Trong suốt hơn 20 năm qua, bà N.T.H (79 tuổi ở Gia Bình, Bắc Ninh) bị đau nhức hai bên gối khiến việc đi lại vô cùng khó khăn. Được biết, bà đã đi khám nhiều nơi, điều trị, uống rất nhiều loại thuốc khác nhau nhưng tình trạng bệnh không thuyên giảm.
Thời điểm trước khi nhập viện, bà H. đau nhiều, không thể tự đi lại được, buộc phải ngồi xe lăn, hai chân gần như “tàn phế”. Dù tuổi đã cao, nhưng cả bà và gia đình đều mong muốn có thể tự đi lại bằng đôi chân của chính mình.
Đầu tháng 3 vừa qua, gia đình đưa bà đến Bệnh viện hữu nghị Lạc Việt khám và nghe tư vấn từ các bác sỹ.
Tại bệnh viện, sau khi thực hiện khám lâm sàng, cùng hình ảnh chụp X-quang và các cận lâm sàng khác, các bác sĩ đánh giá bệnh nhân H. bị thoái hóa khớp gối độ IV, có biến dạng và lệch trục gối, kèm tiền sử Đái tháo đường duy trì thuốc theo đơn, thừa cân và béo phì.
Tiến hành hội chẩn, đánh giá kỹ lưỡng tình trạng bệnh lý, đội ngũ bác sỹ khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện hữu nghị Lạc Việt đã đưa ra phương án điều trị phù hợp nhất là phẫu thuật can thiệp thay khớp gối toàn phần cả 2 bên.
Mục tiêu là giúp bệnh nhân tránh được những cơn đau dai dẳng, kéo dài, cải thiện chức năng khớp gối và thoát khỏi “tàn phế” trong quãng thời gian còn lại.
Phẫu thuật thay khớp gối toàn phần 2 bên
Thay khớp gối một bên đã trở thành phẫu thuật thường quy của bệnh viện. Tuy nhiên, với việc thay khớp gối 2 bên trên cùng một bệnh nhân thực sự là thử thách lớn với cả bệnh nhân và bác sĩ. Song, dưới sự quyết tâm cao của đội ngũ bác sỹ, cùng tinh thần lạc quan của bệnh nhân và người nhà, chỉ định phẫu thuật thay khớp gối toàn phần 2 bên đã được đưa ra.
Ngày 19/3/2024, ca phẫu thuật thay khớp gối phải được tiến hành. Ca mổ diễn ra trong khoảng 2 giờ, tình trạng sức khỏe bệnh nhân sau mổ ổn định. Một tuần sau, bệnh nhân phẫu thuật thay khớp gối trái.
Cả hai ca phẫu thuật đã được thực hiện thành công, thay thế khớp gối thoái hóa nghiêm trọng bằng khớp gối nhân tạo và điều chỉnh thẳng trục gối, giúp bà H. có thể đứng cân bằng hai bên.
Ths. Bs. Vũ Minh Hải, Phó trưởng khoa Ngoại – Bệnh viện hữu nghị Lạc Việt cho biết: “Phẫu thuật thay khớp gối là phẫu thuật lớn, khó, đòi hỏi kỹ thuật của phẫu thuật viên chấn thương chỉnh hình. Chỉ định phẫu thuật thay khớp gối rất chặt chẽ, tuy nhiên với tổn thương của bệnh nhân H. thì chỉ định thay khớp gối phải được đưa ra, dù bà tuổi đã cao, kèm tiền sử có nhiều bệnh lý nền.”
Phục hồi chức năng sau phẫu thuật
Tập phục hồi chức năng là một phần quan trọng sau phẫu thuật thay khớp gối: Giúp cải thiện vận động khớp gối và di chuyển của người bệnh, đồng thời phòng tránh các biến chứng và thương tật thứ cấp sau thay khớp, giúp bệnh nhân trở lại với cuộc sống thường ngày, công việc, thể thao.
Mục tiêu chung:
- Kiểm soát cơn đau, sưng nề và các biến chứng sau mổ.
- Bảo vệ vùng mổ và khớp nhân tạo.
- Khôi phục lại tậm vận động khớp gối và cơ lực của chân .
- Độc lập trong di chuyển và sinh hoạt hàng ngày.
- Quay trở lại cuộc sống bình thường và hoạt động thể thao giải trí.
Ngay sau phẫu thuật, bệnh nhân được bác sĩ chuyên khoa Phục hồi chức năng, phối hợp cùng các bác sĩ chuyên khoa khác hội chẩn chuyên môn, tiến hành lượng giá, lên kế hoạch tập phục hồi chức năng ngay tại giường cho bệnh nhân.
Chuyển xuống khoa Nội tổng hợp – Bệnh viện hữu nghị Lạc Việt, hàng ngày, bà được các bác sỹ và chuyên viên vật lý trị liệu đến tận phòng giúp tập phục hồi, theo dõi khả năng đáp ứng giáo trình, để bà có thể trở lại với cuộc sống bình thường nhanh nhất có thể.
Trực tiếp theo dõi quá trình phục hồi chức năng sau phẫu thuật, bác sỹ Nguyễn Trung Đức, khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện hữu nghị Lạc Việt cho biết: “Do bệnh nhân tuổi cao, có nhiều bệnh lý nền, nên quá trình phục hồi sẽ kéo dài, khó khăn hơn so với những bệnh nhân bình thường. Tuy nhiên, bà H. đã có những tiến bộ đáng kể. Sau mổ 2 tuần, bà đã có thể đứng được. Sau 4 tuần bắt đầu di chuyển được mà không cần trợ giúp”.
Trường hợp người bệnh H. dù tuổi cao, có nhiều bệnh lý nền. Nhưng các bác sĩ bệnh viện Lạc Việt đã khắc phục những khó khăn, cố gắng đưa ra phương án điều trị tối ưu cho người bệnh.
Các bác sĩ khuyến cáo sau khi mổ thay khớp gối nhân tạo người bệnh không được thực hiện các hoạt động mạnh hay chơi thể thao có va chạm, như: Chạy, nhảy, leo trèo, lộn nhào; không được ngồi xổm, bắt chéo chân, xếp bằng tròn.
Phẫu thuật thay khớp gối toàn phần được xem là giải pháp điều trị cuối cùng, hiệu quả cao với những người bệnh thoái hóa khớp gối nặng ở giai đoạn III và IV, điều chỉnh hoàn hảo các biến dạng khớp. Sau phẫu thuật, người bệnh sẽ được cải thiện triệu chứng đau, tránh nguy cơ tàn tật vĩnh viễn.
——————————————–