Đột quỵ giờ đây không chỉ còn là mối đe dọa đối với những người trung niên và cao tuổi, mà còn đang trở thành một mối nguy vô cùng đáng lo ngại đối với nhóm người trẻ tuổi. Tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ đang gia tăng qua từng năm, nhất là nam giới.

Tình trạng đột quỵ ở người trẻ tuổi
Hiện nay số lượng người bị đột quỵ đang ngày càng gia tăng. Điều đáng nói, số người trẻ tuổi mắc bệnh đang chiếm một tỷ lệ không hề nhỏ. Trái với suy nghĩ rằng đột quỵ chỉ xảy ra ở người già trên 60 tuổi, số liệu gần đây cho thấy lượng người trẻ nhập viện vì đột quỵ đang tăng đáng kể.
Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ đột quỵ cao so với thế giới. Với khoảng 200.000 người bị đột quỵ mỗi năm và là nguyên nhân thường gặp thứ hai gây tử vong tại Việt Nam, với tỷ lệ tử vong khoảng 40%. Trong đó, số ca đột quỵ ở người trẻ tuổi gia tăng một cách đáng kể. Trung bình, mỗi năm tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi tăng khoảng 2%. Trong đó, nam giới gấp 4 lần nữ giới.
Nguyên nhân gây đột quỵ ở người trẻ
Nguyên nhân dẫn đến đột quỵ ở người trẻ thường có rất nhiều nguyên nhân. Trong đó có 2 nhóm nguyên nhân chính: nhóm yếu tố nguy cơ không thay đổi được và nhóm có thể thay đổi được.
Nhóm yếu tố nguy cơ không thay đổi được:
- Dị dạng mạch máu não: Dị dạng mạch máu não là một bệnh lý bẩm sinh, là nguyên nhân phổ biến hàng đầu gây ra đột quỵ ở người trẻ. Mạch máu não phát triển bất thường có thể tạo ra các túi phình và bị vỡ ra gây xuất huyết não, dẫn đến đột quỵ hoặc làm hẹp mạch máu não, gây nhồi máu não.
- Mắc các vấn đề liên quan đến tim mạch: Những rối loạn nhịp, hoặc bệnh lý van tim… sẽ tạo thành những huyết khối trong tim và di chuyển lên trên não gây tắc mạch và đột quỵ.
- Tăng huyết áp: Việc tiêu thụ nhiều thức ăn đóng hộp, thực phẩm chế biến sẵn, chứa nhiều muối là nguyên nhân phổ biến gây ra tăng huyết áp ở người trẻ. Đồng thời cũng làm tăng nguy cơ đột quỵ ở người trẻ.
- Đái tháo đường: Thói quen sử dụng thực phẩm nhiều đường: kẹo, bánh ngọt, trà sữa,… làm tăng nguy cơ đái tháo đường. Nó có thể gây ra tổn thương tế bào nội mạc, tạo điều kiện thuận lợi cho sự tích tụ mỡ trong mạch máu, làm tăng nguy cơ đột quỵ ở người trẻ.

Nhóm yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được:
Người trẻ có thói quen lười vận động, stress, thừa cân, ăn nhiều chất béo, lạm dụng thuốc lá, rượu bia,… sẽ làm tăng nguy cơ dẫn đến đột quỵ.
- Ít vận động, béo phì: Khi không hoạt động thể chất đều đặn thường xuyên thì nguy cơ béo phì và thừa cân theo đó cũng tăng lên đáng kể. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng người có chỉ số BMI cao hơn 30, vòng eo lớn hơn 80 có nguy cơ mắc đột quỵ cao hơn nhiều so với những người có chỉ số ổn định.
- Sử dụng chất kích thích, rượu bia, thuốc lá: Rượu bia, thuốc lá, đồ uống có cồn là một trong những nguyên nhân phổ biến gây đột quỵ ở người trẻ. Giới trẻ thường xuyên tham gia các buổi tiệc và tiêu thụ rượu bia một cách thường xuyên do nhu cầu xã giao, mở rộng mối quan hệ. Trong thuốc lá có chứa tới 7000 chất độc hại. Những chất này có thể phá hủy tế bào cơ thể, làm tăng nguy cơ xơ vữa mạch máu não.
Dấu hiệu đột quỵ ở người trẻ
Mọi người nên ghi nhớ quy tắc FAST để nhận biết và cấp cứu nhanh người bị đột quỵ:
- B (Balance): Đột ngột mất thăng bằng, chóng mặt, đau đầu dữ dội, mất khả năng phối hợp vận động.
- E (Eyesight): Bị mờ mắt (giảm thị lực) hoặc mất hoàn toàn thị lực của 1 hoặc cả 2 mắt.
- F (Face): Biến đổi của khuôn mặt, có thể bị liệt, méo miệng, nhân trung bị lệch, thể hiện rõ nhất khi bệnh nhân cười mở miệng lớn.
- A (Arm): Cử động khó hoặc không thể cử động tay chân, tê liệt 1 bên cơ thể. Cách xác nhận nhanh chóng nhất là yêu cầu bệnh nhân giơ 2 tay lên và giữ lại cùng 1 lúc.
- S (Speech): Khó nói, phát âm không rõ, nói dính chữ, nói ngọng bất thường. Bạn có thể kiểm tra bằng cách yêu cầu người nghi ngờ bị đột quỵ lặp lại một câu đơn giản bạn vừa nói.
- T (Time): Hãy nhanh chóng gọi 115 hoặc đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

