Cúm mùa: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị

Thứ Hai, 07/10/2024

Cúm là một dạng bệnh nhiễm virus cấp tính, phát triển khi virus lây nhiễm và tấn công vào hệ hô hấp gồm mũi, cổ họng, phổi và các ống phế quản. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi gây mệt mỏi và khó chịu cho người bệnh.

Cúm là gì?

Cúm là bệnh đường hô hấp thông thường do virus gây ra. Các triệu chứng điển hình của cúm bao gồm: sốt, đau nhức đầu, ho, nghẹt mũi,…

Bệnh thường kéo dài từ 7-10 ngày. Với thời gian ủ bệnh từ 1-4 ngày, thời điểm lây có thể bắt đầu trước khi sốt 1 ngày. Tuy nhiên với người già, trẻ nhỏ, bệnh có thể chuyển biến nghiêm trọng dẫn đến tử vong do biến chứng. Ngoài ra, với nhiều người bị suy giảm miễn dịch bệnh có thể kéo dài tới nhiều tháng.

3 loại cúm phổ biến ảnh hưởng tới người, bao gồm:

  • Cúm A: Virus cúm A thường xuyên biến đổi và tạo ra nhiều biến chủng mới. Hiện nay, cúm đang được lưu hành là H1N1 và H3N2. Loại cúm này có khả năng lây lan nhanh và gây ra đại dịch cúm.
  • Cúm B: Giống như cúm A, virus cúm B có thể bùng phát gây bệnh theo mùa, tuy nhiên không gây ra những đợt lây nhiễm lớn.
  • Cúm C: Virus cúm C gây bệnh với triệu chứng hô hấp nhẹ hơn so với cúm A và cúm B.

Nguyên nhân gây bệnh

Thời tiết: Thời điểm giao mùa là lúc hệ miễn dịch suy yếu, dễ mắc bệnh. Nhất là thời điểm giao mùa thu – đông. Không khí lúc ẩm, lúc hanh khô khiến virus gây bệnh sinh sôi mạnh.

Lây từ người khác: Virus cúm lây lan qua giọt bắn trong không khí khi người bệnh ho, hắt hơi, truyền sang người lành và tồn tại trên các bề mặt, đồ vật là nguồn lây nhiễm chủ yếu.

Hệ miễn dịch: Người có hệ miễn dịch kém như người già, trẻ nhỏ, người mắc các bệnh mãn tính hoặc sử dụng thuốc ức chế miễn dịch cũng rất dễ bị cảm cúm.

Triệu chứng của bệnh cảm cúm

Cúm có khả năng gây ra các triệu chứng từ nhẹ đến nặng. Nhiều người hay nhầm lẫn giữa cúm và cảm lạnh bởi cả 2 đều có biểu hiện triệu chứng ban đầu như sổ mũi, hắt hơi, đau họng,…

Triệu chứng cúm thường gặp đầu tiên là sốt cao từ 39-40 độ C. Trẻ em nếu cúm thường sẽ sốt cao hơn so với người lớn. Ngoài ra người bị cúm cũng có thể gặp một hoặc nhiều các dấu hiệu sau:

  • Cảm thấy ớn lạnh, đổ mồ hôi
  • Ho khan
  • Viêm họng
  • Nghẹt mũi, chảy nước mũi
  • Đau đầu
  • Mệt mỏi, khó thở
  • Nôn mửa, tiêu chảy

Hầu hết các triệu chứng của bệnh cúm sẽ dần biến mất sau khoảng 4-7 ngày. Trong trường hợp các triệu chứng của cúm dần trở nên nặng hơn hoặc dai dẳng không có dấu hiệu giảm bớt sau 1 tuần hoặc sốt kéo dài 3 ngày thì bạn cần nên đến cơ sở y tế để kiểm tra.

Phân biệt triệu chứng giữa cúm mùa và cảm cúm thông thường

Cúm và cảm lạnh đều là bệnh truyền nhiễm lây qua đường hô hấp, gây ra bởi các tác nhân khác nhau nhưng có các triệu chứng lâm sàng tương đồng với nhau. Rất nhiều người nhầm lẫn giữa cảm cúm và cảm lạnh thông thường với nhau. Tuy nhiên, các triệu chứng của cúm mùa thường nặng nề và dai dẳng hơn so với bệnh cảm lạnh thông thường.

