THẬN TRỌNG VỚI BỆNH TAY – CHÂN – MIỆNG Ở TRẺ NHỎ

Thứ bảy, 20/06/2020

Tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ nhỏ, nhất là các bé dưới 5 tuổi. Bệnh tay chân miệng có tốc độ lây lan nhanh, dễ thành dịch. Cao điểm của bệnh là vào giai đoạn chuyển mùa, nhất là vào mùa hè khi thời tiết nóng ẩm, thuận lợi cho virus phát triển và gây bệnh. Bệnh chủ yếu xuất hiện ở những khu vực đông người, như trường học, nhà trẻ…. Bệnh rất nguy hiểm nếu không phát hiện sớm và có phương pháp điều trị kịp thời.

1. Bệnh tay chân miệng là gì?

Tay chân miệng là một dạng bệnh lý do vi trùng đường ruột gây ra. Hai nhóm tác nhân gây bệnh chân tay miệng thường gặp là Coxsackie virus A16 và Enterovirus 71 (EV71). Đối tượng mắc bệnh chủ yếu là trẻ trong độ tuổi từ 5 tuổi trở xuống, bệnh có nguy cơ lây lan rất cao qua tuyến nước bọt, hay tiếp xúc với vùng da bị viêm nhiễm của trẻ.

Một số chủng virus nhóm A khác như Coxsackie A4-A7, A9, A10 hoặc virus Coxsackie nhóm B (B1-B3, và B5) cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh.

Căn bệnh này được đánh giá là hết sức nguy hiểm, khả năng tử vong cao nếu không điều trị kịp thời và chưa có loại vắc xin nào phòng ngừa căn bệnh này.

2. Các dấu hiệu nhận biết bệnh tay chân miệng

Bệnh tay chân miệng có những dấu hiệu nhận biết khác nhau tùy vào từng giai đoạn, cụ thể như:

◊ Giai đoạn ủ bệnh 3 – 6 ngày.

◊ Giai đoạn khởi phát bắt đầu với các triệu chứng dễ nhận thấy gồm:

  • Trẻ bị sốt, mệt mỏi, sốt  nhẹ (37,5-38 độ C) hoặc bị sốt cao (38-39 độ C).
  • Đau họng.
  • Tổn thương, đau rát ở răng và miệng.
  • Chảy nước bọt nhiều.
  • Biếng ăn.
  • Tiêu chảy vài lần trong ngày.

◊ Giai đoạn toàn phát (thường bắt đầu sau 1 – 2 ngày khởi phát bệnh), trẻ bắt đầu xuất hiện các triệu chứng điển hình của bệnh như:

  • Trẻ bị phát ban dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối, mông. Các bóng nước có đường kính 2 – 10mm, màu xám, hình bầu dục. Chúng có thể mọc lồi hoặc ẩn dưới da, sờ có cảm giác cộm, không đau, không ngứa.
  • Loét miệng: ở niêm mạc má, lợi và lưỡi của trẻ xuất hiện các bóng nước có đường kính 2 – 3mm, dễ vỡ. Khi vỡ tạo thành các vết loét khiến trẻ đau khi ăn, quấy khóc.
  • Trên mông của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ xuất hiện các mụn lở, rộp da.
  • Dấu hiệu toàn thân: rối loạn tri giác, mê sảng, co giật,
  • Ngoài các triệu chứng điển hình trên, tùy vào từng cơ địa, bệnh tay chân miệng còn xuất hiện thêm các biểu hiện như: Bóng nước rất ít xen kẽ với hồng ban hoặc chỉ xuất hiện hồng ban. Một số trường hợp bé chỉ xuất hiện loét miệng.
  • Nếu tình trạng bệnh nhẹ, sau 7 – 10 ngày chăm sóc tại nhà, trẻ sẽ hồi phục sức khỏe hoàn toàn. Trường hợp bé sốt cao (trên 39 độ C) kéo dài hơn 48 giờ kèm theo các biểu hiện như ói, tay chân run rẩy, co giật, tim đập nhanh, khó thở, da nổi vằn, gia đình cần đưa trẻ nhập viện ngay lập tức.
  • Sau khi khỏi bệnh, cơ thể trẻ sẽ miễn dịch với chủng virus gây bệnh. Tuy nhiên, theo kết quả nhiều nghiên cứu cho thấy trẻ có thể mắc tay chân miệng nhiều lần và lần bị bệnh sau là do những chủng virus khác với lần trước gây ra.

 

3. Bệnh tay chân miệng lây truyền qua con đường nào?

Các virus gây bệnh tay chân miệng có thể lây theo những cách thức sau:

– Qua những giọt dịch tiết từ đường hô hấp – gần giống đường lây của cảm cúm.

– Qua các bề mặt nhiễm bẩn hoặc chất thải (phân).

– Trẻ lành tiếp xúc trực tiếp với trẻ bệnh, bị nhiễm bệnh do nuốt phải nước bọt của trẻ bệnh được văng ra trong lúc ho, hắt hơi…

Vì cách thức lây truyền bệnh khá nhanh nên tay chân miệng rất dễ bùng phát thành dịch lớn. Khi một trẻ bị mắc bệnh, nếu không có những biện pháp phòng tránh kịp thời thì những trẻ xung quanh cũng có thể bị lây nhiễm bất cứ lúc nào.

4. Các Cách phòng ngừa bệnh tay chân miệng.

Trong vùng dịch tay chân miệng, biện pháp hữu hiệu nhất để khống chế dịch là phòng lây lan bệnh sang người lành.

♦ Các biện pháp phòng ngừa là:

– Người lành, nhất là trẻ em nên hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân nếu không thực sự cần thiết, không dùng chung đồ với bệnh nhân.

– Trước và sau khi chăm sóc bệnh nhân, cần rửa tay kỹ với xà phòng.

– Không được chọc vỡ các mụn nước bọng nước trên da bệnh nhân.

– Giặt các đồ dùng của bệnh nhân và lau phòng ở của bệnh nhân bằng các dung dịch sát khuẩn có chlor.

– Cần theo dõi chặt chẽ những trẻ có biểu hiện sốt trong vùng có dịch tay chân miệng.

– Cho trẻ nghỉ học cho đến khi khỏi bệnh.

Hướng dẫn trẻ che miệng và mũi khi hắt hơi, ho.

Theo dõi tình trạng bệnh và chăm sóc y tế kịp thời. Nếu trẻ có các biểu hiện bất thường như sốt cao, li bì, mất tỉnh táo cần ngay lập tức đưa trẻ đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.

Mọi thông tin cần thiết xin vui lòng liên hệ: ? Bệnh viện Hữu nghị Lạc Việt: Định Trung, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc
☎️ SĐT: 02113.656.252/19001269.  Hotline: 0949232115
?Bệnh viện khám chữa Bảo hiểm y tế và dịch vụ tất cả các ngày trong tuần, kể cả thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ.?

 

BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ LẠC VIỆT.