Khoảng 12% bệnh nhân trước khi bị đột quỵ đã trải qua cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua (TIA) hoặc cơn đột quỵ nhỏ trong 90 ngày trước đó. Do thời gian diễn ra ngắn nên nhiều người không nhận ra, bỏ qua không đi kiểm tra và phòng ngừa.
Một số sai lầm thường gặp khi bệnh nhân bị đột quỵ não
- Cạo gió: Khi bệnh nhân đột quỵ thường có những biểu hiện: tê bì tay chân, liệt chân tay hoặc nửa người, mặt lệch, nói khó, chóng mặt, đau đầu,… Nhiều người nhầm tưởng người bệnh bị cảm và tiến hành đánh gió, cạo gió. Tuy nhiên, điều này không những không có tác dụng và còn làm mất thời gian vàng điều trị.
- Châm kim vào đầu tay: Đây là mẹo được truyền tai rất nhiều khi bị đột quỵ. Tuy nhiên đây là hành động không thể cứu người mà còn khiến tình trạng bệnh nặng hơn, cơn đau khi châm còn làm tăng huyết áp của bệnh nhân.
- Tự ý sử dụng các loại thuốc đông y: Việc uống thuốc và nghĩ thuốc tốt sẽ giúp khỏi bệnh sẽ dẫn đến tâm lý chủ quan không đưa đi viện sớm, làm mất cơ hội điều trị tốt nhất cho người bệnh.
- Chờ bệnh nhân ổn định mới đưa đi viện: Nhiều trường hợp nặng, bệnh nhân rơi vào tình trạng hôn mê ngay lập tức, người nhà càng phải đưa đi viện sớm. Càng chậm trễ thì càng khiến bệnh nhân mất đi cơ hội điều trị.
- Chủ quan đợi xem tự phục hồi không: Đây là sai lầm thường gặp ở những người bị đột quỵ nhẹ như chóng mặt, đau đầu hoặc tê bì chân tay, mệt mỏi nên chủ quan vào giường nằm ngủ một giấc. Đáng tiếc đa số các trường hợp khi tỉnh dậy đã nặng, hoặc rất nặng, đã mất đi cơ hội điều trị trong giờ vàng.
Cách phòng ngừa đột quỵ ở người trẻ tuổi
Để phòng ngừa đột quỵ nhất là những người trẻ tuổi cần phải có một lối sống khoa học:
- Đảm bảo ngủ đủ giấc, tránh thiếu ngủ;
- Nghỉ ngơi hợp lý, giảm căng thẳng;
- Ưu tiên ăn uống lành mạnh, nhiều rau củ, tránh những thực phẩm nhiều dầu mỡ, nhiều cholesterol, chất béo;
- Tránh sử dụng các chất kích thích, rượu bia, đồ uống có cồn, thuốc lá, ma túy;
- Tập thể dục thể thao thường xuyên, tránh ngồi một chỗ quá lâu;
- Kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ: tăng huyết áp, bệnh tim mạch, tiểu đường,…
- Kiểm tra sức khỏe, tầm soát định kỳ để phát hiện sớm và điều trị kịp thời các dấu hiệu của đột quỵ;
——————————————–