Xem ngay 10 dấu hiệu phân biệt giữa cảm cúm và cảm lạnh thông thường:

Biến chứng của bệnh cúm mùa

Ở người trẻ, có nền tảng sức khỏe tốt, bệnh cúm thường không ảnh hưởng quá nghiêm trọng và có thể biến mất sau nhiều nhất 2 tuần mà không để lại biến chứng lâu dài.

Tuy nhiên, với trẻ dưới 5 tuổi, người cao tuổi có sức khỏe kém cúm có thể gây ra biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, bội nhiễm vi khuẩn, viêm não, viêm màng não, nhiễm trùng tai, nhiễm trùng xoang, viêm cơ, hủy cơ vân, có thể dẫn đến tổn thương đa cơ quan: thận, suy hô hấp,… Ngoài ra, cúm có thể làm trầm trọng thêm tình trạng các bệnh mãn tính: suy tim sung huyết, hen suyễn, đái tháo đường,… Trong đó, viêm phổi là một trong những vấn đề nặng nề nhất có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng.

Đối tượng dễ mắc bệnh cảm cúm

  • Trẻ em dưới 5 tuổi;
  • Người cao tuổi, trên 65 tuổi;
  • Phụ nữ mang thai;
  • Người suy giảm hệ miễn dịch: thuốc, liệu pháp chống ung thư, HIV/AIDS;
  • Người suy dinh dưỡng, hoặc người có thể trạng béo phì;
  • Người có tiền sử bệnh lý mãn tính;
  • Người làm việc tại môi trường đông như trường học, bệnh viện, văn phòng,… có nguy cơ mắc và lây truyền bệnh cao.

Khi phát hiện mình nhiễm cúm người bệnh nên làm gì?

  • Tránh tiếp xúc với người lành. Nếu cần thiết thì cả người bệnh và người lành nên đeo khẩu trang để hạn chế lây nhiễm.
  • Vệ sinh mũi họng, rửa tay sạch, vệ sinh bề mặt xung quanh người bệnh
  • Mở cửa sổ, tạo môi trường thoáng khí
  • Nếu triệu chứng nặng nên đến cơ sở y tế để thăm khám, tư vấn và điều trị.
  • Người bệnh sử dụng thuốc dưới sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa. Không tự ý dùng thuốc chống viêm, kháng virus nếu không có chỉ định của bác sĩ.
  • Người bệnh cần nghỉ ngơi, thư giãn, uống nhiều nước, ăn thức ăn mềm, ăn nhiều trái cây, rau xanh.

Phòng bệnh cúm mùa

  • Vệ sinh cá nhân, rửa tay sạch bằng xà phòng
  • Che miệng mũi khi ho, hắt hơi. Nếu che bằng giấy thì cần phải vứt bỏ ngay vào thùng rác. Nếu che miệng bằng tay thì cần phải rửa ngay để hạn chế lây nhiễm sang vật dụng khác.
  • Theo dõi sức khỏe hàng ngày, nếu có biểu hiện sốt, ho, đau họng thì nên thông báo cho trường học, cơ quan, đoàn thể nơi đang học tập, công tác và cơ sở y tế địa phương để được cách ly.
  • Tất cả mọi người, đặc biệt là người mắc bệnh mạn tính, phụ nữ mang thai, trẻ em, người gia cần tránh tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh.
  • Không tự ý sử dụng thuốc, đặc biệt là thuốc kháng virus như tamiflu mà phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất dinh dưỡng để nâng cao thể trạng.
  • Tiêm phòng Vắc-xin Cúm mùa.

Hiện nay, Bệnh viện Lạc Việt với đội ngũ y bác sĩ chuyên khoa, giàu kinh nghiệm cùng hệ thống trang thiết bị y tế hiện đại sẵn sàng thăm khám, điều trị cho người bệnh về các bệnh lý truyền nhiễm như cúm mùa,… Thêm vào đó, vắc-xin phòng cúm luôn có sẵn tại phòng tiêm chủng của bệnh viện.

——————————————–

Hệ thống Bệnh viện Lạc Việt

🏥 LVFH Vĩnh Yên: Đường Nguyễn Tất Thành, Định Trung, TP. Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc.
☎ 𝐇𝐨𝐭𝐥𝐢𝐧𝐞: 1900 1269 hoặc 0949 232 115.
🏥 LVFH Phúc Yên: Đường Hai Bà Trưng, Hùng Vương, TP. Phúc Yên, Vĩnh Phúc.     
☎ 𝐇𝐨𝐭𝐥𝐢𝐧𝐞: 0837 732 115.