ngực, khó thở thì có thể là triệu chứng bệnh tim.
Ho trong thời gian dài
Hầu hết các trường hợp ho mạn tính có liên quan đến bệnh lý đường hô hấp. Tuy nhiên, với những người có nguy cơ gặp các vấn đề về tim hay có tiền sử bệnh tim thì cần chú ý đến triệu chứng này, đặc biệt là ho về đêm hay khi gối đầu thấp.
Ho ra bọt hồng, dịch nhầy trắng có thể là triệu chứng suy tim bước vào giai đoạn nguy kịch. Nó là kết quả của việc tim không thể đáp ứng nhu cầu bơm máu đi vào hệ tuần hoàn của cơ thể nên ứ đọng trong phổi và làm tổn thương vi mạch phế nang, gây phù phổi.
Nhịp tim rối loạn
Cảm giác như tim bị hụt mất một nhịp hay đập nhanh hơn bình thường khi vui hay lo lắng quá mức là điều bình thường. Nhưng nếu tình trạng kéo dài trong vài giờ hoặc thành cơn tái diễn nhiều lần trong ngày thì có thể là triệu chứng rối loạn nhịp tim.
Hầu hết trường hợp bị rối loạn nhịp tim xuất phát từ việc ngủ không đủ giấc hoặc hấp thụ quá nhiều caffeine. Một số trường hợp đây lại là triệu chứng bệnh tim, nhất là bệnh rung nhĩ.
4. Chế độ ăn uống, sinh hoạt cho người mắc bệnh lý tim mạch
Kiểm soát các yếu tố nguy cơ của bệnh lý tim mạch và tiết chế ăn uống là những nguyên tắc quan trọng trong dự phòng và điều trị bệnh lý tim mạch. Dưới đây là những lưu ý trong chế độ sinh hoạt và ăn uống trong dự phòng và điều trị bệnh lý tim mạch
Kiểm soát trọng lượng cơ thể
Béo phì hay béo phì trung tâm đều làm tăng nguy cơ đối với các bệnh lý tim mạch. Người bệnh cần chế độ dinh dưỡng cân đối, hợp lý để đạt và duy trì cân nặng lý tưởng (BMI 21-22). Người béo phì cần được tiết chế dinh dưỡng cắt giảm 500-1000kcal/ngày phối hợp tập luyện phù hợp để giảm cân an toàn.
Chế độ ăn
❊ Chất béo nên chiếm 15-20% tổng năng lượng trong ngày, trong đó lượng acid béo no (có nhiều trong mỡ, bơ, thức ăn nhanh, thức ăn công nghiệp,…) không quá 10% tổng năng lượng, cholesterol < 300mg/ngày. Sử dụng dầu thực vật (dầu ô liu, dầu đậu nành, dầu hạt hướng dương, dầu hạt cải,…) thay cho mỡ động vật. Chọn thực phẩm giàu đạm ít chất béo: thịt nạc bỏ da, mỡ, thịt gia cầm, cá các loại đặc biệt các loại cá biển sâu giàu Omega 3 tốt cho sức khỏe tim mạch, sữa không béo hoặc ít béo, đậu hạt và các loại rau đậu,…
❊ Chất đạm nên phối hợp giữa đạm nguồn gốc động vật và nguồn gốc thực vật để kiểm soát tốt cholesterol khẩu phần.
❊ Chất đường bột nên chiếm 55-60% tổng năng lượng trong ngày. Nên chọn các loại ngũ cốc nguyên vỏ không chà xát kỹ như gạo lứt, gạo mầm, lúa mạch, bánh mì nâu, bánh mì đen,… chứa nhiều chất xơ, vitamin và chất khoáng giúp điều hòa huyết áp và tim mạch.
❊Nhu cầu chất xơ 20-25g chất xơ/ ngày, từ 400-500 gram rau và 100-200 gram trái cây mỗi ngày. Chất xơ giúp làm giảm hấp thu cholesterol từ ruột vào máu, ngoài ra còn chậm hấp thu đường sau bữa ăn, chống táo bón.
❊ Các loại hạt, ngũ cốc nguyên vỏ chứa nhiều chất xơ, vitamin (B1, B2, B3), chất khoáng (magie, phospho, selen, kẽm, sắt) giúp điều hoà huyết áp và tim mạch. Các loại rau củ và trái cây chứa nhiều vitamin A, C, beta- caroten và các flavonoid, các chất này hoạt động như các chất chống oxy hóa và có thể giảm nguy cơ viêm nhiễm, ngăn ngừa bệnh tim mạch.
❊ Lượng muối không quá 5g/ngày. Cần hạn chế ăn mặn, giảm nêm muối, hạt nêm, nước mắm, nước tương. Hạn chế các thực phẩm chứa nhiều muối như mắm, cá khô, chả lụa, tương, chao, dưa cà.
Thay đổi lối sống
❊ Tăng cường vận động và luyện tập thể thao phù hợp với tuổi và tình trạng sức khoẻ.Các loại hình vận động nhẹ phù hợp cho bệnh lý tim mạch như đi bộ, đạp xe, bơi lội, thể dục dưỡng sinh, làm việc nhà, chăm sóc cây cảnh…
❊ Giảm lo âu và căng thẳng
❊ Không uống rượu bia, không hút thuốc lá.
5. Lời kết
Tại Bệnh viện hữu nghị Lạc Việt, với hệ thống máy móc trang thiết bị hiện đại như Hệ thống chụp cộng hưởng từ 3.0 Tesla, Cắt lớp vi tính 128 dãy, X-quang phục vụ công tác chẩn đoán hình ảnh đảm bảo kết quả chính xác tin cậy phát hiện những tổn thương, bất thường của hệ thống tim mạch. Bênh cạnh đó Bệnh viện có đội ngũ y bác sĩ chuyên môn cao, tâm lý, nhiều năm kinh nghiệm luôn đáp ứng nhu cầu thăm khám, điều trị các bệnh lý tim mạch cho bệnh nhân trong và ngoài tỉnh Vĩnh Phúc.
Hệ thống Bệnh viện Lạc Việt